Kinh nghiệm bảo tồn, trùng tu từ các nước: Trông người để ngẫm đến mình!

Mục đích của bảo tồn, trùng tu trước hết và tối cao là duy trì, đảm bảo sự tồn tại lâu dài của di tích, do đó trong trùng tu cần bảo tồn tối đa các thành phần nguyên gốc và tính chân xác của di tích.

Lâu đài Himeji (Nhật Bản) trước và sau khi được trùng tu, tôn tạo

Lâu đài Himeji (Nhật Bản) trước và sau khi được trùng tu, tôn tạo

Bệnh cạnh đó, việc bảo tồn, trùng tu cần hạn chế càng nhiều càng tốt sự can thiệp vào di tích, mọi sự can thiệp khi cần thiết không làm giảm, thay đổi những đặc điểm cơ bản và những giá trị vốn có của di tích. Ưu tiên bảo quản, gia cường sau đó mới đến tu bổ phục hồi và tôn tạo.

Đáng nói, mọi quyết định về phục hồi cần phải có những căn cứ xác thực, tuyệt đối không được thực hiện trên các giả thiết. Đó là ba trong số những nguyên tắc bảo tồn, trùng tu di sản quan trọng trong các văn kiện pháp luật quốc tế về việc bảo tồn, trùng tu di sản văn hóa của nhân loại được nhiều quốc gia tuân thủ nghiêm ngặt.

Thành phố di sản Venice tại Ý.

Bài học từ Ý và Cộng hòa Séc

Đơn cử là thành phố cổ kính 1500 năm tuổi Venice có một gia tài di sản kiến trúc đồ sộ với khoảng 120 nhà thờ, hơn 60 tu viện, hơn 100 tháp chuông và 40 cung điện được xây dựng trải dài nhiều thế kỷ. Venice được nguyên vẹn như ngày nay là nhờ những nỗ lực to lớn của Chính phủ Ý, người dân ở đây và cả cộng đồng quốc tế. Điều này có thể ghi nhận qua chính sách quản lý xây dựng hiệu quả. Đơn cử, mỗi ngôi nhà là một di sản, không có nhà nhiều tầng và cao tầng, biển quảng cáo cũng không hề xuất hiện và cũng không có kiến trúc mới xây chen…

Tuy nhiên, những ngôi nhà nhìn bề ngoài sứt sẹo, mốc meo và hầu như không thay đổi qua thời gian nhưng nội thất thì lại tiện nghi sang trọng, đáp ứng yêu cầu cuộc sống hiện đại. Chính quyền thành phố cũng cho phép người dân tự do sinh hoạt đời thường như việc phơi phóng quần áo trước nhà, tự chọn màu sơn cho ngôi nhà của mình…

Một ví dụ điển hình khác là lâu đài Praha thuộc Cộng hòa Séc, cũng là lâu đài cổ nhất trên thế giới với nhiều cung điện đền đài, được bao bọc bởi bức tường thành, bên trên có nhiều ngọn tháp uy nghiêm trên đỉnh đồi Strahop trấn giữ, trông coi toàn thành phố. Năm 1992, trung tâm thành phố Praha được công nhận là di sản thế giới.

Nhà nước và nhân dân cộng hòa Séc đã làm rất tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của hàng ngàn công trình tượng trưng cho nhiều phong cách nghệ thuật kiến trúc khác nhau từ Roman, Gothic đến Phục hưng, Ba rốc, Tân nghệ thuật.

Được biết, trong khu trung tâm thành phố quanh năm có những đền đài, miếu mạo được quây phủ bên ngoài để tu sửa phục chế bên trong. Dù vậy, thành phố cổ Praha vẫn có những kiến trúc mới. Theo quan điểm bảo tồn theo phương pháp cải tạo của chính quyền Thành phố: “Trong khi giữ gìn giá trị của kiến trúc cũ vẫn có thể dung nạp những yếu tố kiến trúc mới phù hợp với thẩm mỹ nghệ thuật đương đại”.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Nhật Bản cũng là một quốc gia đáng học hỏi về kinh nghiệm bảo tồn, trùng tu di sản. Du khách đến thăm quan các ngôi đền, miếu mạo, di sản ở xứ sở hoa anh đào đôi khi sẽ gặp thất vọng khi thấy điểm đến đang bị che khuất đằng sau các tấm che. Việc trùng tu cẩn thận các tòa nhà cổ ở Nhật Bản là một quá trình kéo dài nhiều năm, trong đó huy động rất nhiều người thợ thủ công truyền thống và sử dụng tối thiểu công nghệ hiện đại.

