Kinh doanh quần áo rằn ri nhập lậu sẽ bị xử lý ra sao?
Nhiều bộ quần áo rằn ri nhập lậu được bày bán ở một số tỉnh, thành phố. Theo các chuyên gia pháp lý, việc kinh doanh quần áo nhập lậu có thể bị phạt nặng.
Vừa qua, tại một số tỉnh, thành phố, lực lượng chức năng phát hiện, tịch thu hàng nghìn bộ quần áo rằn ri, quân phục không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bày bán công khai.
Tại một tỉnh miền Trung, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) phát hiện một hộ kinh doanh đang bày bán hơn 1.000 bộ quần áo, mũ rằn ri và thắt lưng đã qua sử dụng.
Chủ cơ sở này chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa và cho biết, đã nhập toàn bộ số hàng hóa này từ TP.HCM về bán kiếm lời.
Ở một nơi khác cũng thuộc miền Trung, lực lượng chức năng phát hiện tại một cửa hàng bày bán 1.000 bộ áo đã qua sử dụng, mang nhãn hiệu nước ngoài không có hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ. Tất cả các bộ áo này đều có họa tiết rằn ri giống tư trang của quân đội nước ngoài. Cửa hàng niêm yết giá bán lẻ 50.000 đồng/ áo.
Chủ hộ kinh doanh đã bị lực lượng QLTT ra quyết định phạt 50 triệu đồng về hành vi “kinh doanh hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu”, đồng thời tịch thu 1.000 bộ áo tang vật.
Những vụ việc trên không phải hiếm gặp. Thời gian qua việc kinh doanh quần án rằn ri, quân trang, quân phục nhập lậu diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương. Về khái niệm hàng hóa nhập lậu, khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020 nêu rõ, hàng nhập lậu gồm:
Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;
Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;
Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;
Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.
Về chế tài xử lý đối với hành vi bán quần áo là hàng hóa nhập lậu, theo luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội, khoản 11 Điều 3 Nghị định 17/2022 quy định, tùy vào giá trị hàng hóa, hành vi bán quần áo là hàng hóa nhập lậu có thể bị xử phạt từ 500.000 - 50 triệu đồng. Ngoài ra thì hành vi cố ý vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng hóa nhập lậu cũng bị xử phạt với mức phạt này.
Đồng thời, đối với hành vi trực tiếp nhập lậu hàng hóa, hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu...chủ thể vi phạm có thể bị phạt từ 1 - 100 triệu đồng.
Đây là mức phạt đối với cá nhân trường hợp tổ chức vi phạm mức xử phạt là gấp đôi. Ngoài ra, chủ thể vi phạm có thể bị xử phạt bổ sung là bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, theo khoản 5 Điều 15 Nghị định 98/2020, 1 trong những hình thức khắc phục hậu quả đối với kinh doanh hàng hóa nhập lậu là buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng.
Theo đó, nếu quần áo được xác định là những loại hàng hóa nêu trên thì có thể bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức khắc phục hậu quả là tiêu hủy - luật sư Nguyễn Thị Thu thông tin thêm.