Kinh hãi 200 viên sỏi gắp ra trong mật người phụ nữ 29 tuổi, chuyên gia cảnh báo nên làm điều này ngay từ chế độ ăn hàng ngày để tránh bệnh!
Viêm túi mật do sỏi là bệnh rất hiếm gặp ở người trẻ tuổi, đặc biệt là ở nữ giới. Tuy nhiên vừa qua tại Phú Thọ, các bác sĩ đã phẫu thuật lấy ra hơn 200 viên sỏi trong túi mật của nữ bệnh nhân 29 tuổi.
Bệnh nhân là chị L.T.H, 29 tuổi, nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy trong tình trạng đau tức hạ sườn phải. Theo bệnh nhân chia sẻ, trước đó chị có dấu hiệu đau bụng nhiều lần và tự dùng thuốc tại nhà nhưng không đỡ nên vào viện khám.
Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy có nhiều sỏi và bùn túi mật của bệnh nhân. Người bệnh được tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh, phương pháp can thiệp và đồng ý thực hiện phẫu thuật. Các bác sĩ đã cắt bỏ túi mật và lấy ra hơn 200 viên sỏi lấp đầy trong túi mật bệnh nhân.
Hai ngày sau phẫu thuật người bệnh đã tỉnh và chủ động trong các hoạt động sinh hoạt.
Theo bác sĩ Nguyễn Bá Trình, Phó Giám đốc bệnh viện và cũng là người trực tiếp phẫu thuật cho biết đây là một trường hợp viêm túi mật do sỏi rất hiếm gặp ở người trẻ tuổi, đặc biệt là ở nữ giới. Nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời có thể gây ra các biến chứng cấp tính nguy hiểm như viêm túi mật, áp xe túi mật, viêm phúc mạc mật, sốc nhiễm trùng đường mật, có thể gây biến chứng nặng nề như gây ung thư túi mật và có thể tử vong.
Qua trường hợp bệnh nhân trên, bác sĩ Trình khuyến cáo: Người bệnh khi có vấn đề về sỏi mật nói riêng, các bệnh lý về gan, mật nói chung không nên tự ý sử dụng thuốc, cần phải được thăm khám thường xuyên tại các cơ sở y tế uy tín và sử dụng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Những ai có nguy cơ bị sỏi túi mật?
Sỏi túi mật thể rắn hình thành bởi cholesterol, muối mật và canxi, kích thước sỏi từ vài mm đến vài cm. Số lượng có thể từ 1 đến hàng trăm viên.
Nguyên nhân gây sỏi túi mật rhường là do chuyển hóa, khi trong dịch mật có nồng độ cholesterol dư thừa quá cao tạo thành các tinh thể mà từ đó sỏi túi mật được hình thành.
Bình thường túi mật sẽ dự trữ dịch mật giúp tiêu hóa chất béo trong thức ăn từ gan. Khi chúng ta ăn, túi mật thực hiện chức năng bằng cách co bóp và tiết mật vào ruột non. Tuy nhiên, nếu chức năng gan suy giảm, vận động đường mật kém gây ứ mật hay có tình trạng viêm thì các thành phần trong dịch mật sẽ bị xáo trộn và kết tụ tạo thành sỏi mật.
Sự xuất hiện của sỏi mật làm cản trở dòng chảy của dịch mật, tăng áp lực trong đường mật mỗi khi túi mật co bóp hoặc gây viêm, tổn thương đường mật, túi mật.
Theo các chuyên gia y tế, sỏi mật có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng nguy cơ cao hơn hết là những người béo phì (vì sỏi liên quan đến vấn đề thừa cholesterol trong máu); người thường xuyên nhịn ăn; phụ nữ dùng thuốc tránh thai có chứa estrogen; người có bệnh viêm đường ruột…
Phòng tránh bệnh sỏi mật ngay từ chế độ ăn và sinh hoạt hàng ngày
Xây dựng một chế độ ăn hợp lý sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sự phát triển của sỏi mật. Trong đó bao gồm:
- Cần ănn đủ 3 bữa mỗi ngày, không để cơ thể bị bỏ đói vì mật được tiết ra liên tục, khi chúng ta ăn đủ 3 bữa thì mật được tống xuống ruột để tiêu hóa thức ăn, sẽ không có cơ hội cho mật lắng đọng tạo sỏi.
- Hạn chế ăn những thức ăn giàu chất béo bão hòa và cholesterol như lòng đỏ trứng gia cầm, mỡ và phủ tạng động vật (tim, gan, óc, cật), đồ chiên xào, thức ăn nhanh…
- Hạn chế ăn quá nhiều bột đường cũng giảm nguy cơ mắc sỏi mật.
- Nên dùng các loại đồ ăn chứa chất béo tốt, chưa bão hòa (quả bơ, oliu, hạt lanh, dầu cá…); thức ăn có tác dụng làm tăng nhu động cho đường mật như: sữa ít béo, rau quả tươi, ăn tối thiểu 500g rau một ngày.
- Nên uống đủ nước, duy trì trọng lượng cơ thể và tăng cường vận động cơ thể bằng việc tập thể dục thể thao đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày.