Kinh doanh xăng, dầu đối mặt nhiều thách thức

Trước thực trạng lợi nhuận trong kinh doanh không đủ bù chi phí, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn An Giang đã có thông báo gửi đến Sở Công Thương xin tạm ngưng hoạt động. Cá biệt, có một số cửa hàng vẫn mở cửa hoạt động nhưng khi người dân vào mua thì không có xăng để bán.

Thực trạng…

Đi đầu trong số tạm ngưng, phải kể đến hệ thống cửa hàng kinh doanh do Công ty Cổ phần Dầu khí Đại Đông Dương (trụ sở quận 3, TP. Hồ Chí Minh) phân phối. Doanh nghiệp (DN) này được Bộ Công Thương cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng, dầu tại Giấy chứng nhận 472-TNPP/QĐ-BCT, ngày 29/12/2021. Công ty tham gia kinh doanh xăng, dầu tại thị trường An Giang từ tháng 5/2022, với 14 cửa hàng (huyện Tri Tôn 8 cửa hàng, huyện Tịnh Biên 6 cửa hàng).

Trung tuần tháng 1/2023, Công ty Cổ phần Dầu khí Đại Đông Dương gửi Văn bản 07/2023/ĐĐD-CV, xin tạm ngừng kinh doanh 14 cửa hàng xăng, dầu trực thuộc. Do chưa được Sở Công Thương chấp nhận, 14 cửa hàng xăng, dầu của công ty vẫn mở cửa hoạt động, nhưng khi khách vào đổ xăng thì không có xăng để bán.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, toàn tỉnh hiện có 5 DN đầu mối, 8 DN phân phối trong tỉnh, 21 DN phân phối từ ngoài tỉnh, có 567 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu ở 11 huyện, thị xã, thành phố. Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Công Thương đã tiếp nhận 8 thông báo của các DN xin tạm ngừng kinh doanh xăng, dầu. Thời điểm tiếp nhận thông báo rơi vào những ngày Tết Nguyên đán nên đơn vị chưa đồng ý.

Kinh doanh xăng, dầu là ngành hàng hoạt động có điều kiện, được áp dụng bởi Nghị định 83/2014/NĐ-CP, ngày 3/9/2014, Nghị định 95/2021/NĐ-CP, ngày 1/11/2021 của Chính phủ; Quyết định 11/2015/QĐ-UBND, ngày 22/4/2015 của UBND tỉnh An Giang… Do không thể tự ý dừng kinh doanh sai quy định, nên đã xảy ra tình trạng các cửa hàng vẫn mở cửa nhưng không có xăng để bán cho khách hàng.

…và nguyên nhân

Tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, các cửa hàng xăng, dầu cũng gặp khó khăn như các địa phương khác. Cụ thể, mức chiết khấu, hoa hồng từ các đầu mối đưa về cho các cửa hàng rất thấp, chỉ từ 250-350 đồng/lít, trong khi để điều hành 1 cửa hàng xăng, dầu mở bán, điểm hòa vốn của mỗi lít xăng, dầu phải từ 400-500 đồng/lít. Vì vậy, cửa hàng nào chấp hành quy định, kinh doanh bình thường thì phải chịu thua lỗ.

“Mở cửa bán hàng là biết đã lỗ. Song, vì nhiệm vụ của mình là phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nên chúng tôi phải tiếp tục bán. Càng bán càng lỗ, tình trạng diễn ra 1-2 tháng thì được, đằng này kéo dài gần 1 năm nay, sức nào chịu nổi” - bà Dương Tuyết Loan (Giám đốc Công ty TNHH MTV Dương Tuyết Loan, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) bức xúc.

Chấp hành chủ trương của nhà nước trong kinh doanh xăng, dầu, mỗi tháng bà Loan lỗ ít nhất 30 triệu đồng. Lỗ vì mức chiết khấu, hoa hồng thấp, lỗ bởi rủi ro trong kinh doanh. “Khi xăng tăng giá, hoa hồng cũng tăng nhưng lúc đó không nhập được hàng hoặc có nhập cũng ít, vì đầu mối đưa về rất hạn chế, từ đó không bù đắp được chi phí” - bà Loan nói thêm. Gần đó, cửa hàng xăng, dầu Minh Triết, do bà Hồ Thị Tua làm chủ, cũng thua lỗ kéo dài nhưng không dám nghỉ bán vì phải chấp hành các quy định trong kinh doanh xăng, dầu.

Tại xã An Hảo (huyện Tịnh Biên), có cửa hàng xăng, dầu Phượng Nghi, được Petrolimex An Giang nhượng quyền thương hiệu. “Khó khăn nhất hiện nay là mức chiết khấu, hoa hồng thấp; nguồn cung không đủ số lượng yêu cầu. Vùng này, bà con đổ nhiều xăng Ron 95 nhưng nguồn cung mặt hàng này rất hạn chế, chúng tôi đang gặp khó khăn” - bà Phượng Nghi (chủ cửa hàng) chia sẻ.

Toàn tỉnh An Giang hiện có 567 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu. Bình quân mỗi năm, các cửa hàng này bán ra trên 320 triệu lít xăng, dầu các loại. Ngoài phục vụ sản xuất nông nghiệp, xăng, dầu được xác định là mặt hàng thiết yếu, phục vụ thiết thực cho sinh hoạt, đi lại của hơn 1,9 triệu người dân An Giang, cùng hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hợp tác xã trong tỉnh. Kinh doanh không có lời, hàng loạt cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.

Đứng về góc độ quản lý, quan điểm chỉ đạo của các cơ quan quản lý là rất đúng: Không để nguồn cung bị đứt gãy, không để tình trạng găm hàng, tăng giá xảy ra, gây thiệt hại cho xã hội. Tuy nhiên, mức chiết khấu, hoa hồng từ các đầu mối cung cấp về cho các cửa hàng hiện quá thấp, trong khi hành động của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương cho vấn đề này quá chậm, gây ra nhiều tranh cãi, bức xúc cho các bên tham gia kinh doanh xăng, dầu. Thiết nghĩ, các cơ quản lý nhà nước cần có giải pháp đồng bộ, xử lý nhanh tình trạng này để tình hình kinh doanh xăng, dầu sớm ổn định trở lại.

“Sở Công Thương An Giang đã có công văn gửi Bộ Công Thương, phản ánh đầy đủ tình hình kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh, những vướng mắc, khó khăn mà những người tham gia ngành hàng này gặp phải, như: Mức chiết khấu, hoa hồng, giá bán xăng, dầu, chu kỳ điều chỉnh giá… Những đề xuất này đã được Bộ Công Thương tiếp nhận và đang trong quá trình xử lý” - Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng thông tin.

MINH HIỂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/kinh-doanh-xang-dau-doi-mat-nhieu-thach-thuc-a354888.html