Kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững
Kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững là một trong những phương thức kinh doanh hiệu quả để đạt được sự cân bằng các lợi ích về kinh tế - xã hội trong xã hội hiện đại, đặc biệt trong điều kiện diễn biến thời tiết, dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Do đó,
Kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững là một trong những phương thức kinh doanh hiệu quả để đạt được sự cân bằng các lợi ích về kinh tế - xã hội trong xã hội hiện đại, đặc biệt trong điều kiện diễn biến thời tiết, dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Do đó, “Kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới” được Bộ Công Thương chọn làm chủ đề chính cho Ngày Quyền của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam (15-3) năm nay.
Hưởng ứng chủ đề “Kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới” UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch với mục tiêu kêu gọi các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức kinh doanh, chung tay cùng toàn xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD. Đồng thời, nêu cao vai trò của NTD trong việc tự bảo vệ chính mình thông qua việc xây dựng thói quen tiêu dùng văn minh, lành mạnh; khuyến khích sử dụng các sản phẩm an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường, loại bỏ những sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD. Thực hiện chủ đề Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2021, Sở Công Thương phối hợp tuyên truyền, xây dựng các phóng sự, tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu và tuyên truyền về Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2021 tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, khu vực tập trung đông người lan truyền thông điệp, khẩu hiệu như: “Kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng”; “Thực hiện đúng và đủ các biện pháp bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng trong quá trình kinh doanh, tiêu dùng”; “Hãy là NTD thông thái”; “Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận, lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng”… Tổ chức lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam vào các chương trình hoạt động của cơ quan, đơn vị; tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để phát hiện và xử lý các hành vi gian lận thương mại, vi phạm quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, giá, đo lường chất lượng, an toàn thực phẩm. Song song với công tác tuyên truyền, các lực lượng chức năng đã hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quy trình quản lý chất lượng sản phẩm, tham gia vào hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm; áp dụng công cụ quản lý chất lượng VietGAP, GMP, HACCP (đối với nông sản thực phẩm); ISO 9000, 5S, TPM, Lean, KPI, Lean Six Sigma, Kaizen (đối với sản phẩm dệt may). Ngành Nông nghiệp trong năm 2020 đã tổ chức 190 lớp tập huấn về an toàn thực phẩm, phát triển sản xuất theo liên kết chuỗi; chương trình quản lý chất lượng tiên tiến cho 5.733 lượt người tham dự; sát hạch kiến thức và cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho 272 người, 76 cơ sở sản xuất, kinh doanh; tổ chức 32 đoàn thẩm định xếp loại điều kiện an toàn thực phẩm đối với 483 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn. Ngành Công Thương đã kiểm tra, thẩm định và cấp 2 giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp khí hóa lỏng (LPG) vào chai và tiếp nhận, công bố phù hợp quy chuẩn đối với 83 sản phẩm dệt may của 12 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến; xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn giúp cho việc quản lý bán hàng, chống hàng nhái hàng giả, gian lận thương mại của các sản phẩm được thuận tiện hơn. NTD cũng có cơ sở để lựa chọn, tìm mua và truy xuất nguồn gốc dễ dàng hơn khi mua sắm. Cùng với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp nói riêng cũng như các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nói chung phải chấp hành nghiêm các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, bao gồm các nội dung: Cung cấp thông tin trung thực, minh bạch về hàng hóa, dịch vụ và các điều khoản sử dụng cho NTD; đảm bảo chất lượng hàng hóa khi đưa ra thị trường; thực hiện nghiêm các cam kết về bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện; thực hiện thu hồi hàng hóa không hoàn hảo và bồi thường thiệt hại do hàng hóa đó gây ra. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; chú trọng tới việc xây dựng hình ảnh doanh nghiệp; thực hiện trách nhiệm xã hội. Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước tham gia hưởng ứng thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD trong giao dịch thương mại thông qua việc tổ chức sản xuất, kinh doanh lành mạnh; xử lý nhanh những yêu cầu của NTD về chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như cách thức đặt hàng, hướng dẫn sử dụng và chế độ chăm sóc khách hàng sau giao dịch. Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngoài việc đăng ký thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD như: Xây dựng quy trình tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của NTD; thực hiện công khai đường dây nóng, địa chỉ email chăm sóc khách hàng trên website của đơn vị và của Chương trình Bảo vệ quyền lợi NTD Trung ương (Bộ Công Thương), Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ KH và CN)…, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ khách hàng như EVN, Vinaphone, VTVCab, PNJ; các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh tiện ích đã tuân thủ đầy đủ quy định đảm bảo an toàn dịch bệnh như: bố trí biển báo quy định phòng, chống dịch; kẻ vạch giãn cách tại khu vực xếp hàng thanh toán; bố trí người đo thân nhiệt và hướng dẫn khách hàng sát khuẩn tay, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi mua sắm. Đồng thời yêu cầu nhân viên bán hàng, người lao động, các tiểu thương nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Để tiếp tục hỗ trợ bảo vệ quyền lợi NTD, thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng, quản lý thị trường, các Ban chỉ đạo cấp tỉnh như: Ban Chỉ đạo 389/ĐP, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm để đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Công khai danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD. Duy trì và phổ biến rộng rãi số điện thoại đường dây nóng và các phương thức tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của NTD. Hỗ trợ Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh cũng như các tổ chức xã hội khác trong tỉnh tham gia tích cực hơn nữa vào công tác bảo vệ quyền lợi NTD./.
Bài và ảnh:Nguyễn Hương