Kinh nghiệm của các địa phương trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài nhằm thực hiện mục tiêu 'dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh', các địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tích cực triển khai thực hiện chương trình xây dựng xã NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Trong đó, để xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, qua quá trình triển khai thực hiện, các địa phương đã rút ra được các kinh nghiệm hữu ích và dựa trên cơ sở đó tiếp tục xây dựng xã NTM kiểu mẫu.

Để xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân. Ảnh: THÚY LIỄU

Để xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân. Ảnh: THÚY LIỄU

Tính đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 75 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và có 5 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Đồng chí Phan Văn Nhã - Chủ tịch UBND xã Long Đức (huyện Long Phú) cho biết, hơn 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng xã NTM nâng cao, đã mở ra hướng đi đột phá một cách toàn diện trên các lĩnh vực trên địa bàn xã, đặc biệt là đưa nông nghiệp từ lao động thủ công sang cơ giới hóa trên 90%. Hệ thống cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư tạo điều kiện đi lại dễ dàng cho nhân dân và vận chuyển hàng hóa, góp phần nâng thu nhập từ 70 triệu đồng lên 120 triệu đồng/ha đất nông nghiệp. Có gần 100% hộ có điện sử dụng, phương tiện nghe nhìn đạt 100%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định.

Cũng theo đồng chí Phan Văn Nhã, để đạt được thành quả trong xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kinh nghiệm của địa phương là phải luôn nêu cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức quần chúng trong chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là cấp cơ sở. Thường xuyên kiểm tra, uốn nắn những lệch lạc, giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, lấy sức dân lo cuộc sống cho dân, Nhà nước điều hành hỗ trợ những việc mà dân không làm được. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống đường giao thông, thủy lợi và điện nông thôn. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất.

Còn xã An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung), sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2019, xã đã bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện duy trì và nâng chất các tiêu chí theo quy định, để hoàn thành đúng kế hoạch của tỉnh là xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2024. Theo đó, xã đã tranh thủ mọi nguồn lực từ cấp trên để triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, cơ cấu kinh tế và các hình thức sản xuất hợp lý, phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương. Nhờ đó, đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân đạt bình quân gần 73 triệu đồng/người/năm và xã không còn hộ nghèo.

“Để hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao, cần làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM. Đa dạng hóa việc huy động nguồn lực theo phương châm “huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của người dân là quan trọng, sự hỗ trợ ngân sách nhà nước là cần thiết”. Tập trung chỉ đạo liên tục, đồng bộ và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao…”, đồng chí Trần Thanh Tiền - Chủ tịch UBND xã An Thạnh Đông chia sẻ thêm.

Đồng chí Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, lâu dài và là quá trình thường xuyên và liên tục, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững. Để giữ vững các tiêu chí NTM nâng cao đã đạt được, phấn đấu đạt những thành quả cao hơn, đồng chí Vương Quốc Nam đề nghị, các xã đạt chuẩn NTM nâng cao tiếp tục tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân nhận thức sâu sắc hơn về tầm chiến lược, quan trọng trong xây dựng NTM. Chú trọng đến các vấn đề về bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn “sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Tăng cường huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu trong xây dựng NTM.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xay-dung-nong-thon-moi/202504/kinh-nghiem-cua-cac-dia-phuong-trong-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-4755c2b/