Kinh Diệu pháp Liên Hoa tóm lược: Bồ tát đạo, phiền não chướng và sở tri chướng (P.6)

Thiện nam, thiện nữ không chỉ thọ trì kinh Pháp Hoa dũng mãnh, tinh tấn mà còn thực hành 6 pháp Ba la mật, bố thí, trì giới nghiêm chỉnh, nhẫn nhục, thiền định, quán sát trí tuệ, công đức này thù thắng vô biên.

1. Bồ tát đạo

Tất cả tướng vốn là vô tướng. Bồ Tát quán mười pháp giới đều không, từ trong chân không mà sinh diệu hữu. Diệu hữu phi hữu, chẳng ngại chân không. Chân không bất không, chẳng ngại diệu hữu.

Ảnh minh họa (thiết kế bởi AI)

Ảnh minh họa (thiết kế bởi AI)

Chân không là tên khác của thật tướng, thật tướng là ngoài chẳng tham, trong vô sở cầu; trong ngoài đều không, trong chẳng có sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, ngoài chẳng có sáu trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, ở giữa chẳng có sáu thức: Nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, tỉ thức, thân thức, ý thức.

Quán sáu căn, sáu trần và sáu thức đều không, mười hai xứ và mười tám giới đều không. Ai thường tham thiền đả tọa, thì sẽ vào thật tướng, đến lúc bên trong chẳng có sáu căn, bên ngoài chẳng có sáu trần, ở giữa chẳng có sáu thức, mười tám giới đều không.

Phàm phu có 4 thứ điên đảo:

(1). Chẳng phải thường mà cho là thường

(2). Chẳng phải vui mà cho là vui

(3). Chẳng phải ngã mà cho là ngã

(4). Chẳng phải tịnh mà cho là tịnh

Người tu hành tu Bồ tát đạo, nên xa lìa quốc vương, vương tử, đại thần, quan lớn, (người quá nhiều tài của, quyền thế trong xã hội), xa lìa kẻ hung ác chế giễu, kẻ đồ tể giết heo, bò, và tất cả người tu tà đạo.

Cũng đừng gần gũi kẻ tăng thượng mạn (kiêu ngạo), tham đắm, tỳ kheo chẳng giữ giới luật, mạo xưng bậc Thánh. Cũng đừng gần gũi tỳ kheo phá giới, thích đùa giỡn nói cười, ham mê sắc, thanh, hương, vị, xúc hoặc tài, sắc, danh, thực.

Vì vô trí cũng vô đắc, cho nên "chẳng đắc các pháp", càng "không biết không thấy" tất cả các pháp, đó gọi là chỗ thực hành của Bồ tát. Tất cả các pháp, hết thảy đều không, chẳng có thường trụ, tức không thường trụ, tức chẳng chấp trước, không chấp trước thì được giải thoát. Quán tất cả các pháp không sinh, không diệt, "Đó gọi bậc trí", người nên gần gũi.

Đừng điên đảo thêm vào sự phân biệt "có", "không" của các pháp, đây là pháp thật, kia là pháp giả, đây là có sinh, kia là chẳng sinh. Nên ở chỗ vắng vẻ tu nhiếp tâm mình, an trụ bất động, đứng vững bất động như núi Tu Di. Yên lặng quán tất cả các pháp đều chẳng có, giống như hư không, chẳng có tự thể, cho nên chẳng kiên cố. "Không sinh không xuất", "không động không lùi", "thường trụ một tướng", thường trụ ở tướng chẳng có chẳng không, đó gọi là chỗ tu hành của Bồ tát.

Tu hành Bồ tát đạo, thường muốn khiến cho chúng sinh an ổn trong đạo, trong ngoài đều thanh tịnh, bên trong chẳng có vọng tưởng, bên ngoài chẳng có bụi bặm. Nếu có sự vấn nạn thì tùy nghĩa lý để trả lời, dùng các thứ nhân duyên và ví dụ để phân biệt diễn nói. Dùng pháp phương tiện khiến cho chúng sinh phát tâm bồ đề.

Đối với y phục, ngọa cụ, ẩm thực, thuốc men, các thứ vật chất, chẳng mong cầu gì hết, chỉ một lòng nhớ vì chúng sinh tùy căn cơ nói pháp, nguyện thành Phật đạo, cũng khiến cho chúng sinh thành tựu Phật đạo. Nghĩ như thế mới là lợi lớn cho tất cả chúng sinh, cúng dường an lạc cho chúng sinh.

