Kinh nghiệm chọn mua tai nghe True Wireless cần biết

Với đặc tính gọn nhẹ, tiện dụng, tai nghe True Wireless có thể là một món đồ công nghệ thích hợp cho những người yêu âm nhạc để mang theo bất cứ đâu.

Thị trường hiện nay rất đa dạng các mẫu True Wireless, với tính năng và mức giá khác nhau, khiến việc lựa chọn không hề dễ dàng. Làm thế nào để tìm được chiếc tai nghe phù hợp với nhu cầu và ngân sách của bạn? Bài viết này sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm cần thiết, giúp bạn hiểu rõ hơn về các tiêu chí quan trọng khi chọn mua tai nghe True Wireless.

Tai nghe True Wireless là gì?

Tai nghe True Wireless (TWS) là loại tai nghe không dây hoàn toàn, không sử dụng bất kỳ dây nối nào giữa hai bên tai hoặc với thiết bị phát nhạc. Tức là, chỉ đề cập đến loại tai nghe có 2 bên riêng lẻ, không bao gồm các loại headphone (tai nghe trùm đầu) kết nối Bluetooth.

TWS là kiểu tai nghe có 2 bên riêng biệt, đựng trong hộp sạc. (Ảnh: Times Now)

TWS là kiểu tai nghe có 2 bên riêng biệt, đựng trong hộp sạc. (Ảnh: Times Now)

Thiết bị này hoạt động thông qua kết nối Bluetooth, cho phép người dùng nghe nhạc, đàm thoại và điều khiển thiết bị một cách dễ dàng mà không bị vướng víu bởi dây hoặc vòng đeo. TWS thường đi kèm với hộp sạc nhỏ gọn, giúp bảo vệ tai nghe và kéo dài thời lượng sử dụng.

Với thiết kế tiện lợi, tai nghe True Wireless ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ và những người thường xuyên di chuyển.

Mức giá

Mức giá là tiêu chí quan trọng đầu tiên khi chọn tai nghe True Wireless. Thị trường Việt Nam hiện tại phân chia rõ rệt thành các phân khúc như sau:

Dưới 1 triệu đồng: Phân khúc này hướng đến người dùng phổ thông với các mẫu như Baseus WX5 hay Soundpeats Free2 Classic. Dù giá rẻ, các sản phẩm này vẫn đáp ứng nhu cầu cơ bản như nghe nhạc, gọi điện thoại, nhưng hạn chế về chất lượng âm thanh và tính năng nâng cao. Ở phân khúc này, ngách sản phẩm với mức giá dưới 500.000 đồng cũng đang nổi lên rất mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.

Từ 1 đến 3 triệu đồng: Đây là tầm trung phổ biến với các mẫu như JBL Tune 230 TWS hoặc Sony WF-C510, có chất lượng âm thanh tốt hơn và có thể tích hợp công nghệ khử ồn cơ bản.

Từ 3 đến 5 triệu đồng: Phân khúc này hiện bao gồm các sản phẩm như Sony WF-1000XM4 hoặc Samsung Galaxy Buds 3, nổi bật với công nghệ khử ồn chủ động (ANC) và chất lượng âm thanh cao cấp. Với mức giá này, người dùng đã dễ dàng tiếp cận một số dòng flagship của các hãng lớn.

Trên 5 triệu đồng: Đây là dòng cao cấp với các sản phẩm như Apple AirPods Pro 2 hay Sennheiser Momentum True Wireless 4. Các mẫu này cung cấp tính năng tiên tiến, chất âm vượt trội, âm thanh lossless và tính năng ANC cao cấp.

Kiểu dáng

Khi chọn tai nghe True Wireless, kiểu dáng là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến trải nghiệm đeo. Có 3 loại chính: earbuds, in-ear và TWS thể thao.

Earbuds: Thường có thiết kế mở, chỉ đặt vào tai và không bịt kín hoàn toàn ống tai. Ví dụ tiêu biểu nhất của dòng này là các mẫu AirPods bản thường (2, 3, 4). Kiểu dáng này giúp bạn vẫn nghe được âm thanh môi trường xung quanh, phù hợp khi di chuyển ngoài trời và đặc biệt là cần sự thoải mái trong thời gian dài. Tuy nhiên, nhược điểm là khả năng cách âm kém hơn, và âm bass thường không mạnh như in-ear.

Đại diện điển hình của loại earbuds là AirPods 4. (Ảnh: PCMag)

Đại diện điển hình của loại earbuds là AirPods 4. (Ảnh: PCMag)

In-ear: Được thiết kế với nút tai silicone hoặc foam, in-ear nhét sâu vào ống tai, tạo độ kín cao hơn. Loại TWS này giúp tăng khả năng cách âm thụ động, mang lại âm thanh chi tiết, đặc biệt là âm bass. Kiểu dáng này phù hợp khi nghe nhạc trong môi trường ồn ào hoặc cần tập trung. Các mẫu In-ear cũng thường có chống ồn chủ động tốt hơn, với ví dụ điển hình là AirPods Pro. Tuy nhiên, chính vì phải nhét sâu vào trong tai nên khi đeo lâu có thể gây mỏi, đau tai. Ngoài ra, bạn còn phải chú ý đến kích cỡ mút tai và giữ vệ sinh tỉ mỉ hơn kiểu earbuds.

Trong khi đó, tai nghe in-ear có thiết kế nhét sâu vào trong ống tai. (Ảnh: PC World)

Trong khi đó, tai nghe in-ear có thiết kế nhét sâu vào trong ống tai. (Ảnh: PC World)

Thể thao: Thường là dạng earbuds với thiết kế mở, nhưng có thêm vòng móc vào tai để giữ ổn định chắc chắn khi chơi thể thao. Loại này thường có đặc tính đeo thoải mái, pin tốt. Một số sản phẩm còn có khả năng kháng môi trường, mồ hôi nhất định... Ví dụ đơn cử là Shokz OpenFit.

Chất âm

Chất lượng âm thanh của tai nghe True Wireless phụ thuộc vào hai yếu tố chính: phần cứng và codec.

Phần cứng: Driver (màng loa) đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo âm thanh, có vai trò chuyển đổi năng lượng điện thành rung động, tạo ra âm thanh. Các loại driver phổ biến là dynamic, balanced armature, hoặc hybrid. Driver dynamic thường cho âm bass mạnh mẽ, trong khi balanced armature tái tạo chi tiết âm thanh tốt hơn. Một số mẫu cao cấp sử dụng hybrid để kết hợp ưu điểm của cả hai.

Kích cỡ driver cũng là một yếu tố đáng lưu tâm. TWS có kích cỡ phổ biến từ 8 mm đến 13 mm. Kích thước driver lớn hơn, chẳng hạn như 13 mm, thường có thể tạo ra âm bass mạnh mẽ hơn, vì nó có thể rung động nhiều không khí hơn.

Mặt khác, driver nhỏ hơn, chẳng hạn như 10 mm, có thể phù hợp hơn với các thể loại đòi hỏi âm thanh chính xác và chi tiết hơn, chẳng hạn như nhạc cổ điển hoặc nhạc jazz. Driver nhỏ hơn cũng có thể cung cấp độ rõ nét và cân bằng tổng thể tốt hơn trong âm thanh.

Codec: Là giao thức mã hóa âm thanh giữa tai nghe và thiết bị phát. Codec phổ biến gồm SBC (cơ bản), AAC (tốt cho iOS), aptX (chất lượng cao cho Android) và LDAC (đạt chuẩn Hi-Res). Codec cao cấp như aptX Adaptive hoặc LDAC giúp truyền tải âm thanh rõ nét, giảm độ trễ, phù hợp với người nghe nhạc chuyên sâu.

Một số tính năng quan trọng cho trải nghiệm âm thanh còn có thể kể đến khả năng tích hợp âm thanh không gian, độ trễ (đặc biệt cần thiết khi xem video, chơi game).

Pin và hộp sạc

Thời lượng pin và chất lượng hộp sạc là hai yếu tố đặc biệt quan trọng khi chọn mua tai nghe True Wireless nếu bạn muốn dùng lâu dài.

Thời lượng pin: Nên ưu tiên các mẫu có pin dài ngay từ đầu. Phần lớn tai nghe hiện nay cho thời lượng sử dụng từ 4-8 giờ mỗi lần sạc, tổng cộng 20-30 giờ với hộp sạc. Tuy nhiên, pin lithium-ion sẽ bị hao mòn theo thời gian, khiến thời gian sử dụng giảm đi. TWS có kích thước nhỏ, vì vậy nếu có sẵn một viên pin tốt, việc sử dụng lâu dài sẽ được đảm bảo hơn.

Hộp sạc (chất lượng hoàn thiện): Một hộp sạc chắc chắn, không ọp ẹp sẽ bảo vệ tai nghe tốt hơn. Nếu hộp có thiết kế kém, tai nghe dễ bị văng ra khi rơi, làm hỏng linh kiện bên trong. Hãy chọn các sản phẩm có bản lề chắc chắn, vỏ ngoài bền bỉ để đảm bảo an toàn cho tai nghe trong quá trình sử dụng và di chuyển. Một số dòng sản phẩm có màn hình trên hộp sạc, tuy nhiên theo kinh nghiệm thì đa phần chỉ để cho vui chứ không quá thiết thực.

Điều khiển

Các mẫu tai nghe True Wireless hiện nay thường được trang bị cảm ứng chạm hoặc nút bấm vật lý để điều khiển, giúp người dùng dễ dàng thao tác mà không cần dùng đến điện thoại. Bạn sẽ đặc biệt cần quan tâm bộ tính năng này nếu thường xuyên sử dụng khi tập thể thao, trong lúc ngủ, làm việc nhà...

Cảm ứng chạm: Phổ biến ở các dòng tai nghe trung và cao cấp, với các thao tác như chạm một lần để phát/dừng nhạc, chạm hai lần để chuyển bài hoặc nhận cuộc gọi, giữ lâu để kích hoạt trợ lý ảo hoặc chế độ chống ồn (ANC)...

Nút bấm vật lý: Thường xuất hiện trên các tai nghe thể thao hoặc giá rẻ. Chúng mang lại cảm giác bấm chắc chắn, ít nhầm lẫn, nhưng đôi khi tạo áp lực lên tai khi thao tác. Mặt lợi là sẽ không bị tác động bởi nước hoặc mồ hôi.

Chống ồn và kết nối

Tai nghe TWS hiện nay thường tích hợp hai loại chống ồn: chống ồn chủ động (ANC) và chống ồn thụ động. ANC giúp loại bỏ tiếng ồn xung quanh bằng công nghệ xử lý âm thanh, lý tưởng khi ở nơi đông người hoặc nơi có âm thanh nền gây khó chịu như tiếng điều hòa, động cơ máy bay... Chống ồn thụ động phụ thuộc vào thiết kế nút tai, chặn âm thanh vật lý từ bên ngoài.

ANC hoạt động bằng cách lắng nghe âm thanh môi trường rồi tạo sóng âm ngược để triệt tiêu tiếng ồn đó. (Ảnh: Apple0

ANC hoạt động bằng cách lắng nghe âm thanh môi trường rồi tạo sóng âm ngược để triệt tiêu tiếng ồn đó. (Ảnh: Apple0

Tuy nhiên theo kinh nghiệm, tai nghe TWS thường không thể sánh được với tai nghe trùm đầu cùng phân khúc về khả năng chống ồn do hạn chế về kích thước, nên nếu bạn thực sự ưu tiên khả năng chống ồn, hãy cân nhắc headphone.

Về kết nối, Bluetooth 5.4 trở lên là phổ biến, với phạm vi kết nối ổn định và tiết kiệm pin hơn. Các mẫu cao cấp thường trang bị chip Bluetooth tiên tiến từ Qualcomm hoặc Apple H1, hỗ trợ codec như aptX hoặc LDAC, giảm độ trễ và cải thiện chất lượng âm thanh.

Thạch Anh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/kinh-nghiem-chon-mua-tai-nghe-true-wireless-can-biet-ar910047.html