Kinh doanh, chế biến thực phẩm bẩn: Nhẹ cũng phải xử lý hình sự để răn đe

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh sử dụng hóa chất để chế biến thực phẩm chất lượng kém trở nên tươi ngon. Cùng với đó là nỗi lo an toàn thực phẩm khi tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trà trộn, len lỏi vào chợ dân sinh, chợ tạm ngày càng diễn biến phức tạp.

Những nguy cơ tiềm ẩn từ thực phẩm ngâm, tẩm hóa chất độc hại, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

Tùy tiện sử dụng chất phụ gia

Ngày 12/5, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ba Đình (Hà Nội) đã bất ngờ kiểm tra cửa hàng hải sản Minh Phát nằm ở phía sau chợ Long Biên. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng bắt quả tang nhân viên cơ sở này đang sử dụng hóa chất oxy già công nghiệp để tẩy trắng mực bán ra thị trường. Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ một chai nhựa còn chứa khoảng 30ml dung dịch oxy già cùng 30kg mực mai đã tẩy trắng.

Qua điều tra ban đầu, nhân viên của cơ sở này thừa nhận đã nhiều lần sử dụng oxy già để làm sạch mùi hôi thối, tẩy trắng mực dù biết rõ đây là chất phụ gia không được phép sử dụng trong thực phẩm. Toàn bộ tang vật đã bị cơ quan chức năng lập biên bản niêm phong. Các nhân viên của cơ sở này cũng được lấy lời khai để tiếp tục điều tra làm rõ.

Cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra đột xuất, lấy mẫu để làm xét nghiệm, xử lý nghiêm vi phạm. (Ảnh minh họa: Minh Phương)

Cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra đột xuất, lấy mẫu để làm xét nghiệm, xử lý nghiêm vi phạm. (Ảnh minh họa: Minh Phương)

Trước đó, ngày 6/4, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp Phòng An ninh kinh tế Công an thành phố Hà Nội bắt quả tang một cơ sở đang có hành vi bơm tạp chất vào tôm tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai. Theo lời khai ban đầu của người bơm tạp chất vào tôm, do khách hàng yêu cầu, muốn con tôm đẹp hơn nên họ mới làm. Tuy nhiên, qua xác minh, tổ công tác đã làm rõ thực chất việc bơm tạp chất vào tôm là do cơ sở tự ý thực hiện. Theo ước tính của cơ quan chức năng, mỗi con tôm sau khi bơm tạp chất tăng trọng lượng 10-15%.

Vì thế, cứ 10kg tôm được bơm tạp chất bán ra thị trường cũng đồng nghĩa có 1-1,5kg tạp chất trong đó. Đại diện Thanh tra Sở thông tin - Truyền thông cho biết, trung bình mỗi tháng có hàng tấn tôm bơm tạp chất của cơ sở này được đưa ra thị trường, cung cấp cho các nhà hàng trên địa bàn Thành phố và một số tỉnh lân cận. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu kiểm nghiệm để xem tạp chất đưa vào tôm là chất gì, đồng thời tịch thu toàn bộ tang vật liên quan, đồng thời sẽ tiếp tục làm rõ nhà hàng nào, cơ sở nào ở Hà Nội đã tiêu thụ tôm bơm tạp chất từ cơ sở này.

Cần xử lý nghiêm

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 ca mới mắc và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư, trong đó có nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm thiếu an toàn và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hệ lụy, hàng chục nghìn tỷ đồng phải chi trả cho việc khám, điều trị, xét nghiệm, chữa bệnh, không những thế, thực phẩm “bẩn” còn là tác nhân dẫn đến suy giảm sức lao động.

Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, theo ông Ngô Đình Loát - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), trong thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng thủy sản tươi sống tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm; chuyển từ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch sang đột xuất.

Còn theo Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn, quận đã có kế hoạch kiểm tra định kỳ, lấy mẫu ngẫu nhiên; hoặc khi có thông tin phản ánh của người dân về sản phẩm có dấu hiệu ngâm tẩm hóa chất, quận sẽ kiểm tra đột xuất, lấy mẫu để làm xét nghiệm, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có). “Chúng tôi rất mong người dân tố giác những trường hợp sai phạm để cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của người dân”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Theo các chuyên gia, rất khó để nhận biết thực phẩm đã ngâm hóa chất bằng cảm quan thông thường. Để xác định được chính xác thực phẩm có bị tẩm ướp hóa chất hay không, cần phải có các phân tích chuyên môn với các thiết bị phân tích hiện đại. Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể nhận thấy một số bất thường trên thực phẩm như màu sắc thực phẩm trắng đẹp hơn so với màu sắc thực của thực phẩm. Các loại hải sản tươi sống như mực, bạch tuộc được tẩy bằng các chất có gốc SO2 hoặc O3 (oxy già) sẽ có màu trắng tinh so với màu trắng ngà của thịt mực ban đầu, hoặc một số trường hợp khi sử dụng sẽ cảm nhận được mùi vị lạ do người bán sử dụng một lượng lớn phụ gia khi xử lý. Ngoài ra, một số loại thịt như heo, bò sau khi ngâm hóa chất điển hình là nitrat và nitrit cũng có thể loại bỏ các mùi ôi thiu, thịt chuyển sang màu hồng tươi ngon, khi cắt ra người tiêu dùng sẽ nhận thấy thịt phía trong mềm, nhão hơn, đặc biệt khi đun sôi nước có thể nổi bọt nhiều và có màu đục, mùi hôi.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Phạm hải Long - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, mức phạt tiền tối đa với cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng, tổ chức là 200 triệu đồng. Tuy nhiên, khi mức tiền phạt cao nhất thấp hơn 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5 - 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm.

Cụ thể, phạt tiền từ 80 triệu đồng - 100 triệu đồng với hành vi sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm; sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức cao nhất của khung hình phạt lên tới 20 năm tù.

Tuy nhiên, với mức xử phạt như trên vẫn còn quá nhẹ, vấn đề để loại khỏi thực phẩm bẩn ra khỏi đời sống, xã hội điều quan trọng với hành vi từ kinh doanh nhỏ lẻ không mang tính tổ chức nếu vi phạm vẫn phải xử lý hình sự để răn đe./.

Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/kinh-doanh-che-bien-thuc-pham-ban-nhe-cung-phai-xu-ly-hinh-su-de-ran-de-123747.html