Để làm được điều này, năm 1975 chính phủ Nhật đã sửa đổi Luật bảo vệ tài sản văn hóa năm 1950, nhằm thêm vào những chính sách hỗ trợ nghề thủ công truyền thống, từ nghề làm chiếu tatami, lợp ngói cho nhà truyền thống, kỹ năng trát vữa, làm mộc truyền thống đến các kỹ năng trang trí thủ công với các vật dụng nhỏ nhất… Theo đó, chính phủ cung cấp các khoản tài trợ và hỗ trợ để đào tạo những người học nghề, đảm bảo các kỹ năng nghề cổ xưa sẽ không bị mất đi.

Trong hàng thập kỷ, Hiệp hội Bảo tồn Di tích Kiến trúc Nhật Bản vẫn lưu giữ các hồ sơ và nghiên cứu về các tòa nhà được tu bổ trên khắp Nhật Bản. Nhờ đó, việc kiểm tra, tư vấn, tháo dỡ, sửa chữa và lắp ráp lại trở nên dễ tiếp cận hơn đối với những người đời sau tiếp nối.

Lâu đài Praha (Cộng hòa Séc).

Ví dụ điển hình chính là lâu đài Himeji – một tòa thành cổ của Nhật Bản có niên đại gần 700 năm, nằm trong trung tâm thành phố Himeji tỉnh Hyogo, cách thủ đô Tokyo 650km về phía Tây. Đây cũng là một trong những Di sản Thế giới được UNESCO công nhận đầu tiên của Nhật, được xem là biểu tượng của nước này.

Năm 2010, ban quản lý lâu đài đã đóng cửa 5 năm để trùng tu, tôn tạo. Đáng nói, lần gần nhất lâu đài được trùng tu là năm 1956, kéo dài đến tận năm 1964. Được biết năm 1995, lâu đài Himeji đã tồn tại “bất khuất” qua trận Đại động đất Hanshin. Có truyền thuyết còn cho rằng, thậm chí không có một giọt rượu sake nào tràn ra khỏi chai rượu đặt trên bàn thờ ở tầng trên cùng của lâu đài.

Mở cửa trở lại vào tháng 5/2015, lâu đài Himeji được xem ví dụ điển hình về sự kết hợp giữa các kỹ năng hiện đại và truyền thống. Toàn bộ 80.000 viên ngói đã được tháo dỡ, trong đó 80% được làm sạch và đặt lại vị trí cũ, trong khi khoảng 16.000 viên được thay mới hoàn toàn. Các bức tường bên ngoài đã được sửa chữa và thay thế, đồng thời sơn lại để hoàn thiện sạch sẽ.

Về mặt kết cấu, các trụ, dầm và sàn đã được bóc tách và gia cố, làm tăng khả năng chịu các cơn địa chấn. Người dân quốc đảo mặt trời mọc tự hào về lâu đài Himeji vừa biểu trưng cho kiến trúc truyền thống của Nhật Bản mà còn thể hiện kỹ năng và sự cống hiến của những người thợ, nghệ nhân truyền thống – điều mà những thế hệ mai sau của nước này vẫn sẽ tiếp tục tiếp nối.

Xu hướng “trẻ hóa” di tích

Mặc dù không thể phủ nhận nhiều thành phố trong khu vực Đông Nam Á đã cố gắng gìn giữ, bảo tồn các công trình kiến trúc hàng thế kỷ của họ thì nhiều thành phố cổ ngày càng bị “trẻ hóa” bởi sự phát triển đô thị, kinh tế.

Một ví dụ điển hình là thị trấn lịch sử Vigan thuộc tỉnh Ilocos Ѕur của Phillipines được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999 bởi nơi đây được xem là một trong những thành phố thuộc địa của Ƭây Ban Nha còn giữ được nguyên vẹn nhất tại Châu Á thời điểm bấy giờ.

