Kinh doanh mùa vắng khách - Bài 2: Ảm đạm phố Tây
Đã từng nhiều lần ghé phố đi bộ Bùi Viện (còn gọi là 'phố Tây', phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM), từng chứng kiến sự nhộn nhịp của con đường được mệnh danh là 'phố không ngủ' của TPHCM, thế nhưng khi trở lại con phố này vào một ngày cuối tuần đầu tháng 3, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên...
1. Giờ đây, nếu không có bảng mô phỏng chiếc nón và dòng chữ “Phố đi bộ Bùi Viện” ở đầu đường thì người lạ khó nhận ra đường Bùi Viện nhộn nhịp một thời. Từ đường Trần Hưng Đạo rẽ vào, phố đi bộ Bùi Viện tối thui vì hàng quán đóng cửa im lìm. Đi qua hàng chục cửa hàng tạm đóng cửa như thế, chúng tôi mới thấy một quán còn hoạt động. Nằm lọt thỏm trong bóng tối của dãy phố, nhà hàng Las Casa (40A Bùi Viện) còn sáng đèn. Thế nhưng, Las Casa hôm nay không phải là ánh đèn nhấp nháy, nhạc xập xình, khách tấp nập ra vào ăn nhậu, đu đưa, nhún nhảy theo tiếng nhạc. Thay vào đó, ánh đèn Las Casa dịu hơn, hàng chục bộ bàn ghế nhựa, quầy ốc tươi được bày trên diện tích mặt tiền dài hơn 45m - điều trước đây hiếm thấy ở đường Bùi Viện.
Chỉ vào vài thực khách ngồi lai rai ly bia, ông Võ Quốc Thanh, Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch nhà hàng Quốc Thanh, chủ nhà hàng Las Casa, cho biết, dù đã tìm nhiều cách với kỳ vọng việc kinh doanh bớt ảm đạm, kể cả chuyển đổi mô hình kinh doanh, nhưng “coi bộ không ăn thua”. Những doanh nghiệp ở phố đi bộ Bùi Viện như ông Thanh gần như kiệt sức sau hơn 1 năm đương đầu với dịch Covid-19.
Đi sâu về phía đường Cống Quỳnh, còn khá nhiều cửa hàng, hàng quán hoạt động, đèn trang trí nhiều màu sắc được “trưng trổ” tối đa, nhưng không khỏa lấp được sự trống trải trong quán, ngoài lề đường. “Người qua lại không thấy đâu, cả đường phố hầu như chỉ có chủ quán, quản lý và nhân viên nhà hàng xuống đường chào khách...”, ông Vũ Thành Hải, một người dân địa phương cho biết.
Phố đi bộ Bùi Viện từng được biết đến là “phố Tây”, từ chỗ mỗi tối đón từ 2.000 - 5.000 lượt khách (trong đó phần lớn là khách nước ngoài), nhưng ở thời điểm hiện tại (tối chủ nhật 7-3), chúng tôi chỉ bắt gặp đúng 4 vị khách nước ngoài ngồi uống bia. Thấy chúng tôi hỏi thăm tình hình buôn bán những ngày qua, chị Phương, chủ một quán bia, than thở: “Trước, hai vợ chồng tui và 11 nhân viên chạy mướt mồ hôi mới kịp phục vụ khách. Đầu buổi, bàn ghế còn bày sát cửa quán, chứ tầm 23 giờ là phải đẩy tới 1/3 lòng đường. Vầy mà khách còn phải đợi. Lễ tết khách đông, không đủ bàn ngồi, họ chấp nhận uống đứng. Cái cảnh mấy thanh niên nước ngoài đứng cụng chai bia, vừa uống vừa nhún nhảy theo nhạc ngoài sân khấu đâu có lạ lẫm. Vậy mà giờ thì bàn ghế chỏng chơ...”.
