Kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang đi, không phục vụ tại chỗ

Cùng các nhóm hàng hóa thiết yếu được Sở Công thương Tây Ninh hướng dẫn chi tiết, phân loại được thực hiện trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống được phép hoạt động với hình thức bán mang về, giao hàng tại nhà, không phục vụ tại chỗ.

Kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang về, không phục vụ tại chỗ

Kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang về, không phục vụ tại chỗ

Không tạm dừng loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống

Chiều 18.7, Sở Công thương Tây Ninh ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời một số nhóm loại hình kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được phép thực hiện trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các cơ sở kinh doanh hàng hóa, siêu thị; chợ dân sinh; cửa hàng tiện lợi, tiện ích; cửa hàng tạp hóa; cửa hàng kinh doanh trái cây; chuỗi cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm (chỉ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu), gồm hàng thực phẩm tươi sống, thủy sản, rau, củ, quả, trái cây; trứng, bánh, kẹo; muối, nước uống, nước ngọt đóng chai, lon, thùng…

Các mặt hàng lương thực như gạo tẻ, gạo nếp, vừng, đậu, ngô, khoai, sắn; bột, tinh bột; Các nhu yếu phẩm cần thiết như khẩu trang, nước kháng khuẩn, giấy vệ sinh và một số mặt hàng lương thực, thực phẩm khác phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hằng ngày của người dân.

Kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang về, không phục vụ tại chổ

Kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang về, không phục vụ tại chổ

Đối với loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, tối 18.7, trao đổi với PV Báo Tây Ninh, ông Lê Anh Tuấn- Giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh: “Văn bản hướng dẫn của Sở Công thương chủ yếu tập trung các loại hình vận chuyển hàng hóa và dịch vụ phải di chuyển ra khỏi nơi công tác, nơi cư trú, không hướng dẫn nội dung khác. Vì vậy, loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống vẫn được phép hoạt động, nhưng chỉ bán mang về, giao hàng tại nhà, không phục vụ tại chỗ”.

Theo ông Tuấn, nội dung Công văn số 2375/UBND-KGVX ngày 17.7.2021 của UBND tỉnh nêu rõ, trong thời gian thực hiện giãn cách 14 ngày theo Chỉ thị 16/CT-TTg, tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, các hoạt động kinh doanh dịch vụ thiết yếu được hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ xe đưa đón công nhân và trường hợp cần thiết khác theo hướng dẫn của ngành Giao thông vận tải. Hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống không phục vụ trực tiếp, thực hiện phương thức bán hàng mang về, giao hàng tại nhà.

“Nếu không thiết yếu thì không được di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống vẫn được phép hoạt động, nhưng chỉ bán mang đi, không phục vụ tại chỗ, nhưng phải nghiêm túc thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp”- ông Tuấn nói.

Chợ dân sinh hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách

Chợ dân sinh hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách

Hàng hóa, dịch vụ nào được phép hoạt động?

Ngoài hướng dẫn một số mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân, Sở Công thương còn hướng dẫn các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được phép hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, cửa hàng kinh doanh xăng dầu, gas, khí đốt; Các mặt hàng kim khí, điện máy phục vụ các hoạt động của gia đình, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh (vật tư ngành điện dân dụng, công nghiệp, nông nghiệp, điện tử, vật tư ngành nước, vật tư nguyên liệu xây dựng, ...); vật tư sản xuất nông nghiệp, dịch vụ bưu chính, viễn thông, truyền hình, công chứng, luật sư, đăng kiểm, dịch vụ tang lễ, nghĩa trang; dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải và xử lý môi trường…

Đồng thời, còn có các cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh, các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng, thanh toán điện tử, xuất, nhập khẩu hàng hóa; các dịch vụ sửa chữa phương tiện vận tải, sản xuất, điện nước, sửa chữa nhà cửa, kho hàng hóa, xưởng sản xuất.

Theo Chỉ thị 16/CT-TTg, người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết

Theo Chỉ thị 16/CT-TTg, người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết

Ông Tuấn cho biết thêm, trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, khi thực hiện giao dịch các loại hình kinh doanh dịch vụ nêu trên, cần hạn chế di chuyển, đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu và hướng dẫn của ngành y tế. Riêng các chợ dân sinh, siêu thị cần thực hiện nghiêm việc phân luồng ra vào hợp lý, hướng dẫn, kiểm soát việc mua sắm, thanh toán đảm bảo khoảng cách theo quy định. Đồng thời đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố và các lực lượng kiểm soát, phòng, chống dịch triển khai thực hiện đảm bảo thống nhất, đồng bộ trên toàn tỉnh.

Tâm Giang

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/kinh-doanh-dich-vu-an-uong-chi-ban-mang-di-khong-phuc-vu-tai-cho-a134569.html