Kinh nghiệm 'hồi sinh' những con sông 'sống mòn' ở châu Á
Với nhiều đô thị trên thế giới, những dòng sông đã trở thành linh hồn, là mạch nguồn sự sống nhưng quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa đã 'bức tử' những con sông tự nhiên này. Làm thế nào để 'phù phép' những dòng sông đã sống mòn được hồi sinh? Hãy xem những mô hình đã khá thành công ở các quốc gia cùng khu vực châu Á.
Nhật Bản cũng từng có những dòng sông ngập rác
Nếu nhìn lại những bức ảnh các dòng sông xen giữa khu vực đô thị ở Nhật Bản những năm 1960 - 1970, nhiều người không khỏi giật mình vì thời đó, rác thải cũng ngập đầy mặt sông, ngay cạnh là biển cấm đổ rác. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa khiến sông nước phải nhường cho đường giao thông. Sau nhiều năm, kênh rạch ngày càng ô nhiễm bởi nước thải và công nghiệp. Bệnh Minamata (do ăn phải thức ăn nhiễm thủy ngân nặng) và các bệnh khác do nước bị ô nhiễm là vấn đề khiến dư luận đặc biệt quan tâm trong giai đoạn này.
Để có được môi trường sạch hàng đầu thế giới như ngày hôm nay, Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp tổng thể, từ hệ thống pháp luật đến xây dựng hệ thống quản lý, điều phối rác thải, xử lý nước thải tiên tiến. Hệ thống nhà vệ sinh hiện đại nhất thế giới, khiến sông ngòi đỡ ô nhiễm nặng hơn. Năm 1993, Luật Môi trường đã được thông qua để bảo vệ các đầu nguồn của các dòng sông, trong đó siết chặt quy định buộc ngành công nghiệp phải xử lý và lọc nước thải đồng thời phạt nặng hành vi vi phạm. Điều này cũng thúc đẩy sự phát triển của công nghệ xử lý nước. Trong khi đó, các hộ gia đình và các nhà máy đều nhận thức được rằng, kiểm soát ô nhiễm tại các nguồn là cách tốt nhất để làm sạch nước.
Có thể lấy ví dụ, sông Yamato, ở Keihanshin, vùng Kansai từng là một trong những dòng sông bẩn nhất Nhật Bản những năm 1970. Sự tăng trưởng kinh tế cao, đô thị hóa nhanh khiến sông Yamato trở thành nơi hứng nước thải của các hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi và nhà máy mà không qua xử lý. Nhưng sau một loạt biện pháp cùng chính sách phục hồi khẩn cấp như kết hợp kiểm soát nguồn nước thải sinh hoạt của người dân với những nỗ lực của chính quyền trong bảo vệ môi trường nước, môi trường cảnh quan hai bên bờ, chất lượng nước đã được cải thiện, nhiều loài động vật và thực vật có thể sống và phát triển.
Năm 2010 và 2011, sông Yamato được xếp hạng đầu tiên ở Nhật Bản là “dòng sông có chất lượng nước được cải thiện đáng kể trong 10 năm qua”. Năm 2015, chất lượng nước của sông Yamato được ghi nhận có chỉ số đẹp nhất trong lịch sử, và thấp hơn khoảng 9 lần so với năm 1970, khi chất lượng nước suy giảm ở mức đỉnh điểm.
Câu chuyện hồi sinh “sông chết” ở Singapore
Nguồn nước tự nhiên ở Singapore cũng từng bị ô nhiễm với hàng nghìn xưởng sản xuất, chăn nuôi, buôn bán hai bên sông. Thế nhưng, nhờ những chính sách kế hoạch và việc làm thiết thực của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, con sông Singapore ngày nay đã trở thành môi trường sống tuyệt vời của nhiều loài cá, đồng thời, cung cấp không gian thoáng mát, văn minh cho người dân thành phố.
