Kinh nghiệm dạy con 'đặc biệt' của một nhà quản lý giáo dục

Gần 3 tuổi, con mới bập bẹ nói được những từ đầu tiên. Chị Liên quyết định đồng hành, dạy con học tiếng Anh dù bị rất nhiều người ngăn cản. Chị hiểu rằng, ngoài cha mẹ, không ai có thể giúp được con.

Chị Nguyễn Thị Hồng Liên, thạc sĩ Quản lý giáo dục, là mẹ của một cậu con trai đặc biệt.

Khi sinh ra, con chị có biểu hiện tăng động, giảm chú ý. Đến khi hơn 2 tuổi, con vẫn chưa biết nói. Dù đau lòng nhưng chị Liên hiểu, không còn cách nào khác, mình phải đồng hành cùng con.

Ròng rã suốt 6 tháng đưa con đi học can thiệp, mời giáo viên về nhà dạy kèm, đến năm 3 tuổi, con cũng bắt đầu bập bẹ được những từ đầu tiên.

Dù tình trạng của con chưa nặng đến mức buộc mẹ phải nghỉ hoàn toàn ở nhà, nhưng chị Liên nhớ mãi giai đoạn ấy, cái gì con cũng cần phải được dạy.

Chị Nguyễn Thị Hồng Liên và con trai

Chị Nguyễn Thị Hồng Liên và con trai

Đến khi 4 tuổi, con đã bắt đầu ghép được câu, tuy nhiên, vẫn còn lộn xộn, chưa đúng trật tự.

“Mình nghĩ rằng, con cũng cần có một điểm mạnh nào đó để tự tin với các bạn. Trong khả năng của mình, mình nghĩ có thể giúp con làm được hai thứ, đó là học tiếng Anh và làm đồ khoa học.

Hai điều này vốn không cần phải thông minh mới làm được, và con cũng rất thích chơi những đồ khoa học do con tự làm. Mình tin hai thứ đó có thể giúp con hòa nhập tốt hơn”, chị Liên chia sẻ.

Khi quyết định dạy con học tiếng Anh, chị Liên cũng bị nhiều người phản đối: “Học tiếng Việt chưa xong thì tiếng Anh cái nỗi gì?”. Thậm chí, nhiều thầy cô giáo cũng khuyên chị nên cho con học tiếng Việt trước.

Nhưng khi ấy, linh cảm của người mẹ khiến chị luôn tin rằng, con mình có thể làm được.

“Mình chỉ nghĩ đơn giản, tiếng Anh vốn là một loại ngôn ngữ. Ai cũng nói được tiếng Anh nếu đặt họ vào đúng môi trường. Ít nhất, nếu tạo ra môi trường, con mình cũng có thể nghe nói được”, chị Liên tin tưởng.

Chị Liên tạo môi trường học cho con bằng cách, đưa con đi và trải nghiệm nhiều nơi.

Chị Liên tạo môi trường học cho con bằng cách, đưa con đi và trải nghiệm nhiều nơi.

Nghĩ vậy, chị bắt đầu tạo ra môi trường cho con bằng cách cùng con giao tiếp thay vì “tắm tiếng Anh” qua các phần mềm học hay TV.

Mỗi ngày, chị luôn duy trì việc dành ra 45 phút buổi tối để đồng hành cùng con đọc, học từ vựng qua flash card, hát theo đĩa hay cùng con chơi game,…

Ngoài ra, mỗi mùa hè, chị thường mời giáo viên bản ngữ tới cùng con học các môn khoa học - xã hội, chơi thể thao, dạy nấu ăn, hoặc đôi khi chỉ là để đưa con đi chơi và dạy kỹ năng sinh tồn.

Nhờ vậy, khả năng giao tiếp tiếng Anh của con cũng dần cải thiện.

“Cuối năm lớp 5, con đã thi được B1. Đến hiện tại, con đã đạt IELTS 6.5. Dù có thể những thành tích ấy không quá cao, nhưng với mình, sự cố gắng của con chính là điều khiến mình cảm thấy hạnh phúc nhất”, chị Liên vui mừng.

“Nếu chương trình học quá khó, con có thể dừng lại”

Tuy nhiên, vì con là một cậu bé đặc biệt, chị Liên cũng xác định, con có thể sẽ phải theo học hai năm lớp 1. Thậm chí, cũng từng có lúc chị nghĩ rằng, nếu chương trình học quá khó, con có thể dừng lại.

Xác định tâm lý như thế, nên hai mẹ con đi học khá nhẹ nhàng.

Nhưng theo chị, vai trò của người mẹ lúc này sẽ trở nên quan trọng hơn.

“Mình xác định không ai có đủ kiên nhẫn với con ngoài cha mẹ cả. Vì vậy, buổi tối, mình thường cùng con học lại kiến thức của các môn trên lớp. Mỗi buổi cuối tuần, mình lại dạy thêm một số kỹ năng sống cho con”, chị Liên xác định.

Chị cũng cho con thử học theo chương trình Mỹ và nhận ra, chương trình này có nhiều nội dung học thực tế, từ ngữ dễ hiểu và khiến con cảm thấy thích thú.

Chị Liên thử cho con đi học theo diện trao đổi học sinh quốc tế.

Chị Liên thử cho con đi học theo diện trao đổi học sinh quốc tế.

Vì thế, ngoài chương trình học trên lớp, chị quyết định cho con học thêm chương trình Mỹ vào buổi tối và trong những ngày cuối tuần.

“Quan điểm của mình, con cứ túc tắc học, lấy được bằng thì tốt, mà không lấy được cũng không sao. Nếu thấy mệt quá, con có thể tạm nghỉ. Tuy nhiên, mình khá bất ngờ khi con tỏ ra thích thú mỗi khi học và được sử dụng tiếng Anh”, chị Liên nêu quan điểm.

Đến năm lớp 7, chị Liên thử cho con đi học ở Úc và Mỹ theo diện trao đổi học sinh quốc tế. Chị bất ngờ khi nhận thấy con có thể hòa nhập rất tốt với các bạn học sinh quốc tế khác. Thậm chí, trong suốt một tháng đó, con không gặp phải bất kỳ khó khăn gì về mặt kiến thức hay kỹ năng.

Bên cạnh việc học, con cũng cùng các thành viên khác làm việc nhà.

Bên cạnh việc học, con cũng cùng các thành viên khác làm việc nhà.

Chị Liên cho biết, đồng hành cùng con đến nay, khi con đã học lớp 8, đã có lúc chị cảm thấy mông lung và kiệt sức.

“Với người bình thường học đã mệt, một cậu bé như con, việc học lại càng mệt hơn. Nhiều hôm con khóc, nước mắt đầm đìa, có hôm lại cáu bẳn. Mình chỉ biết động viên con rằng không có thành công nào đi kèm với sự nhàn hạ cả, rồi vẫn phải tiếp tục kiên trì đồng hành và hỗ trợ con.

Nhưng giờ đây, nhìn thấy con có thể tự tin đứng trước đám đông dẫn chương trình, việc học hành cũng dần tiến bộ hơn, mình cũng cảm thấy những hi sinh là xứng đáng. Và điều đó cũng giúp mình thêm tin, bản thân vẫn đang đi đúng hướng”, chị Liên nói.

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/day-con-trai-tang-dong-noi-tieng-anh-hoc-kieu-my-2098141.html