'Kinh đô' mua sắm mới trên nền tảng số

Trong bối cảnh thị trường tái mở cửa hiện nay, những cơ hội nào thương hiệu cần nắm bắt và ứng dụng vào kế hoạch tiếp thị để tăng trưởng hiệu quả giai đoạn 2022 - 2023?

Social Commerce - Duy trì sự liền mạch trong trải nghiệm mua sắm của khách hàng

Giãn cách xã hội kéo dài khiến mạng xã hội trở thành công cụ quan trọng giúp người Việt duy trì kết nối với thế giới xung quanh.

Theo Repota 2022, có tới 75% người tiêu dùng Gen Z khi được hỏi sử dụng nhiều hơn 4 nền tảng mạng xã hội cùng lúc, Gen Y là 63%. Ngạc nhiên hơn, Gen X - thế hệ được coi là khó tiếp cận Internet và công nghệ, ghi nhận 62% người được hỏi sử dụng tới 3 nền tảng mạng xã hội cùng lúc.

Các kênh chính người dùng Internet sử dụng để tìm kiếm thông tin về thương hiệu

Các kênh chính người dùng Internet sử dụng để tìm kiếm thông tin về thương hiệu

Không những thế, mạng xã hội sẽ là "kinh đô mua sắm" mới của người tiêu dùng. Theo số liệu từ GWI, trong năm qua, 62,6% người tiêu dùng Việt coi mạng xã hội là phương tiện tìm kiếm thông tin về thương hiệu và sản phẩm.

Con số này cao hơn cả các công cụ tìm kiếm như Google, Bing,... (52,9%) hay các ứng dụng mua sắm trên điện thoại (37,9%).

Nhờ sự bùng nổ của mạng xã hội và nhu cầu mua sắm trên các nền tảng này ngày càng tăng cao, Thương mại mạng xã hội (Social Commerce) sẽ là xu hướng mang lại nhiều cơ hội bứt phá doanh thu cho các thương hiệu trong năm 2022 - 2023.

Gaming & Esports - Cầu nối cảm xúc giữa thương hiệu và người tiêu dùng

Bất chấp sự thay đổi từ thị trường, Gaming nói chung và Esports (thể thao điện tử) nói riêng vẫn là dạng nội dung giải trí được người tiêu dùng Việt ưa chuộng hàng đầu.

Tăng trưởng liên tục của Gaming giai đoạn vừa rồi kèm theo cú hích Sea Games 31 với các bộ môn Esports mang về những tấm huy chương vàng danh giá đã thu hút sự quan tâm khổng lồ từ người trẻ độ tuổi 18 - 30, yêu thích game/công nghệ, dành 13 tiếng mỗi tuần cho các hoạt động giải trí trực tuyến.

Đây được xem là nhóm công chúng nhiều thương hiệu nhắm đến khi chiếm tới hai phần ba dân số trưởng thành của cả nước (theo Repota 2022). Chính vì vậy, ứng dụng “làn sóng” Gaming & Esports sẽ là phương án thông minh giúp các thương hiệu mở rộng tệp khách hàng trong bối cảnh hiện nay.

Sea Games 31 - Bộ môn Esports Việt Nam

Sea Games 31 - Bộ môn Esports Việt Nam

Để khai thác “mỏ vàng tiềm năng” này, hiện nay có 3 hình thức chủ yếu: Hợp tác cùng Gaming Influencer (người ảnh hưởng lĩnh vực Game), tham gia các hoạt động tài trợ và hợp tác trực tiếp cùng các nhà phát triển game.

Đặc biệt, đối với hình thức Gaming Influencer, đây được coi là hình thức tiếp thị vô cùng hiệu quả đối với thị trường Gaming bởi người tiêu dùng hiện nay có xu hướng tin tưởng vào nhận xét từ người khác (90%) hơn là quảng cáo từ các thương hiệu (30%).

Thêm vào đó, với các hình thức triển khai đa dạng như quảng cáo mạng xã hội, Video review, VOD, quảng cáo Instream Banner hay quảng cáo hiển thị chủ động,... điều này sẽ giúp thương hiệu dễ dàng tối ưu ngân sách tiếp thị để mang lại hiệu suất tối đa cho chiến dịch.

Webinar Marketing - Tiếp cận khách hàng trong lối sống kết hợp giữa trực tuyến và ngoại tuyến

Hai năm đương đầu cùng đại dịch đã tạo ra những thói quen mới trong hành vi tiêu dùng. Dù nới lỏng giãn cách đã chấm dứt, người tiêu dùng Việt có cơ hội quay về lối sống trước đại dịch nhưng họ không làm vậy.

Thời gian lên mạng trung bình của họ tuy có xu hướng giảm nhẹ (2,2%) nhưng thời lượng lên mạng qua thiết bị di động lại tăng tới hơn 3,5 tiếng/ngày, chiếm hơn một nửa tổng thời gian lên mạng (Báo cáo Repota 2022).

Điều này cho thấy, người tiêu dùng sẽ tiếp tục duy trì lối sống trực tuyến song hành cùng ngoại tuyến trong thời gian tới, thứ giúp họ trải nghiệm cuộc sống linh hoạt, thuận tiện và đầy đủ hơn.

Trung bình số lượng sự kiện trực tuyến trong một tuần

Trung bình số lượng sự kiện trực tuyến trong một tuần

Trong bối cảnh đó, Webinar (hội thảo trực tuyến) nổi lên như một công cụ thiết yếu giúp người tiêu dùng “bình thường hóa” cuộc sống thường nhật. Những hoạt động như học tập, làm việc, họp mặt,... giờ đây đều diễn ra trên các nền tảng Webinar như Zoom, Google Meet, ClickMeeting.

Chỉ tính riêng nền tảng ClickMeeting, có tới gần 40.000 sự kiện trực tuyến diễn ra mỗi tuần với thời lượng trung bình 98 phút/sự kiện, tăng 20% so với năm trước đó (theo Repota 2022).

Đồng thời, 40% số người tham dự Webinar có thể trở thành khách hàng tiềm năng của thương hiệu. Do đó, việc đầu tư vào việc tạo ra những nội dung giá trị, hữu ích trên nền tảng Webinar sẽ là xu hướng tiềm năng các thương hiệu cần chú ý trong thời gian tới.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/kinh-do-mua-sam-moi-tren-nen-tang-so-1655550262043.htm