Kinh doanh khởi sắc, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam được kéo dài thời gian giữ chức vụ

Năm 2022 Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đạt doanh thu và lợi nhuận ấn tượng trong bối cảnh giá phân bón neo cao. Lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn ước đạt 6.015 tỷ đồng, tăng 3.883 tỷ đồng so với năm 2021...

Tại Công văn số 263/TTg-TCCB ngày 17/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kéo dài thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem đối với ông Nguyễn Phú Cường đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Ông Nguyễn Phú Cường sinh ngày 1/5/1963. Ông Cường được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) từ tháng 11/2014.

Ngày 8/2/2018, tại Quyết định 188/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Phú Cường giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thay người tiền nhiệm Nguyễn Anh Dũng. Ông Dũng bị cách hết mọi chức vụ trong Đảng vì những sai phạm trong quản lý.

Trong giai đoạn do ông Nguyễn Anh Dũng làm Chủ tịch, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và một số công ty trực thuộc không bảo toàn được vốn chủ sở hữu; hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ nghiêm trọng, trong đó nhiều công ty thua lỗ liên tục 2 năm trở lên.

Điển hình như Công ty Đạm Ninh Bình lỗ 4 năm liền; một số công ty của Tập đoàn góp vốn thành lập các công ty cổ phần, công ty liên doanh, liên kết không hiệu quả. Vi phạm trong quản lý các khoản nợ phải thu, phải trả và việc trích lập quỹ; trong việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quản lý và sử dụng đất lãng phí, kém hiệu quả.

Từ khi được giao trọng trách lãnh đạo Vinachem, ông Nguyễn Phú Cường và cộng sự đã từng bước giúp Tập đoàn này sản xuất, kinh doanh khởi sắc.

Năm 2022 Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đạt doanh thu và lợi nhuận ấn tượng trong bối cảnh giá phân bón neo cao. Lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn ước đạt 6.015 tỷ đồng, tăng 3.883 tỷ đồng so với năm 2021.

Trong đó, đáng chú ý là các đơn vị bị "giám sát đặc biệt" của Vinachem (các dự án thua lỗ kéo dài của ngành công thương - thuộc Đề án 1468), gồm Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và DAP số 2-Vinachem (DAP2), ước lãi ấn tượng, lên đến 2.645 tỷ đồng, so với tình trạng lãi thấp hoặc lỗ lớn trong năm 2021 và các năm trước đó.

Sở dĩ Vinachem và nhiều công ty con, công ty liên kết ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2022 nhờ tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát, kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi, nhu cầu tiêu dùng đã tăng cao trở lại.

Bên cạnh đó, xuất khẩu nông lâm sản gia tăng. Đặc biệt, giá một số sản phẩm phân bón là chủ lực của tập đoàn (urê, DAP, NPK…) vẫn giữ được ổn định ở mức cao.

Năm 2023, lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo và kiểm tra đôn đốc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, Chương trình hành động của Tập đoàn về thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng, nỗ lực phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu năm 2023, trong đó: Doanh thu cộng hợp năm 2023 đạt 60.800 tỷ đồng, tăng 1,0% so với ước thực hiện năm 2022; Lợi nhuận cộng hợp năm 2023 đạt 3.100 tỷ đồng và đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Để Vinachem tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, đại diện Tập đoàn này cũng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật số 106/2016/QH13 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, loại trừ các sản phẩm phân bón urê, phân lân chế biến không phải chịu thuế suất 5%, giúp giảm giá thành, giảm bớt khó khăn trong hoạt động xuất khẩu.

Vinachem cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương duy trì biện pháp phòng vệ đối với các sản phẩm phân DAP và MAP nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tạo điều kiện phát triển bền vững doanh nghiệp trong nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ...

Châu Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kinh-doanh-khoi-sac-chu-tich-tap-doan-hoa-chat-viet-nam-duoc-keo-dai-thoi-gian-giu-chuc-vu.htm