Kinh doanh, làm thơ, viết báo cáo… nhờ AI

Hiện nay, khoảng 77% thiết bị có sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI. Đặc biệt, nhiều người đã ứng dụng ChatGPT để làm thơ, viết báo cáo, sáng tác văn học.

LTS: Trí tuệ nhân tạo (AI) đang bùng nổ, không còn giới hạn trong phạm vi hẹp cộng đồng nhỏ mà được ứng dụng rộng khắp để phục vụ rất nhiều nhu cầu của cuộc sống, từ giải trí, công việc hành chính cho đến kinh doanh.

Tuy trí tuệ nhân tạo đang “làm mưa làm gió” và mang lại rất nhiều lợi ích nhưng cũng có không ít rủi ro nếu không kiểm soát tốt, đòi hỏi phải có sự cân bằng giữa phát triển với đạo đức, quản lý.

Hàng loạt công ty, cá nhân, tổ chức đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thiết kế nội thất, thời trang, vẽ truyện tranh mà không cần năng khiếu mỹ thuật; ứng dụng biến ảnh selfie thành avatar chuyên nghiệp; ứng dụng AI để tạo ra người mẫu, phát thanh viên, người dẫn chương trình ảo nhằm giúp tạo ra những sản phẩm lẫn dịch vụ mà trước đây phải tốn nhiều thời gian, chi phí mới có thể thực hiện được...

Tạo ra trào lưu kinh doanh mới

Anh Lê Ẩn (30 tuổi, ngụ TP.HCM), chủ một gian hàng bán đồ công nghệ trên nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội, đã ứng dụng nhiều công cụ AI như ChatGPT, Google Bard để tạo ra các nội dung thú vị phục vụ mục đích kinh doanh hoặc giải trí.

Cụ thể, ngoài sử dụng các công cụ Chatbot để tạo ra nhiều thông tin cho cùng một sản phẩm, anh Ẩn còn ứng dụng AIClip để tạo ra video nhanh chóng với MC ảo có thể nhận xét sản phẩm độc lạ, tăng tính thu hút và giúp giảm thời gian lao động thực tế của chủ shop. Anh Ẩn còn ứng dụng AI để giải đáp thắc mắc của người mua, đồng thời thu hút nhiều lượt theo dõi trên fanpage.

“Vì phiên bản ChatGPT miễn phí chưa được cập nhật kiến thức đầy đủ nên tôi phải dùng thêm nhiều ứng dụng khác như Google Bard, Claude để tư vấn và chọn lọc thông tin” - anh Ẩn nói.

 Giới trẻ, sinh viên thích thú khi trải nghiệm các công nghệ AI. Ảnh: MINH HOÀNG

Giới trẻ, sinh viên thích thú khi trải nghiệm các công nghệ AI. Ảnh: MINH HOÀNG

Đáng chú ý, vào cuối năm 2023, Công ty Aeyes Global đã đưa mô hình livestream với người ảo AI vào bán hàng tại chợ Bến Thành, tạo ra tiếng vang lớn trong giới kinh doanh online. Chỉ 18 tiếng livestream, số lượng đơn hàng bán ra đạt khoảng 900, doanh thu đạt hơn 150 triệu đồng.

Sự kiện này đã tạo ra một trào lưu kinh doanh với mô hình livestream ảo, đưa AI gần hơn với đời sống con người, “gõ cửa” từng gia đình, từng doanh nghiệp. Nó cũng đánh bật suy nghĩ livestream phải người thật - việc thật, vốn tồn tại trong suy nghĩ của người dùng.

Nhiều ông lớn vào cuộc đua

Trước sự bùng nổ của AI, một nguồn lực khổng lồ đang được các ông lớn như Vingroup, Viettel, FPT… đổ vào lĩnh vực công nghệ AI với mục tiêu tiên phong, đột phá và chiếm lĩnh thị trường.

Đơn cử, vào những ngày cuối năm 2023, sự quan tâm về khả năng phát triển các ứng dụng AI của các công ty công nghệ Việt dấy lên với sự kiện ra mắt ứng dụng ViGPT. Đây là một phiên bản ChatGPT đầu tiên 100% “Made in Vietnam” do Công ty VinBigdata thuộc Tập đoàn Vingroup phát hành.

 Người dân trải nghiệm các ứng dụng số của cơ quan nhà nước. Ảnh: MINH HOÀNG

Người dân trải nghiệm các ứng dụng số của cơ quan nhà nước. Ảnh: MINH HOÀNG

Theo giới thiệu, đây là Chatbox sở hữu khả năng sáng tạo nội dung, tìm kiếm, tổng hợp và trích xuất thông tin, giải đáp các câu hỏi thường thức và được tối ưu cho ngôn ngữ tiếng Việt - một mã nguồn mở hay có thể hiểu đơn giản là công nghệ lõi phục vụ các kỹ sư công nghệ, nhóm phát triển phần mềm. Nó khác ViGPT là ứng dụng tập trung vào ngôn ngữ tiếng Việt, phục vụ người dùng cuối.

Vào buổi ra mắt PhởGPT, TS Bùi Hải Hưng, Tổng Giám đốc VinAI - đơn vị nghiên cứu dự án PhởGPT thuộc Tập đoàn Vingroup, đã trình diễn trước hơn 1.000 người tham dự sự kiện về khả năng thông minh “siêu Việt” của AI này, ngay cả khi không sử dụng Internet.

