Kinh doanh trên nền tảng Tiktok sẽ đóng thuế như thế nào?
Những người sáng tạo nội dung có hoạt động quảng cáo, kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội mà có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên trong năm dương lịch thì sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
Thời gian qua, hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng Tiktok ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Để quản lý hoạt động kinh doanh trên nền tảng số nói chung, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan thuế các cấp cũng đã sớm chủ động vào cuộc, phối hợp với các ngành liên quan chống thất thu thuế hoạt động kinh doanh này.
Tuy nhiên, so với thu nhập và doanh thu khủng, số thuế nộp ngân sách Nhà nước từ lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, gây thất thu ngân sách Nhà nước. Điều này cũng đang gây mất bình đẳng giữa những người kinh doanh.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Quang Xá - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, khoản 1 Điều 81, Thông tư số 80/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, đã nêu rõ về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có liên quan trong trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài.
Theo đó, tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài hoặc thực hiện phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài mà nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại Điều 76, Điều 77, Điều 78, Điều 79 Thông tư này thì tổ chức mua hàng hóa, dịch vụ hoặc phân phối hàng hóa, dịch vụ thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài số thuế phải nộp theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính.
Để tuân thủ các quy định mới về thuế tại Việt Nam, TikTok đã thực hiện đăng ký thuế tại Việt Nam theo hướng dẫn trên và chịu trách nhiệm khai báo thuế tại Việt Nam cho hoạt động cung cấp quảng cáo TikTok cho những người bán không có đăng ký thuế đã cài đặt địa chỉ nhận hóa đơn trên Tài khoản quản lý quảng cáo TikTok (TikTok Ads Manager Account) tại Việt Nam.
Nếu người bán đã có đăng ký thuế tại Việt Nam, thì cung cấp cho TikTok mã số thuế và TikTok sẽ không thu các khoản thuế phát sinh từ các giao dịch của người bán tại Việt Nam sau khi mã số thuế của người bán đã được xác thực và chấp thuận. Người bán là bên duy nhất có trách nhiệm cho việc chịu thuế, báo cáo và nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp Việt Nam phát sinh từ các giao dịch mua của người bán.
Nếu người bán không phải là tổ chức có đăng ký thuế Việt Nam, TikTok sẽ chịu trách nhiệm thay mặt Chính phủ thu 5% Thuế giá trị gia tăng và 5% thuế thu nhập doanh nghiệp từ người bán và nộp lại cho Tổng cục Thuế Việt Nam.
Những người có hoạt động quảng cáo, kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội (Tiktok) mà có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên trong năm thì sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
Để nâng cao hiệu quả quản lý trong việc quản lý thuế và các nguồn thu trên nền tảng Tiktok, luật sư Phạm Quang Xá kiến nghị, trên cơ sở Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đã triển khai từ năm 2022, cơ quan thuế cần tiếp tục phối hợp các vụ, đơn vị trong ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn phục vụ cho việc phân tích, quản lý thuế theo nguyên tắc rủi ro, xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng các nội dung công việc về thu thập dữ liệu từ nguồn internet, xác định danh tính người bán, người mua hàng.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ kỹ thuật số cần được đẩy mạnh và tiến hành tại trụ sở cơ quan thuế thông qua đối chiếu dữ liệu từ sàn giao dịch, dữ liệu thanh toán của ngân hàng và dữ liệu do người nộp thuế kê khai.
Việc chia sẻ dữ liệu, thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tạo điều kiện cho cơ quan thuế xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ về hoạt động, giao dịch của hoạt động thương mại điện tử và dịch vụ kỹ thuật số tại Việt Nam.
Về phía cơ quan thuế địa phương bên cạnh việc đẩy mạnh các giải pháp quản lý thu, chống thất thu ngân sách, cục thuế cần tập trung hiện đại hóa công tác thu nộp, quản lý thuế đối với hộ kinh doanh; các nền tảng, hình thức ứng dụng mới, trong đó có cổng thông tin cho nhà cung cấp nước ngoài, cổng thông tin thương mại điện tử.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sẽ thanh tra toàn diện mạng xã hội TikTok tại Việt Nam dự kiến diễn ra bắt đầu từ tháng 5/2023. Việc thanh tra này nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của nền tảng này trong quá trình hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam. Nếu phát hiện sai phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xử lý nghiêm; đồng thời sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng áp dụng nhiều giải pháp mạnh tay, triệt để.