Tuy nhiên, trước dịch COVID-19, một nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Di sản và Phát triển Toàn cầu đã chỉ ra di sản thế giới này đã bị đe dọa bởi lượng khách du lịch gia tăng, những ngôi nhà truyền thống bị biến thành khách sạn với tốc độ đáng báo động, đi kèm theo đó là những nỗ lực tu sửa một cách vụng về, tự phát của mỗi hộ dân.

Nhiều di tích sau khi trùng tu có nguy cơ bị "trẻ hóa".

Nhiều di tích sau khi trùng tu có nguy cơ bị "trẻ hóa".

Vigan không phải thị trấn duy nhất mà trong một thập kỷ nay, nhiều thành phố cổ ở Đông Nam Á đang chứng kiến xu hướng “trẻ hóa di sản”. Hầu hết các nhà quy hoạch đô thị trong khu vực thích kiến trúc hiện đại, bởi như vậy thành phố sẽ trở nên thuận tiện, đáng sống và hấp dẫn hơn, không chỉ với du khách mà còn với các tầng lớp lao động mới và các nhà đầu tư nước ngoài.

Có nhiều quan điểm còn phủ nhận giá trị mà các công trình và di sản có thể bổ sung cho cấu trúc đô thị. Việc bảo tồn và trùng tu di sản còn bị ảnh hưởng bởi định giá đất và tiềm năng mở ra các cơ hội kinh tế địa phương thông qua các dịch vụ du lịch như nhà hàng, bảo tàng nhỏ và khách sạn.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra, một trong những khó khăn nhất trong việc bảo tồn những đô thị cổ là sự bất hợp tác của những chủ sở hữu nhà cổ. Mặt khác, việc khôi phục lại một tòa nhà cũ thường tốn kém hơn so với việc phá bỏ nó và xây một tòa nhà mới. Khó khăn nằm ở chỗ phải tìm kiếm được những vật liệu tương tự đã được sử dụng cách đây 50 năm, 100 năm hoặc thậm chí là 300 năm, và thuê những công nhân quen nghề xây dựng cổ xưa.

Ví dụ, việc khôi phục lại một ngôi chùa cổ cần phải có chất liệu và kỹ thuật sơn mài phù hợp, chưa kể đến rất nhiều tác phẩm chạm khắc và điêu khắc. Việc này vừa tốn kém, vừa tốn nhiều lao động, và nguồn cung thợ thủ công lành nghề đang thiếu hụt, do đó nhiều nhà quản lý đô thị đã không mấy “mặn mà” với công tác bảo tồn, tu bổ di sản ở trên địa bàn của mình.

Bất chấp những thách thức, có những câu chuyện thành công như ở Bangkok ở Thái Lan, Siem Reap ở Campuchia, hay Huế ở Việt Nam. Tìm được điểm cân bằng là các thành phố như Iloilo ở Philippines – nơi các khu vực di sản cùng tồn tại với sự phát triển hiện đại và ở Viêng Chăn – nơi các nhà quy hoạch đô thị cố gắng hài hòa mặt thẩm mỹ với các cấu trúc cũ của thành phố.

Vậy có phải các thành phố trong khu vực Đông Nam Á đang phải đứng trước lựa chọn giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên nhìn vào thực tế, vẫn có những câu chuyện thành công trong khu vực đáng suy ngẫm như ở Bangkok ở Thái Lan, Siem Reap ở Campuchia, hay Huế ở Việt Nam, Iloilo ở Philippines, Viêng Chăn ở Lào,… đều là những nơi các khu vực di sản có thể cùng tồn tại với sự phát triển hiện đại.

Kèm theo đó còn là những bài học đến từ các thành phố ở châu Âu như Paris, Prague, The Hague và Florence, và ở châu Á như Kyoto, Nara đã cố gắng đưa công tác bảo tồn di sản trở thành một phần của chiến lược phát triển kinh tế và tạo ra bản sắc của thành phố, thay vì để chúng bị lãng quên và chỉ lưu giữ trong ký ức hoặc ảnh chụp. Điều đó cho thấy, không nhất thiết phát triển kinh tế buộc phải “đánh đổi” di sản.

Đỗ Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/kinh-nghiem-bao-ton-trung-tu-tu-cac-nuoc-trong-nguoi-de-ngam-den-minh-post443899.html