Phớt lờ lệnh cấm của UBND TP Hà Nội, suốt nhiều năm qua, nhiều tiểu thương vẫn ngang nhiên buôn bán và giết mổ gia cầm ngay tại chợ mà không bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y. Ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội tại chợ Quang (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì) cho thấy, hàng ngày, các hoạt động giết mổ gia cầm sống vẫn ngang nhiên diễn ra ngay giữa chợ.
Hai bên hành lang phía bên trong chợ Quang được các tiểu thương bày bán chủ yếu là gia cầm và thủy hải sản.
Các lồng gà, vịt, ngan được nhốt trong lồng sắt, xếp thành hàng dài ở một bên lối đi lại. Phía dưới những chiếc lồng này là phân gia cầm, xú uế kèm nước thải, tất cả sộc lên mùi hôi tanh và nhếch nhác.
Trong khu vực quầy hàng, ngoài những chiếc lồng gà, tiểu thương luôn chuẩn bị sẵn một nồi nước đun sôi cùng những chiếc chậu thau. Sau khi khách hàng lựa chọn và ngã giá hợp lý, các tiểu thương nhanh tay "xử lý" gia cầm ngay trong khu vực quầy hàng bằng những dụng cụ kể trên.
Dịch vụ giết mổ gia cầm tại nơi bán hoặc các khu chợ được nhiều người tiêu dùng lựa chọn bởi vừa tiết kiệm được thời gian, công sức, lại tiện cho cả những người không biết... nhổ lông gà.
Chị Nguyễn Thị Mai (42 tuổi, ở Thanh Xuân) cho biết: "Tôi thường xuyên chọn mua gia cầm trong chợ vì lo ngại về xuất xứ, nguồn gốc. Mua ở siêu thị, tôi cũng không biết những con gia cầm đó có được giết mổ khi còn sống hay như thế nào nên ra ngoài chợ, nhìn thấy gà còn khỏe mạnh, đẹp mã và trực tiếp thấy họ làm sạch cho mình tôi yên tâm hơn".
Trái ngược với chị Mai, bà Hoàng Thị Yến (53 tuổi, ở Tân Triều, Thanh Trì) lại một mực chỉ mua thực phẩm tươi sống ở siêu thị. "Rau thì có thể mua ngoài chợ nhưng riêng đồ tươi sống là phải mua ở siêu thị, có nguồn gốc nhãn mác rõ ràng. Tôi ra chợ nhìn cảnh một bên là thành phẩm gia cầm, cách đó vài gang tay là lồng gà, gà trong lồng nhảy nhót vỗ cánh và bên dưới là nền nhà cáu bẩn, hôi tanh. Nhìn thấy những hình ảnh đó làm sao mà ăn ngon được. Đó là chưa nói đến sự an toàn, đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm", bà Yến cho hay.
Đối diện dãy hàng gia cầm sống là thủy hải sản tươi sống. Mặt hàng này cũng được các tiểu thương sơ chế, chế biến ngay dưới nền đất hôi tanh, nhếch nhác.
Ghi nhận của PV tại khu vực tổ hợp chung cư HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cũng tương tự. Mặc dù có biển cấm họp chợ của UBND phường Hoàng Liệt, nhưng lối hành lang đi lại và khu vơi chơi dành cho trẻ em đều được bày bán đủ thể loại từ rau cỏ, đến thủy hải sản đến hoạt động giết mổ gia cầm sống.
Tiểu thương ngang nhiên chế biến thủy hải sản trong khuôn viên tổ hợp chung cư HH Linh Đàm.
Theo một người bán gia cầm ở đây, mỗi ngày một quầy có thể tiêu thụ được khoảng hàng trăm con gà, ngan, vịt các loại. Hàng hóa được phục vụ chủ yếu cho cư dân ở tổ hợp chung cư HH Linh Đàm. Không chỉ gia cầm, khách hàng cần cả mặt hàng thủy hải sản với số lượng lớn cũng có thể đáp ứng.
Trong gian hàng của tiểu thương này, bên phải lối vào là những chiếc lồng bồ câu, ngan, gà, vịt. Bên trái lối vào là mặt hàng thủy hải sản. Tương tự như ở các chợ khác, khi khách hàng lựa chọn được mặt hàng như ý muốn, tiểu thương sẽ chế biến sạch sẽ trong vài phút.
Mặc dù thành phố Hà Nội không cho phép giết mổ gia cầm tại các chợ dân sinh, nhất là khi dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, nhưng hàng ngày, hàng ngàn con gia cầm sống vẫn được bày bán tràn lan, giết mổ ngay tại chỗ trong các chợ.
Hình ảnh PV ghi tại chợ Chính Kinh (Thanh Xuân).
Theo Chi cục Thú y Hà Nội, thành phố đã cấm giết mổ gia cầm tại các quận từ năm 2007. Đặc biệt, chế tài xử phạt tại Nghị định119/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 của Chính phủ, hành vi giết mổ động vật tại các địa điểm không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, giết mổ sơ chế, chế biến không đảm bảo vệ sinh, dụng cụ, nước rửa… bị phạt từ 2 - 4 triệu đồng.
Bảo Loan