Kinh nghiệm 'giải quyết' khoản tiền lì xì của con
Tết năm ngoái, Nhi 'dụ' con bỏ tiền lì xì vào lợn đất; sau đó, suốt ngày đau đầu vì bị con giục đập lợn mua gọt bút chì, sữa chua hay đùi gà… Số tiền không nhiều nên hai mẹ con tiêu một loáng đã cạn.
Lúc Nhi thông báo hết tiền thì con gái gào khóc ầm ĩ, bắt đền mẹ "ăn gian". Rút kinh nghiệm, năm nay, Nhi thỏa thuận rõ ràng mục đích dùng tiền lì xì cùng con. Nhi bảo với bé Piu (con gái 3 tuổi của mình): “Tiền lì xì là quà ông bà, cô chú chúc con khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Đó là số tiền của con, mẹ sẽ cầm giúp. Mẹ sẽ ghi lại tổng số tiền rồi để vào ngăn trong balô của con. Nếu con mua một quyển sách vẽ hay một chiếc gọt bút chì, mẹ sẽ trừ dần đi”.
Nhi cho biết, như vậy sẽ tránh được đòi hỏi khi con yêu cầu món đồ không cần thiết. Đồng thời, cô cũng tranh thủ dạy con cách tính toán, chi tiêu hợp lý.
Năm ngoái, cũng vì muốn quản lý tiền của con, Nhi luôn phải dặn dò bé Piu, nếu được phong bao đỏ thì phải nói cám ơn và đưa ngay cho mẹ. Nhưng cũng có khi, cô phát ngượng vì trước mặt khách, bé Piu vừa đưa bao tiền cho mẹ, vừa hớn hở khoe to: “Mẹ ơi, lại thêm một bao nữa này”. Một lần, bé Piu được người họ hàng đưa trực tiếp tờ 20 nghìn, bé đưa hai tay xin nhưng không quên thắc mắc: “Sao bà không có phong bao?” rồi bé chìa tiền cho mẹ, hỏi: “Không có phong bao cũng được hả mẹ?”.
Dịp Tết năm ngoái, bé Cò (6 tuổi, Sơn Tây, Hà Nội) nhất định không cho mẹ cất tiền lì xì của mình vào lợn đất. Bé Cò khẳng định với mẹ: “Con sẽ giữ chặt tiền trong túi”. Sau đó, Hiền (mẹ bé Cò) tá hỏa vì phát hiện ra con trai đem siêu nhân cũ, kèm theo hai tờ 10 nghìn để đổi lấy siêu nhân mới của anh họ. Bận bịu tiếp khách, Hiền chưa kịp phạt con thì một loáng sau, lại thấy con chưa cá ngựa ăn tiền cùng anh chị họ hàng của bé.
Những năm trước, nhận được bao lì xì nào, bé Cò nhanh miệng nói: “Con xin” và chạy tới đưa cho mẹ. Tuy nhiên, năm ngoái, do đã lớn hơn nên bé Cò nhất định đòi giữ tiền trong túi quần có khóa kéo đoàng hoàng. Hễ ai đụng đến là bé khăng khăng đòi giữ. Nhiều lúc, lừa con ngủ say, Hiền phải cầm bớt tiền lì xì (hoặc rút tờ 10-20 nghìn, thay vào tờ 2 nghìn) do sợ con làm rơi mất. Năm nay, cô định sẽ bỏ thêm tiền, mua bảo hiểm cho con. Được xem một tấm thẻ có tên mình thì cô biết, nhất định con sẽ thích.
Còn Phượng (Bình Dương) do Tết năm ngoái, con gái mới được 8 tháng tuổi nên tiền lì xì của con, cô dành mua sữa, quần áo và bỉm cho con. Số còn lại thì bỏ vào lợn đất. Do họ hàng, bạn bè của gia đình đều khá giả, nên tiền lì xì của bé nhà Phượng cũng được một khoản khá. Năm nay, cô vẫn chưa biết “xử lý” tiền của con thế nào cho có ý nghĩa vì lo sợ bỏ tiền vào lợn sẽ mất giá.
Mẹ bé Nhím (5 tuổi, TP HCM) nghĩ ra cách thiết thực khi sử dụng tiền mừng tuổi cho con vào năm ngoái. Qua vài ngày Tết, cầm trong tay món tiền lì xì không phải quá nhiều, cũng không quá ít của con, Nhàn (mẹ bé Nhím) quyết định đưa bé đi mua đồ. Món quà dành cho bố, mẹ rồi ông, bà từ chính tiền lì xì khiến bé Nhím thích thú. Sau đó, cô trích ra một ít và cùng con đến bệnh viện nhi làm từ thiện.
Giúp bé hiểu giá trị và biết sử dụng tiền lì xì
Trước tiên, cha mẹ cần dạy bé về phong tục và ý nghĩa của chuyện lì xì ngày Tết. Có thể kể với bé, đó là cách để ông bà, cô bác (người lớn) chúc mừng bé ngoan ngoãn, khỏe mạnh, học giỏi. Vì thế, cần dạy bé nhận tiền lì xì bằng hai tay, biết cảm ơn người tặng và không được bóc bao lì xì trước mặt khách.
Ngoài các bé thì ông bà (người lớn tuổi) cũng cần được nhận lì xì để chúc ông bà khỏe mạnh, sống lâu. Cha mẹ hãy tạo cho các bé thói quen lì xì lại cho ông bà và bố mẹ. Sau đó, hãy khẳng định với các bé, đó là số tiền lấy may nên cần tiêu vào những việc thật có ý nghĩa. Với mỗi đòi hỏi của con, cần xem xét thật thấu đáo, tránh phủ định: “Không mua cái đó”, hãy giải thích với bé đó là món đồ chơi ý nghĩa, cần chọn cái có ý nghĩa hơn. Tránh để các bé liên tục tra hỏi: “Tiền lì xì của con đâu?” hay “Mẹ mổ lợn mua đồ chơi cho con”.
Từ 4 tuổi trở lên, nhiều bé bắt đầu biết khẳng định quyền sở hữu của mình đối với những thứ bé cho là thuộc về bản thân (tiền lì xì). Vì vậy, cha mẹ cần thảo luận việc con có được tự ý giữ tiền lì xì hay không. Tuy nhiên, cha mẹ không nên áp đặt, “ăn quỵt”, coi rằng tiền của con là thuộc sở hữu của người lớn.
Tốt nhất, cần trao đổi để con tự nguyện “ủy quyền” cho mẹ giữ tiền lì xì. Khi đó, hãy giúp bé bỏ tiền vào lợn đất, đồng thời, ghi chép số tiền bé đã dùng để mua vật dụng rồi so sánh số tiền còn trong lợn. Như thế, bé sẽ có ý thức sử dụng quỹ tiết kiệm của mình một cách hợp lý và cảm thấy tin tưởng vào sự giúp đỡ của người lớn. Tuyệt đối tránh chiều con, cho con dùng tiền mừng tuổi bừa bãi.
Tùy vào số tiền mừng tuổi, cha mẹ có thể dùng vào mục đích nào. Có bậc phụ huynh sắm quần áo, đồ chơi hay sách vở cho bé. Có người thích bỏ vào lợn đất, sắp đến Tết năm tới thì đập lợn của năm cũ, cùng các bé sắm Tết. Cũng có cha mẹ dành tiền mua bảo hiểm cho con hoặc cùng con làm từ thiện…
Theo M&B