Nếu có tỳ kheo tức là người xuất gia hành Bồ tát đạo, thường hay diễn nói kinh Diệu pháp Liên Hoa, giảng pháp trong kinh Pháp Hoa, thì tâm không được sân hận đố kị, học Phật pháp tức là vì tìm kiếm chân tâm. Tâm chẳng có đố kị sân hận, tức là lìa các phiền não, chướng ngại. Chẳng những mình chẳng có chướng ngại, mà đối với người khác cũng chẳng có chướng ngại. Nếu trong ngoài đều chẳng có chướng ngại, thì dù người khác chướng ngại mình, thì chướng ngại đó cũng chẳng làm gì được.

Cũng vị tu hành đó, diễn nói kinh Pháp Hoa, phải xả bỏ tâm kiêu mạn, siểm nịnh, dối trá, tà ngụy. Thường tu hạnh chính trực. "Trực tâm thị đạo tràng", đạo tràng là nơi có người hành đạo, tâm ngay thẳng tức người đó đang hành đạo, tự khắc nơi đó thành đạo tràng. Không khinh khi kẻ khác, cũng chẳng hí luận pháp. Đừng khiến cho kẻ khác sinh tâm nghi ngờ đối với Phật đạo.

Đại Bồ tát nói pháp thường nhu hòa nhẫn nhục, tức là mặc y Như Lai; từ bi đối với tất cả chúng sinh, tức là vào nhà Như Lai, siêng năng nói pháp, chẳng sinh tâm khinh mạn giải đãi. Phá trừ được tâm kiêu ngạo ngã mạn, thì nói pháp chẳng có chướng ngại.

Khái niệm "kiếp"

Kiếp gồm có tiểu kiếp, trung kiếp, đại kiếp.

Tuổi thọ của con người bắt đầu từ mười tuổi, mỗi một trăm năm thì tăng một tuổi, tăng đến tám vạn bốn ngàn tuổi thì ngừng (gọi là một lần tăng). Sau đó lại giảm xuống, cũng mỗi một trăm năm thì giảm một tuổi, giảm xuống còn mười tuổi thì ngừng (gọi là một lần giảm), một vòng chu kỳ tăng giảm đó gọi là 1 tiểu kiếp.

20 lần tiểu kiếp gọi là 1 trung kiếp. Trái đất nơi chúng sinh ở trải qua 4 giai đoạn: Thành – trụ - hoại – không. Mỗi giai đoạn kéo dài 20 tiểu kiếp (tức mỗi giai đoạn là 1 trung kiếp).

Cả 1 chu kỳ 4 giai đoạn đó được coi là 1 đại kiếp tức 1 lần trái đất sinh diệt được coi là 1 đại kiếp (4 lần trung kiếp - 80 lần tiểu kiếp).

2. Phiền não chướng và sở tri chướng

Phiền não chướng là chướng ngại của phiền não; là chấp trước năm uẩn là ta, do vọng kiến ngã chấp. Sở tri chướng là chướng ngại của hiểu biết bản thân; là chấp trước vào kiến thức, cái biết, vào năm uẩn là thật có, sự vọng kiến chấp pháp.

Lại có bốn thứ chướng khác: 1). Hoặc chướng: Tham dục, sân hận, ngu si, đó là tư hoặc. 2). Nghiệp chướng: Nghiệp ác tạo ra bởi thân, khẩu, ý. 3). Báo chướng: Khổ báo, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, ba đường ác. 4). Kiến chướng: Các tà tri tà kiến chướng ngại chính đạo.

Sáu thứ chướng ở trên, thì sở tri chướng là rất nguy hiểm. Nếu không biết thì chẳng có chướng ngại; nếu biết nhiều thì ngược lại sinh ra chướng ngại, sinh ra tư tưởng cống cao ngã mạn. Giống như trước kia chưa học Phật pháp, thì chẳng có chướng ngại, sau khi học Phật pháp được mấy năm, thì cảm thấy rằng mình hiểu nhiều hơn bất cứ ai, đó là bị sự hiểu biết làm chướng ngại.

Mục đích học Phật pháp là học vô chướng ngại, song ngược lại học ra sự chướng ngại. Có chướng ngại thì không thể chứng nhập bồ đề chính đạo. Vì tự tính chân như bị che đậy. Người có đại trí tuệ thì chẳng có chướng ngại gì cả. Bất cứ như thế nào cũng đều hoan hỷ.

