Kinh doanh khách sạn lâm cảnh bi đát, khó khăn chưa từng có
Từ Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng rồi đến Hội An, giới chủ kinh doanh khách sạn đang trải qua tình cảnh bi đát chưa từng có. Đỉnh điểm, có những khách sạn khi đỉnh điểm có giá 200 – 300 tỷ đồng, nay giảm chỉ còn 2/3 vẫn không tìm được người mua.
Được mệnh danh là một trong những “thủ phủ” du lịch tại miền Trung, Hội An (Quảng Nam) từng là thiên đường cho giới chủ kinh doanh khách sạn. Tuy nhiên, khó khăn kéo dài từ thời đại dịch Covid-19 đến nay chưa dứt khiến không ít “đại gia” giờ thu không đủ bù chi, nợ đầm đìa.
Nguồn thu giảm, chi phí tăng
Chia sẻ với VnBusiness, ông Quân, chủ một khách sạn 3 sao ở Hội An cho biết kể từ sau Tết Nguyên đán 2023, lay lắt chờ khách là tình cảnh chung của hàng loạt khách sạn, khu lưu trú nơi đây. Phân khúc càng cao cấp thì càng khó khăn, tỷ lệ lấp đầy thường chỉ đạt 25 - 30%, cá biệt có những khu đạt trên dưới 50% dịp lễ.
“Khách sạn chúng tôi có thời điểm lấp đầy chỉ khoảng 20%, ngay cả đợt cao điểm hè vừa qua, lượng khách cũng rất khiêm tốn. Trước đó, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, tỷ lệ đặt phòng cũng chỉ đạt 40%, con số thấp kỷ lục trong vòng nhiều năm qua, nếu không kể giai đoạn dịch bệnh”, ông Quân nói.
Cách đây không lâu, một doanh nghiệp kinh doanh khách sạn ở Hội An gặp phải tình cảnh dở khóc dở cười vì không thể… trả tiền điện. Theo cơ quan điện lực địa phương, số tiền không quá lớn, nhưng vì chủ khách sạn chây ì nên buộc phải cắt, điều này nói lên tình cảnh khốn khó chưa từng có của phân khúc này.
Không chỉ là lời “thở than” của doanh nghiệp, các con số thống kê cũng chỉ ra sự bi đát của giới kinh doanh lưu trú ở Hội An. Trong 3 quý đầu năm 2023, tổng khách tham quan đến Hội An ước đạt gần 3,1 triệu lượt, trong đó tổng lượt khách lưu trú đạt gần 1,2 triệu lượt, tăng hơn 215% so với cùng kỳ.
Về lý thuyết, ngành du lịch Hội An đang khởi sắc với tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt hơn 2.568 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra nhiều doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, nhà hàng khu vực này đang vào cảnh túng quẫn, thu không đủ bù chi, phải bán tài sản để trả nợ.
Minh chứng là chỉ trong hơn 1 năm qua, Hội An chứng kiến làn sóng tháo chạy của nhiều chủ khách sạn, homestay từ lớn đến nhỏ. Không ít mặt bằng “đất vàng” đắt giá nay rơi vào cảnh vắng khách, treo biển cho thuê giảm giá 30-50% vẫn không thể lấp đầy.
Bao giờ qua cơn khốn khó?
Khó khăn ở Hội An lúc này cũng đang khiến nhiều người liên tưởng đến tình cảnh đã và đang xảy ra với các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, khu lưu trú ở Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng, hay trước đó là Hà Nội, TP.HCM.
Điển hình như tại Đà Nẵng từng diễn ra làn sóng rao bán khách sạn vì thua lỗ. Thống kê cho thấy, lúc đỉnh điểm, có khoảng 150 khách sạn từ 1-5 sao được rao bán. Riêng trên đường Võ Nguyên Giáp có 12 khách sạn (từ 2 -5 sao) được rao giá từ 35 tỷ đồng đến 1.100 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giới chủ kinh doanh khách sạn tại Đà Nẵng đang phải chịu “cú đấm bồi” từ việc tiền thuê đất tăng mạnh. Như một dự án tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà phải nộp tiền thuê đất tăng từ 3 tỷ đồng/năm (giai đoạn 2015-2019) lên 28,45 tỷ đồng/năm (giai đoạn 2020-2024).
Tại Hà Nội và TP.HCM, tình trạng không quá bi thảm song công suất phòng hiện cũng chỉ đạt trên dưới 60%, thấp hơn rất nhiều so với mức trên 70% trước đại dịch Covid-19, theo ghi nhận của Savills.
Giới chuyên gia đánh giá tác động cộng hưởng của yếu tố cung cầu khiến hoạt động kinh doanh khách sạn tại Việt Nam chậm khôi phục so với các quốc gia trong khu vực. Trong 3 quý đầu năm, thống kê của Savills Hotels chỉ ra công suất phòng trung bình của thị trường Việt Nam chỉ dao động ở mức 40%, trong khi đó Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia đã vượt mốc 50%, Singapore đạt 75%.
Với công suất hiện tại, thị trường Việt Nam vẫn thấp hơn mức trước đại dịch gần 20%. Quá trình khôi phục hoạt động kinh doanh cũng diễn ra không đồng đều. So với các điểm đến khác, Nha Trang - Cam Ranh và Phú Quốc gặp nhiều thách thức hơn trong việc cải thiện công suất phòng.
Anh Phạm Trung Tuyến, điều hành một khách sạn tại Phú Quốc, cho biết 100% bạn bè của anh làm trong lĩnh vực khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng đều đang than khó. Một phần vì dư chấn từ đại dịch Covid-19, sau đó là kinh tế khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu. Cùng với đó là lượng khách từ Trung Quốc và Nga sụt giảm do những biến động, xung đột về chính trị.
“Có bạn tôi trong ngành khách sạn phải đi vay nóng bên ngoài, chịu lãi hàng ngày để cầm cự. Vì không có khách thì không có nguồn thu, trong khi lãi vay ngân hàng thì không ngừng lại”, anh Tuyến tiết lộ.
Trong bối cảnh mây mù chưa tan, giới chủ khách sạn đang nín thở chờ “mùa gặt” cuối năm, trong đó nguồn khách trong nước vẫn được đánh giá là động lực chính hỗ trợ hoạt động du lịch tại Việt Nam. Dự kiến du lịch nội địa sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra là 102 triệu lượt khách.
Bên cạnh đó, một tín hiệu “thắp” lên hy vọng cho giới chủ khách sạn là chính sách nới lỏng thị thực (visa) triển khai từ 15/8/2023 của Việt Nam. Chính sách này cho phép công dân một số nước khi nhập cảnh vào Việt Nam được miễn visa từ 15 ngày lên đến 45 ngày và nâng hạn visa điện tử (e-visa) từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần.
Cùng với kích cầu du lịch, nhiều doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng đang kiến nghị các địa phương cân nhắc giảm tiền thuê đất trong bối cảnh kinh doanh khó khăn. “Giảm tiền thuê đất là sự điều chỉnh về mức hợp lý, không phải chỉ vì quyền lợi doanh nghiệp mà còn vì hàng nghìn lao động trong lĩnh vực lưu trú, du lịch”, lãnh đạo một doanh nghiệp nói.