Năm 2024 sẽ ứng dụng mạnh mẽ AI, trợ lý ảo

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của Bộ TT&TT vào ngày 29-12-2023, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra cam kết mạnh mẽ: “Năm 2024 sẽ là năm ứng dụng mạnh mẽ AI, trợ lý ảo”.

Bộ đang chỉ đạo phát triển bốn trợ lý chính gồm trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức; trợ lý ảo phát hiện mâu thuẫn văn bản pháp luật; trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân; trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán, đã đưa vào sử dụng hơn một năm nay, giảm thời gian xử án 30% và nâng cao chất lượng.

“Việc phát triển công chức ảo dựa trên bối cảnh hiện nay các văn bản, thể chế trong hệ thống pháp luật của chúng ta đã vượt quá khả năng xử lý của cá nhân. Số lượng này đang tiếp tục tăng qua mỗi năm. Vì vậy, lời giải duy nhất hiện nay là hãy để AI xử lý số lớn, con người xử lý số nhỏ” - ông Hùng nói.

Cụ thể, ông Hưng yêu cầu PhởGPT vẽ một bức tranh mô tả khu rừng có con suối chảy qua, ngay lập tức PhởGPT hoàn thành nhanh chóng. Tiếp theo, ông yêu cầu ứng dụng vẽ bức tranh khu rừng có con suối chảy qua vào mùa đông. Sau 2 giây, bức tranh trước đó đã có thêm băng tuyết phủ trắng khu rừng.

Tương tự, các tập đoàn lớn như VNPT, Viettel và FPT cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi phát triển các hệ thống AI dành cho Nhà nước, các tỉnh, TP… Đơn cử hệ thống trợ lý ảo pháp luật, nền tảng FPT AI hay trợ lý AI định danh điện tử đang được triển khai trong nhiều đơn vị, tổ chức tài chính.

Lan vào mọi ngóc ngách cuộc sống

Theo thống kê, hiện nay gần 77% thiết bị sử dụng công nghệ AI ở dạng này hay dạng khác. Ông Đặng Hữu Sơn, Giám đốc điều hành Công ty Lovin Bot AI, nhìn nhận nếu xét về phương diện công nghệ, hiện AI đã đạt tới cấp độ nghe, nói, nhìn, viết… tương tự như con người. Điển hình là các mô hình GPT-4, GPT-4v (Open AI) và mới đây nhất là mô hình AI đa phương thức Gemini của Google Deepmind.

“Đây là những đột phá lớn về công nghệ từ trước đến nay chưa từng có. Điều quan trọng hơn là những công nghệ này đã tới được tận tay của những người dùng cuối, không còn là các công nghệ trong phòng thí nghiệm hay độc quyền như trước đây. Tôi dự báo AI sẽ còn phát triển mạnh mẽ và lan rộng tới mọi ngóc ngách trong cuộc sống hằng ngày của người dân Việt Nam trong năm 2024” - ông Sơn nhận xét.

Cùng góc nhìn, ông Đoàn Thế Vinh, Giám đốc công nghệ Học viện TEKY, cho rằng AI đã, đang và sẽ phát triển với tốc độ nhanh chóng, được nhiều đơn vị ứng dụng, mang lại hiệu quả tích cực cho kinh tế doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng dù AI có mang lại nhiều lợi ích đến đâu thì cũng chỉ góp phần cải thiện hiệu suất trong vận hành công việc chứ không thể thay thế được vai trò chủ chốt lãnh đạo hay thay thế nguồn nhân sự con người được. Chính vì thế, AI sẽ phát triển nhưng phát triển song hành cùng con người.

Sẽ xuất hiện rất nhiều trợ lý trí tuệ nhân tạo

Theo tờ Searchlogistic, quy mô thị trường AI sẽ đạt khoảng 407 tỉ USD vào năm 2027. Mức tăng trưởng hằng năm dự báo lên tới 37% trong gian đoạn từ nay đến năm 2030.

Đặc biệt sẽ xuất hiện nhiều trợ lý AI hơn số người trên thế giới này. Theo đó, dự báo sẽ có 8,4 tỉ trợ lý giọng nói kỹ thuật số được hỗ trợ bởi AI trên thế giới vào năm tới, lớn hơn dân số toàn cầu.

Ông Đặng Hữu Sơn, Giám đốc điều hành Công ty Lovin Bot AI, dự báo một số xu hướng ứng dụng sẽ nổi lên như: Đối với cá nhân, AI được ứng dụng để thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo (tạo ảnh, tạo video, viết lách…). Riêng với sinh viên sẽ vận dụng AI vào nghiên cứu tài liệu, tóm tắt sách, xây dựng kế hoạch học tập, tạo slide...

Trong khi đó, người lao động có thể đưa AI ứng dụng trong công việc hằng ngày như phân tích số liệu, xây dựng chiến lược marketing, sáng tạo nội dung, lập trình, phát triển ý tưởng… Còn nhà kinh doanh sẽ dùng AI để tự động hóa các quy trình, phát triển Chatbot bán hàng, trợ lý chăm sóc khách hàng… để tối ưu chi phí.

Vì vậy, các doanh nghiệp phải điều chỉnh và tinh chỉnh chiến lược của mình khi công nghệ tiến bộ, đảm bảo kết nối hài hòa giữa các chuyên gia con người và AI để đạt được hiệu quả tối đa.

MINH HOÀNG - THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-doanh-lam-tho-viet-bao-cao-nho-ai-post772205.html