Ngạc nhiên nhất có lẽ sự biến mất của Cộng Cà phê. Quán cà phê nổi tiếng ngày nào, từng được rất nhiều kênh truyền thông và các trang mạng xã hội nhắc đến là một điểm đến thú vị “không nên bỏ qua” cho những ai đam mê cà phê khi đến phố đi bộ Bùi Viện. Thế nhưng, hiện Cộng Cà phê đã tạm ngưng hoạt động.
2. Hoạt động kinh doanh của phố đi bộ Bùi Viện không chỉ là những dãy nhà ở mặt phố mà là cả khu vực thuộc phường Phạm Ngũ Lão. “Hơn 600m đường nhưng “cân” gần hết kinh tế của cả khu vực này đó cô”, anh Phạm Đức Thuận (ngụ đường Đề Thám) góp chuyện. Chỉ về phía những con hẻm xương cá ăn theo đường Bùi Viện, anh Thuận cho biết, trong đó nào là nhà nghỉ, khách sạn, dịch vụ massage, sinh tố…, thậm chí có cả những dịch vụ trải nghiệm cuộc sống của gia đình Việt để phục vụ khách muốn tìm hiểu nét văn hóa Việt Nam. Quả thực, phố đêm Bùi Viện náo nhiệt thì cả những gánh hàng rong, những người biểu diễn nghệ thuật đường phố cũng sống khỏe. Còn hiện tại, phố đi bộ Bùi Viện ảm đạm, những con người sống nhờ nó cũng thê thảm theo.
Chị Hà, kinh doanh sườn heo, chân gà nướng ở đầu hẻm 84 Bùi Viện, ngồi thẫn thờ nhìn con phố có vài người đi bộ qua lại. Ngày trước, mỗi tối chị Hà bán 25 - 30kg nguyên liệu, tiền lời cũng 1,5 - 1,7 triệu đồng, 5 mẹ con chị sống khỏe. “Mấy tháng nay, bán cả tối có 5kg hàng mà không hết. Ngày nào gọi là đắt khách thì lời chừng 200.000 - 300.000 đồng, còn không thì trên dưới 100.000 đồng”, chị Hà kể. Thấy chị Hà than thở ế khách, anh Lê Văn Ly bán đồ khô dạo cũng góp chuyện: “Trước, mỗi tối tui lời sơ sơ cũng 500.000 - 600.000 đồng, giờ thì được 100.000 đồng là may. Nhiều ngày về tay không, còn lỗ cả tiền than”.
TPHCM mùa Covid-19 hiếm khách nước ngoài, khách trong nước hạn chế đi lại, dịch vụ kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ ở khu vực phố đi bộ Bùi Viện còn thê thảm hơn dịch vụ ăn uống. Hàng loạt khách sạn tạm đóng cửa nằm chờ… tình hình. Chị Phạm Thị Hòa (ngụ đường Bùi Viện) kể, khách sạn của gia đình chị dù nằm khuất trong hẻm nhưng trước đây không khi nào vắng khách, 75% là khách nước ngoài, nhưng mấy tháng nay ngưng hẳn, khách trong nước không có, khách nước ngoài càng không. Nhiều tháng nay, gia đình chị không có thu nhập, chi tiêu thâm vào tiền tích lũy.
3. Thuyền lớn sóng lớn, thuyền nhỏ sóng nhỏ. Những người buôn bán lặt vặt thất thu tiền lời, nhưng không phải gánh chi phí mặt bằng, nhân viên. Còn những cửa hàng đầu tư kinh doanh lớn lỗ đậm, nơi phải đóng cửa, dẹp tiệm, nơi chuyển đổi mô hình kinh doanh, còn nơi gắng gượng tồn tại nhưng cũng không biết sẽ ra sao.
