Kinh Bắc muốn mua lại trước hạn lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng, cho công ty con vay 200 tỷ
Tính đến cuối năm 2022, Kinh Bắc đã phát hành 4 lô trái phiếu với giá trị 3.900 tỷ đồng, trong đó ba lô được đáo hạn trong năm nay.
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã: KBC) vừa công bố sẽ mua lại trước hạn trái phiếu có mã KBCH2123002 vào ngày 5/4/2023, sớm hơn gần hai tháng so với kế hoạch. Nguồn tiền lấy từ dòng tiền hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty.
Theo công bố, đây là lô trái phiếu có giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, được phát hành ngày 3/6/2021 và đáo hạn 3/6/2023. Lãi suất được áp dụng cố định 10,5%/năm và trả lãi 6 tháng/lần.
Theo kết quả công bố, 1.000 tỷ đồng trái phiếu này được phân phối cho một công ty chứng khoán, một quỹ đầu tư chứng khoán trong nước, 27 nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, hai tổ chức trong nước khác cùng một quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài. CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) là bên đứng ra sắp xếp cho thương vụ.
Ngày 3/3, Hội đồng quản trị (HĐQT) KBC cũng vừa thông qua việc cho công ty con là Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị Tràng Cát vay tối đa 200 tỷ đồng trong thời hạn 2 năm theo hình thức tín chấp. Mục đích vay nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tính đến cuối năm 2022, KBC sở hữu 100% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị Tràng Cát với giá trị ghi sổ là 6.630 tỷ đồng.
Ở diễn biến khác, ngày 30/1, CTCP KCN Sài Gòn - Hải Phòng (SHP), công ty con của KBC đã thực hiện chia cổ tức với tỷ lệ 330%/cổ phần, tương đương 330.000 đồng/cổ phần. Trong đó, KBC nhận được khoảng 1.188 tỷ đồng.
Thực tế KBC đang thế chấp 700.000 cổ phần của SHP tại CTCP Chứng khoán An Bình (ABS). Do đó, cuối tháng 1, Kinh Bắc có thể nhận được số tiền 957 tỷ đồng cổ tức, ứng với 2,9 triệu cổ phần SHP. 231 tỷ đồng còn lại sẽ được chuyển vào tài khoản phong tỏa liên quan.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của KBC trên 34.930 tỷ đồng, tăng 12,7% so với đầu năm. Chiếm phần lớn là tồn kho hơn 12.250 tỷ đồng (tăng 6%), các khoản phải thu ngắn và dài hạn trên 11.700 tỷ đồng (tăng 8%).
Lượng tiền, tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng ngắn hạn và chứng khoán kinh doanh trên 4.125 tỷ đồng, chiếm 12% tổng tài sản.
Nợ phải trả của doanh nghiệp ghi nhận trên 17.000 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Trong đó, tổng dư nợ vay hơn 7.600 tỷ đồng (tăng 8%), bao gồm 3.857 tỷ đồng trái phiếu.