Bất cứ là cảnh giới thuận, hoặc cảnh giới nghịch, chúng sinh không nên chấp trước nó. Cảnh giới thuận là có người khen ngợi mình ví như rằng người này giữ gìn giới luật, ngày ăn một bữa, ngủ ngồi, lại chẳng giữ tiền bạc, ngoài ba y bình bát ra, chẳng có vật gì khác. Người tu nghe những lời khen như thế, trong tâm rất hân hoan, còn ngọt hơn là ăn mật, đó là bị cảnh giới chuyển.

Cảnh giới nghịch là có người phỉ báng ví như rằng người này ham nghỉ ngơi, lười làm, chẳng chịu vận động, nói một cách khác là nương Phật ăn bám, nương Phật mặc y áo để qua ngày tháng. Người tu nghe rồi, trong tâm rất khó chịu, đó là bị cảnh giới chuyển.

Chướng ngại lớn nhất của việc tu đạo là chẳng nhận thức được cảnh giới, chẳng có định lực, rất dễ bị cảnh giới chuyển, làm mất đi đạo nghiệp.

Công đức

"Công" đối với bên ngoài mà nói, là lập công, là giúp ích, "đức" là quay vào bên trong mà xét. Bên ngoài có lập công, thì bên trong mới có đức.

Công chính là việc thiện, khi làm công thì tâm tự có cảm giác hoan hỷ, vui mừng, đó là tạo ra đức. Công đức do tích lũy mà thành, từ nhỏ thành lớn. Công đức đủ thì đắc được pháp môn văn trì Đà la ni. Đà la ni dịch là tổng trì, tổng của tất cả các pháp, trì vô lượng nghĩa. Đà la ni có 4 phần ý nghĩa:

(1). Pháp đà la ni: Đối với giáo pháp, văn trì chẳng quên.

(2). Nghĩa đà la ni: Đối với nghĩa của các pháp, tổng trì chẳng quên.

(3). Chú đà la ni: Đối với chú, tổng trì chẳng quên.

(4). Nhẫn đà la ni: An trụ đối với thật tướng của pháp, gọi là nhẫn, trì nhẫn gọi là nhẫn đà la ni.

Các đại Bồ tát trong ba ngàn đại thiên thế giới chuyển bánh xe pháp, tích góp công đức để giác hạnh viên mãn, chuyển tự tâm mình để rung động tâm chúng sinh, hồi chuyển tất cả chúng sinh giới, phá tan phiền não.

3. Thế nào là đại thiên thế giới?

Tức một núi Tu Di, một mặt trời, một mặt trăng, bốn đại bộ châu (Đông Thắng Thần châu, Tây Ngưu Hóa châu, Nam Thiện Bộ châu, Bắc Câu Lưu châu), tạo thành 1 thế giới.

Tích tập 1000 thế giới thì thành 1 tiểu thiên thế giới. Tích tập 1000 tiểu thiên thế giới thì thành 1 trung thiên thế giới. 1000 trung thiên thế giới thì thành 1 đại thiên thế giới.

Tạm kết

Nếu có người nghe được kinh Diệu pháp Liên Hoa, tin sâu chẳng nghi ngờ, chẳng hủy báng, phá hủy kinh, phát khởi tâm tùy hỷ, đọc tụng, thọ trì, biên chép, bảo người biên chép, thì công đức chẳng thể nghĩ bàn.

Thiện nam, thiện nữ không chỉ thọ trì kinh Pháp Hoa dũng mãnh, tinh tấn mà còn thực hành 6 pháp Ba la mật, bố thí, trì giới nghiêm chỉnh, nhẫn nhục, thiền định, quán sát trí tuệ, công đức này thù thắng vô biên.

Còn nữa…

Cư sĩ Phúc Quang tóm lược

Tài liệu tham khảo: Kinh Diệu pháp Liên Hoa giảng giải (Tập 3), Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập, Hòa thượng Tuyên Hóa giảng giải, Việt dịch: Tỳ kheo Thích Minh Định, NXB Pagode Kim Quang.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/kinh-dieu-phap-lien-hoa-tom-luoc-bo-tat-dao-phien-nao-chuong-va-so-tri-chuong-p-6.html