Kinh nghiệm giảm nghèo ở Hạ Giáp
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, cấp ủy, chính quyền xã Hạ Giáp (huyện Phù Ninh) đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, huy động mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, phát huy nội lực trong Nhân dân. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm vượt chỉ tiêu đề ra hàng năm, diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc.
Chị Vũ Thị Xuân - hộ cận nghèo tại khu 5 xã Hạ Giáp (huyện Phù Ninh) được hỗ trợ bò giống theo dự án hỗ trợ sinh kế (Dự án 2 - Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025).
Cách trung tâm huyện Phù Ninh khoảng 10km, xã Hạ Giáp hiện có 1199 hộ dân, 4850 nhân khẩu phân bố tại 9 khu hành chính. Là xã thuần nông, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, những năm qua, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác giảm nghèo bền vững, Hạ Giáp đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo tới bà con Nhân dân.
Từ nguồn lực mà Nhà nước hỗ trợ, nhiều nội dung, chương trình, dự án giảm nghèo đã được triển khai đồng bộ trên toàn địa bàn xã như: Truyền thông sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, chính sách giảm nghèo đến mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là người nghèo nhằm khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo; hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận các dự án sinh kế giảm nghèo; phối hợp với cơ sở dạy nghề mở các lớp đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp ngắn hạn cho người dân; đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP;...
Xã Hạ Giáp đầu tư trang thiết bị truyền thanh phục vụ công tác truyền thông về giảm nghèo trên địa bàn.
Chị Vũ Thị Xuân - khu 5 xã Hạ Giáp chia sẻ: “Là hộ cận nghèo, điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Năm 2023, được Hội Nông dân xã tuyên truyền, vận động tham gia dự án hỗ trợ sinh kế (Dự án 2 - Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025) dành cho hộ nghèo, cận nghèo; tôi đã mạnh dạn đăng ký với xã và được nhận hỗ trợ 1 con bò giống. Bên cạnh đó, tôi còn được tham gia hai lớp tập huấn vì kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản do xã tổ chức. Tôi rất phấn khởi. Từ sự hỗ trợ thiết thực của các chính sách giảm nghèo, tôi sẽ cố gắng chăm sóc bò phát triển tốt để tạo nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo”.
Để làm tốt công tác giảm nghèo, xã Hạ Giáp còn chú trọng sàng lọc, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân tích nguyên nhân dẫn đến nghèo để đưa ra những giải pháp cụ thể tới từng hộ. Trong đó, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất và đào tạo nghề cho lao động nông thôn là hai giải pháp quan trọng mà địa phương đang tập trung triển khai.
Hiện tổng dư nợ các tổ chức đoàn thể xã Hạ Giáp đã đứng ra nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện là trên 16,6 tỷ đồng cho hơn 400 lượt hộ dân vay (trong đó có 112 lượt hộ vay thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo với tổng dư nợ là trên 5 tỷ đồng). Trung bình mỗi năm, xã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức từ 2 - 3 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp và đào tạo nghề ngắn hạn với quy mô 30 - 35 học viên, tạo điều kiện cho người dân nâng cao kiến thức, kỹ năng để lựa chọn ngành nghề phù hợp, nâng cao thu nhập. Toàn xã hiện có 152 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hằng năm giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động địa phương.
Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn xã Hạ Giáp được nâng cấp, tạo điều kiện cho người dân giao thương hàng hóa.
Bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả và đồng bộ, đến nay, tổng diện tích gieo trồng toàn xã đạt 542,4 ha; sản lượng lương thực cây có hạt ước đạt 2.480 tấn; số lượng đàn gia súc, gia cầm duy trì ổn định hơn 68.000 con. Hoạt động thương mại, dịch vụ được tập trung mở rộng. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 52 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,17 %; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 2 %.
Đồng chí Nguyễn Khanh Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Giáp cho biết: Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và trách nhiệm của Nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo, để người dân thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình; phát huy truyền thống đoàn kết, khơi dậy ý chí tự lực tự cường chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Đồng thời xã sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai thêm các giải pháp giảm nghèo bền vững, sử dụng nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân, nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt là các mô hình chăn nuôi theo quy mô gia trại, đẩy mạnh sản xuất theo hướng liên kết gắn liền với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP; tập trung đồng bộ kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn;...tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-nghiem-giam-ngheo-o-ha-giap-225289.htm