Kim Thượng đưa sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa

PTĐT - Là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nhất huyện Tân Sơn với trên 480ha, nhiều năm trở lại đây, người dân xã Kim Thượng đã có nhiều đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm.

Bà con nhân dân xã Kim Thượng thu hoạch vụ mùa 2020

Bà con nhân dân xã Kim Thượng thu hoạch vụ mùa 2020

PTĐT - Là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nhất huyện Tân Sơn với trên 480ha, nhiều năm trở lại đây, người dân xã Kim Thượng đã có nhiều đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm. Thay đổi phương pháp canh tác kém hiệu quả trước kia, bà con đã ứng dụng KHKT vào sản xuất góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và đặc biệt là đưa sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa với nhiều sản phẩm phong phú...Thay vì sản xuất lúa thuần trên diện tích đang có, những năm gần đây, gia đình chị Hà Thị Kiệt ở xã Kim Thượng chuyển sang trồng giống lúa lai và lúa chất lượng cao, nhờ vậy không chỉ góp tăng năng suất, sản lượng mà còn tăng thu nhập kinh tế gia đình. Chị Kiệt cho biết: “Nhà tôi có trên 2.500m2 chuyên cấy lúa nước 2 vụ mỗi năm. Trước đây do cấy lúa thuần, theo phương pháp truyền thống nên năng suất chỉ đạt 120 -150kg/360m2. Từ năm 2016 đến nay, tôi chuyển toàn bộ diện tích sang cấy lúa lai và lúa chất lượng cao như J01, J02 vào sản xuất, kết hợp áp dụng phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên nên năng suất rất cao, trung bình từ 180kg đến 250kg/360m2. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình ngày thêm bền vững"Với lợi thế trên 6.800ha đất lâm nghiệp, trong đó 3.600ha đất rừng khoanh nuôi, trên 3.200ha diện tích rừng trồng, nguồn sinh thủy tự nhiên phong phú, đặc biệt là ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong sạch nên nhiều người dân đã tận dụng lợi thế này để phát triển chăn nuôi gia cầm, thủy cầm thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Gia đình anh Lương Tiến Dũng, khu Tân Lập, có 8ha đất đồi rừng trồng keo, bồ đề và mỡ kết hợp chăn nuôi trên 80 con lợn rừng lai, trong đó có 20 con lợn nái và lợn đực giống, 13 sào ao nuôi thả các mè, rô phí, trắm, chép kết hợp nấu rượu ngô, thu nhập gần 400 triệu mỗi năm; gia đình anh Hà Văn Minh ở xóm Nhàng có 10ha trồng bồ đề và mỡ kết hợp nuôi vịt thả suối từ 300-400 con mỗi lứa, trung bình mỗi năm 2 lứa và gần 400 con ngan, gà nhiều cựa đã mang lại thu nhập đến 300 triệu mỗi năm.Bí thư Đảng ủy xã Kim Thượng Phùng Văn Cửu phấn khởi cho biết: “Kim Thượng được thiên nhiên ưu ái, đất đồi rừng và đất sản xuất đều tập trung, cánh đồng lớn và thuận lợi nguồn sinh thủy do làm tốt công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng nên nhiều năm nay riêng về sản xuất nông nghiệp không bao giờ gặp rủi ro. Bên cạnh đó, người dân cũng chủ động tiếp cận ứng dụng KH- KT vào sản xuất, chăn nuôi nên các sản phẩm nông nghiệp của người dân đã trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, nhiều hộ gia đình làm tốt công tác sản xuất nông nghiệp mà trở nên khá giả".Phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đưa những sản phẩm nông nghiệp của địa phương trở thành hàng hóa, đến năm 2020, xã Kim Thượng đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 15%, thu nhập bình quân đầu người 25,6 triệu/người/năm.

Hồng Nhuận (Đài TT Tân Sơn)

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202011/kim-thuong-dua-san-pham-nong-nghiep-tro-thanh-hang-hoa-174041