Hàng loạt các cửa hàng lớn, nhộn nhịp một thời như Hair of the Dog, Go2, L.S.G, S.H, Sahara… nay đã đóng cửa. Hàng loạt căn nhà treo biển cho thuê nguyên căn. Cũng gọi là có khách nhất nhì phố đi bộ Bùi Viện, nhưng ghi nhận của chúng tôi vào tối 6-3, quán Knock của chị Phụng chỉ có 7 vị khách. Chị Phụng thuê 3 căn nhà mặt tiền đường Bùi Viện, mỗi tháng trả 6.000 USD/căn. Quán bia của chị Phụng nghĩ ra đủ chương trình giảm giá, từ giảm giá 50% đồ ăn thức uống, mua 1 tặng 1, thậm chí mua 1 tặng 2 và nhân viên liên tục xuống phố chào khách, nhưng nhiều tháng nay, chưa bao giờ quán chị kín bàn khách.
Trong khi đó, Công ty Quốc Thanh của ông Võ Quốc Thanh có 3 cơ sở kinh doanh bia, rượu ở Bùi Viện, thì một cái chuyển hẳn sang kinh doanh ốc đêm, ban ngày bán đồ ăn sáng và cơm trưa; 2 cái vẫn kinh doanh bia nhưng chỉ cầm chừng để trông chờ phố đi bộ Bùi Viện nhộn nhịp trở lại. Ông Thanh kể, trước đây công ty ông có hơn 40 nhân viên chạy đi chạy lại 3 cơ sở, mỗi ngày tiếp hàng trăm lượt khách. Giờ chỉ còn 10 nhân viên, cũng đã chuyển đổi mô hình kinh doanh nhưng vẫn không có khách. Phần vì khách nước ngoài không có, còn khách trong nước lại nghĩ rằng ở phố Tây chi phí đắt đỏ nên e dè chi tiêu ở đây.
Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở kinh doanh ở phố đi bộ Bùi Viện đều cho rằng, họ “chết” phần lớn do tiền thuê mặt bằng quá cao. Như 3 cơ sở kinh doanh của ông Thanh, mỗi cơ sở thuê 7 - 9 căn nhà, giá trung bình 5.000 USD/căn/tháng. “Gặp chủ nhà thông cảm thì họ bớt cho chút tiền nhà, doanh nghiệp ráng cầm chừng qua giai đoạn này. Còn chủ nhà “rắn” quá thì doanh nghiệp đành trả mặt bằng”, ông Thanh cho biết. Tính ra, trung bình mỗi tháng, ông Thanh trả khoảng 2,5 tỷ đồng tiền thuê mặt bằng. Dù hiện có nơi chủ nhà giảm 20%-50% tiền thuê mỗi tháng nhưng để gắng gượng duy trì cũng không dễ dàng.
Những mũi vaccine Covid-19 trước mắt đã được tiêm cho lực lượng ở tuyến đầu. Những người kinh doanh ở phố đi bộ Bùi Viện đang ngày càng kỳ vọng dịch bệnh được kiểm soát, để hoạt động kinh doanh của họ ổn định trở lại. Song, để phát triển kinh tế đêm, kiểm soát dịch bệnh là chưa đủ, chủ các cơ sở kinh doanh cho rằng, TPHCM cần tháo gỡ một số rào cản và có quy định riêng cho những mô hình như phố đi bộ Bùi Viện. Đó là quy định thời gian mở cửa, quy định tiếng ồn, quản lý một cách đồng bộ. “Kinh tế đêm không thể yêu cầu du khách vui chơi, ăn uống trong im lặng được”, một doanh nghiệp bày tỏ.
Phố đi bộ Bùi Viện có 90 cơ sở kinh doanh ăn uống và bia bệt thì hiện có 40 cơ sở ngưng hoạt động, trong đó có hơn 10 cơ sở treo biển cho thuê nhà. Theo UBND quận 1, trong năm 2020, có 20 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, thì cũng trong năm, có 8 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động. Phố Bùi Viện chủ yếu phục vụ khách nước ngoài, vì vậy khi dịch Covid-19 xuất hiện và lan ra toàn cầu, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, không có khách du lịch nước ngoài đến tham quan. Do đó tình hình kinh doanh tại phố Bùi Viện bị ảnh hưởng trầm trọng.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/kinh-doanh-mua-vang-khach-bai-2-am-dam-pho-tay-718011.html