Kinh doanh bất động sản cho thuê: Những vấn đề pháp lý và thực tiễn

Ngày 5/7, tại trụ sở Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Tạp chí Luật sư Việt Nam tổ chức chương trình Tọa đàm với chủ đề: 'Kinh doanh Bất động sản cho thuê: Những vấn đề pháp lý và thực tiễn' với mong muốn đóng góp một kênh thông tin quan trọng để các cơ quan hữu quan tham khảo, đưa ra quyết định phù hợp nhất, đảm bảo quyền, lợi ích của các bên liên quan.

Buổi Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia, đại diện cơ quan lập pháp, luật sư và đại diện doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực Bất động sản cho thuê.

Nhà báo Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm.

Nhà báo Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thạc sĩ, Nhà báo Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam cho biết, bất động sản cho thuê là mảng quan trọng của thị trường bất động sản, liên quan đến việc cung cấp các tòa nhà, căn hộ, tài sản thương mại để người khác sử dụng trong một khoảng thời gian cụ thể dưới dạng hợp đồng cho thuê. Việc cho thuê bất động sản mang lại nhiều lợi ích như: nguồn lợi nhuận tương đối lớn, an toàn có tính bền vững; nhu cầu thuê bất động sản lớn; tính đầu tư bền vững và khả năng kiểm soát tài sản cao.

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, lĩnh vực Kinh doanh Bất động sản cho thuê là một trong những lĩnh vực đầu tư kinh doanh phát triển mạnh. Theo thống kê, lượng khách du lịch và người đi công tác tăng trưởng đáng kể, điều này làm tăng nhu cầu về dịch vụ lưu trú ngắng hạng. Các loại hình bất động sản dòng tiền như khách sạn, nhà nghỉ, homestay đã và đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm và đầu tư. Việc chọn vị trí địa lý phù hợp là một yếu tố quan trọng giúp thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ, tiếp thị truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút và duy trì khách hàng…

 Toàn cảnh Tọa đàm.

Toàn cảnh Tọa đàm.

Tuy nhiên, việc đầu tư vào bất động sản cho thuê cũng đối mặt với những thách thức. Chi phí khấu hao tài sản cần được cân nhắc, vì giá trị bất động sản có thể giảm sau một thời gian sử dụng dài. Ngoài ra, những nhà đầu tư thiếu kiến thức và kinh nghiệm cũng gặp nhiều khó khăn và rủi ro khi đầu tư vào lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh này liên quan đến nhiều quy định của pháp luật. Ngoài những quy định trong Luật Kinh doanh Bất động sản thì còn áp dụng như Luật Doanh nghiệp; Luật Phòng cháy chữa cháy; Luật cư trú; Luật Bảo hiểm… Cùng hàng loạt những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt trong thực tiễn.

Thông qua buổi Tọa đàm này, Tạp chí Luật sư Việt Nam mong muốn có một cái nhìn tổng thể, có tính hệ thống về các vấn đề pháp lý liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản cho thuê một cách chuyên sâu, thẳng thắn, khách quan, đa chiều. Qua đó, đưa ra những kiến nghị góp ý, góp phần vào việc xây dựng chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo sự an toàn pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản cho thuê, nhằm bảo về quyền lợi cho các bên trong giao dịch về thuê mua bất động sản ở Việt Nam.

Tham gia tham luận, thảo luận tại Tọa đàm, các chuyên gia và đại biểu đã đưa ra các phân tích, ý kiến đánh giá về những vấn đề pháp lý và thực tiễn, đồng thời kiến nghị các giải pháp đối với các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bất động sản cho thuê hiện nay và trong thời gian tới. Trong đó, một số yếu tố được các chuyên gia tập trung phân tích chuyên sâu như: Quy định pháp luật về điều chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản cho thuê; các lưu ý khi kinh doanh bất động sản cho thuê; đánh giá về các phân khúc bất động sản tại Việt Nam; đánh giá ưu, nhược điểm của một số mô hình bất động sản cho thuê;...

 Tiến sĩ Trần Minh Sơn, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp trình bày tham luận tại Tọa đàm.

Tiến sĩ Trần Minh Sơn, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp trình bày tham luận tại Tọa đàm.

Trình bày tham luận liên quan đến quy định pháp luật về điều chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản cho thuê tại Tọa đàm, Tiến sĩ Trần Minh Sơn, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, hoạt động kinh doanh bất động sản chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Nghị định 136/2020/NĐ-CP về phòng cháy chữa cháy... Năm 2023, 2024, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai đã được Quốc hội thông qua với nhiều chính sách mới và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Theo Tiến sĩ Trần Minh Sơn đánh giá, hệ thống pháp luật liên quan đến kinh doanh bất động sản cho thuê đang ngày một chuyển biến và hoàn thiện theo hướng tích cực, tuy nhiên, còn chưa đủ để thị trường bất động sản cho thuê phát triển (nhất là yếu tố thực thi quy định pháp luật).

Từ ngày 1/8/2024, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành (1/7/2024), chính vì vậy, ngay từ thời điểm này, cần có những hoạt động cụ thể như: tổ chức diễn đàn, tập huấn các quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh bất động sản cho thuê trong các luật này cùng với các nghị định hướng dẫn thi hành của các luật trên, Tiến sĩ Trần Minh Sơn đề xuất.

 Luật sư Trương Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu tham luận tại Tọa đàm.

Luật sư Trương Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu tham luận tại Tọa đàm.

Trình bày tham luận liên quan tới một số nội dung cần lưu ý khi kinh doanh bất động sản cho thuê, Luật sư Trương Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra một số lưu ý liên quan tới: việc thanh toán; việc phạt và bồi thường thiệt hại do bên mua, bên nhận chuyển nhượng, bên thuê, bên thuê mua chậm tiến độ thanh toán hoặc bên bán, bên chuyển nhượng, bên cho thuê, bên cho thuê mua chậm tiến độ bàn giao bất động sản do các bên thỏa thuận và phải được ghi trong hợp đồng...

Tham luận về giải pháp tháo gỡ vướng mắc và các chính sách phát triển ngành nghề kinh doanh bất động sản cho thuê, Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Giám đốc Tư vấn và Đầu tư Công ty Luật SB Law cho biết, Luật kinh doanh bất động sản mới được kỳ vọng rất lớn trong việc thúc đẩy và phát triển thị trường bất động sản cho thuê, tuy nhiên trên thực tế, Luật chỉ quy định tổng quan và khái quát nhất các chính sách chung của Nhà nước về hoạt động này. Do đó, trong quá trình soạn thảo các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật trong thời gian tới, các cơ quan Nhà nước nên soạn thảo theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, quy trình để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đầu tư, tiến hành rà soát và cải cách các quy định pháp luật liên quan, loại bỏ các thủ tục không cần thiết và chuẩn hóa quy trình để giảm bớt gánh nặng cho nhà đầu tư.

Thế Đức

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/kinh-doanh-phap-luat/kinh-doanh-bat-dong-san-cho-thue-nhung-van-de-phap-ly-va-thuc-tien-160763.html