Kinh doanh có trách nhiệm vì tương lai bền vững của thế hệ trẻ Việt Nam
Diễn đàn Quyền trẻ em và Doanh nghiệp: Kinh doanh có trách nhiệm vì tương lai bền vững của thế hệ trẻ Việt Nam đã diễn ra vào chiều 30/5 tại Hà Nội.
Tại "Diễn đàn Quyền trẻ em và Doanh nghiệp: Kinh doanh có trách nhiệm vì tương lai bền vững của thế hệ trẻ Việt Nam” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp với VCCI tổ chức vào chiều 30/5 đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của kinh doanh có trách nhiệm, tôn trọng quyền trẻ em và ngăn ngừa các tác động bất lợi về quyền con người.
Với sự tham gia của các đại biểu đến từ hơn 100 doanh nghiệp, Chính phủ, tổ chức xã hội, Diễn đàn tập trung trao đổi 3 vấn đề chính, bao gồm: Thứ nhất, kiến thức, kinh nghiệm và thực hành tốt nhất về lồng ghép quyền trẻ em vào hoạt động kinh doanh và chuỗi cung ứng; Thứ hai, thông qua các chính sách, khảo sát và hoạt động thúc đẩy quyền trẻ em; Thứ ba, xác định những thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp thực hành quyền trẻ em.
Diễn đàn được tổ chức nhằm hướng tới Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em (12/6), đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc chấm dứt lao động trẻ em, được quy định trong quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh.
Đặc biệt, theo bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam: Diễn đàn được tổ chức một tuần trước ngày diễn ra Diễn đàn Liên hợp quốc về Kinh doanh có trách nhiệm và nhân quyền (RBHR) lần thứ 5 tại châu Á – Thái Bình Dương, là nơi các doanh nghiệp và các bên liên quan tại châu Á – Thái Bình Dương trao đổi và học hỏi lẫn nhau về cách tăng cường trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp và kinh doanh có trách nhiệm trong khu vực.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Rana Flowers cho biết: Trẻ em là hiện tại cũng là tương lai, các hoạt động kinh doanh không thể bền vững nếu không tính đến tác động đến trẻ em. Trẻ em phải là một yếu tố quan trọng trong việc đánh giá “Môi trường, Xã hội và Quản trị” (ESG) của doanh nghiệp, các tác động và rủi ro cần được đánh giá một cách khách quan và hoạt động chính cần được xác định nhằm giảm thiểu những rủi ro và tạo tác động tích cực cho trẻ em.
Cũng theo Trưởng Đại diện UNICEF: Kinh doanh có trách nhiệm cũng sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh và tính bền vững, đồng thời giành được sự ủng hộ của các bên liên quan, đặc biệt là các nhà đầu tư, những người có ý thức xã hội và xem xét các rủi ro ESG và cải cách các doanh nghiệp kiểm soát rủi ro.
Phát biểu tại diễn đàn, các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu và hội nhập chặt chẽ hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam đã ký hơn 15 Hiệp định Thương mại tự do và tái khẳng định cam kết tôn trọng các cam kết quốc tế và quyền cơ bản tại nơi làm việc. Việt Nam cũng thể hiện cam kết thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững và đang trong quá trình xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về hoàn thiện luật pháp và chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp giai đoạn 2023-2027.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận và nhất trí rằng, Kế hoạch hành động quốc gia cần chú ý nhiều hơn và tăng cường các biện pháp đặc biệt để đảm bảo phòng ngừa và giảm thiểu tác động bất lợi và đẩy nhanh tiến bộ cho trẻ em về sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường, bảo vệ và tham gia.
Cũng nói về kinh doanh có trách nhiệm, ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch VCCI cho rằng: Diễn đàn là sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và hỗ trợ quyền, phúc lợi của trẻ em Việt Nam.
Theo đó, theo đại diện VCCI kinh doanh có trách nhiệm gắn liền với thực hành ESG, theo đó việc ưu tiên thực hành ESG không chỉ giúp doanh nghiệp trong nước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mà còn trang bị cho họ khả năng thâm nhập thị trường toàn cầu. Chính điều này giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và tạo ra một tương lai bền vững hơn cho tất cả mọi người.
Đại diện cho một doanh nghiệp tích cực trong thực hành ESG, bà Lê Thị Hồng Nhi – Giám đốc Truyền thông, đối ngoại và phát triển bền vững của Tập đoàn Unilever cho rằng: Hiện Unilever có hẳn một bộ phận về phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm vì tương lai bền vững cho thế hệ trẻ. Theo đó, công ty luôn có các chính sách tạo điều kiện cho phụ nữ nuôi con nhỏ bằng sữa mẹ, đồng thời có nhiều chương trình nêu cao trách nhiệm cộng đồng hướng vào đối tượng là trẻ em như khám chữa răng miễn phí, tạo sân chơi cho trẻ em…
Cũng theo bà Lê Thị Hồng Nhi, hiện thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, nền kinh tế đối diện với suy thoái, người tiêu dùng phải điều chỉnh chi tiêu, nhưng những doanh nghiệp quan tâm đến quyền trẻ em vẫn nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Điển hình, có tới 82% người mua hàng muốn các doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững, đặt trẻ em, con người là yếu tố hàng đầu. Cùng với đó, ngành hàng thực hiện ESG cũng có sự tăng trưởng vượt trội so với các ngành hàng khác.
Điều đó đồng nghĩa, kinh doanh bền vững mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, đồng thời tác động tích cực đến sự phát triển của xã hội, bảo vệ quyền trẻ em.
Diễn đàn Quyền trẻ em và Doanh nghiệp: Kinh doanh có trách nhiệm vì tương lai bền vững của thế hệ trẻ Việt Nam được tổ chức nhằm hướng tới Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em (12/6), đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc chấm dứt lao động trẻ em, như được quy định trong quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh.