Kinh doanh khó khăn, Vissan điều chỉnh giảm tất cả chỉ tiêu
Trước thềm công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2023, CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan, mã: VSN) đã thống nhất giảm các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh do tình hình kinh doanh khó khăn.
Cụ thể, so với kế hoạch cũ, Vissan giảm hơn 16% chỉ tiêu doanh thu xuống còn 3.430 tỷ đồng, mục tiêu sản lượng giảm 17% còn 32.626 tấn (bao gồm 9.820 tấn thịt heo các loại, 606 tấn thịt bò và 22.200 tấn thực phẩm chế biến).
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế theo đó cũng được điều chỉnh giảm 24% so với mục tiêu ban đầu, xuống còn 138 tỷ đồng.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 vào tháng 4/2023, doanh nghiệp này đặt kế hoạch tổng doanh thu 4.100 tỷ đồng, tăng 6%, nhưng lợi nhuận trước thuế 170 tỷ đồng, giảm 2% so với thực hiện năm trước.
Với kế hoạch mới, doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2023 của Vissan dự kiến giảm lần lượt 12% và 21% so với kết quả 2022.
Lý giải về việc giảm kế hoạch kinh doanh 2023, đơn vị cho biết 10 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty chịu tác động bất lợi của nhiều yếu tố khách quan ngoài dự báo.
Nếu kế hoạch kinh doanh mới được thông qua, trong quý IV, Vissan cần đạt 890 tỷ đồng doanh thu và 27 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế để hoàn thành kế hoạch đề ra.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô không phục hồi sau giai đoạn Covid như dự báo và tiếp tục gặp nhiều khó khăn dưới tác động tiêu cực từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, lạm phát, lãi suất, tỷ giá duy trì ở mức cao, xung đột Nga-Ukraine kéo dài. Nhiều tác động tiêu cực đã khiến hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và du lịch chưa phục hồi hoàn toàn, đặc biệt hàng xuất khẩu giảm sút do nhu cầu tại Mỹ và khu vực đồng Euro yếu đi.
Bên cạnh đó, với làn sóng cắt giảm lao động diễn ra mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ cuối năm 2022 khiến thu nhập người lao động bị ảnh hưởng, người dân phải thắt chặt chi tiêu nên sức mua của người dân giảm sâu.
Ngoài ra, giá nguyên liệu heo hơi bình quân 10 tháng 2023 là 57.000 đồng/kg, cao hơn 2% so với giá kế hoạch và tiền thuê đất năm 2023 cũng tăng khoảng 18,8 tỷ đồng so với năm 2022 đã tác động đến lợi nhuận của Công ty trong 10 tháng đầu năm.
“Do gặp phải những tác động ngoài dự kiến bởi những lý do khách quan nên Công ty gần như không thể hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh 2023 đã được ĐHĐCĐ cổ đông thường niên thông qua. Nhằm tạo mục tiêu phấn đấu và đảm bảo quỹ lương, thu nhập cho người lao động, HĐQT Công ty quyết định điều chỉnh chi tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh”,Vissan cho hay.
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên, khi công ty đạt hoặc vượt kế hoạch lợi nhuận, người quản lý chuyên trách sẽ được thưởng 1,5 tháng lương. Nếu không đạt kế hoạch, quỹ thưởng chỉ còn 1 tháng lương. Quỹ thưởng cho người lao động cũng sẽ cao hơn nếu công ty đạt hoặc vượt kế hoạch lợi nhuận.
Vissan không phải là đơn vị duy nhất điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Trước đó, Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP (mã: PLC) cũng đã lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch doanh thu năm nay còn gần 8.396 tỷ đồng, giảm gần 6% so với chỉ tiêu ban đầu. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 30% so với kế hoạch ban đầu, còn 112 tỷ đồng.
CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC) cũng đã quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023 sau khi công bố bố báo cáo tài chính quý III trong bối cảnh ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng nằm trong xu hướng cắt giảm chi tiêu trên thế giới. Theo đó, Sao Ta điều chỉnh chỉ tiêu tổng doanh thu xuống còn 4.870 tỷ, giảm 25% so với mức kế hoạch cũ (5.900 tỷ đồng). Tương ứng, lợi nhuận trước thuế giảm 25% so với mục tiêu 400 tỷ ban đầu xuống 300 tỷ đồng.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, mã: VGT) cũng đã hạ mục tiêu doanh thu năm 2023 từ mức 17.500 tỷ đồng xuống 16.500 tỷ đồng, tương ứng giảm 6%. Công ty đồng thời điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận trước thuế từ mức 610 tỷ đồng kế hoạch cũ xuống còn 370 tỷ đồng, giảm 39%.