Kế hoạch tham vọng nhất của ông Lý Quang Diệu những năm cuối của thập niên 1970 là làm sạch sông Singapore và Kallang Basin. Công trình này có quy mô rất lớn, khi phải đặt các ống cống ngầm cho toàn bộ hòn đảo, trong khi trung tâm thành phố đã được xây dựng sẵn. Chính quyền Singapore đã chuyển khoảng 3.000 xưởng sản xuất thủ công, bố trí tái định cư với quy định về xả thải chặt chẽ. 5.000 người bán thức ăn đường phố cũng phải chuyển đến những trung tâm định sẵn, họ phải trả tiền thuê, tiền nước, tiền điện và Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ.
Dần dần, Singapore cũng hủy bỏ việc nuôi hơn 900.000 con lợn trong 8.000 nông trại vì ô nhiễm môi trường. Họ chỉ để lại 14 ao cá trong các công viên nghiên cứu kỹ thuật công nghiệp và một vài ao cá dành cho việc câu cá giải trí. Còn lại, cá được nuôi ở ngoài khơi ở eo biển Johor hay gần các hòn đảo ở phía Nam.
“Vào tháng 11-1987, tôi cảm nhận được một điều toại nguyện lớn lao là khai thông sông Singapore và Kallang Basin sạch, sau đó là các ống cống mở của Singapore. Tại buổi kỷ niệm Clean River (Sông Sạch), tôi trao tặng những người có trách nhiệm những huy chương vàng để ghi nhớ sự đóng góp của họ”, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu từng viết trong cuốn sách của mình.
Từ đó, ven sông Singapore đã trở thành điểm thu hút du lịch, ẩm thực với du khách. Các dòng sông trong sạch đã tạo nên một chất lượng cuộc sống khác. Giá trị và việc sử dụng đất tăng lên đáng kể, đặc biệt là trong thành phố và những nơi tiếp giáp với dòng sông và kênh rạch. Người dân có thể đi câu cá, tắm nắng và lướt ván bên bờ sông. “Thật là một giấc mơ khi thả bộ dọc theo hai bên bờ của sông Singapore. Những khu nhà cao tầng ven bờ biển đã thay thế những xưởng đóng tàu nhỏ xấu xí. Các cửa hàng và các kho hàng đã được phục hồi và trở thành những quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng, khách sạn, và mọi người tổ chức các bữa tiệc ngoài trời bên bờ sông hoặc trong những chiếc thuyền rồng Trung Quốc đậu dọc theo bờ sông”, ông Lý Quang Diệu tự hào kể lại.
Hình mẫu về cải tạo dòng sông tự nhiên ở Seoul
Đến Thủ đô Seoul của Hàn Quốc, du khách thường không quên ghé thăm dòng suối Cheonggyecheon dài 5,8km trong lành tuyệt đẹp chảy qua khu đô thị trung tâm sầm uất với hàng loạt công trình kiến trúc quy mô và hiện đại. Tưởng đã rơi vào quên lãng vì đã bị chôn lấp dưới bê tông gần 50 năm, nhưng ngày 1-10-2005, Cheonggyecheon đã trở lại đầy sức sống.
Sau cuộc chiến giữa thế kỷ 20, Cheonggyecheon trở thành nạn nhân của các khu ổ chuột hai bên bờ, dòng nước đen ngòm và sặc mùi xú uế. Năm 1958, nó đã bị san lấp hoàn toàn do chính sách công nghiệp hóa và biến thành một trong những trục đường lớn của Thủ đô. Tháng 7-2003, ông Lee Myung-bak, đương kim Tổng thống Hàn Quốc, khi ấy là Thị trưởng Seoul, khởi xướng đề án phục hồi dòng suối Cheonggyecheon trong một dự án khôi phục và chỉnh trang bộ mặt đô thị lớn nhất lịch sử Hàn Quốc cho thành phố 600 năm tuổi này. Đây là một đề án đầy tham vọng vì không chỉ phải gỡ bỏ con đường cao tốc trên cao mà còn phải tái sinh một thủy lộ vốn đã bị san lấp từ lâu.
Mặc dù gặp phải nhiều sự chống đối và chỉ trích, cuối cùng đề án cũng hoàn thành sau 3 năm thi công. Khi nước được bơm vào và được thử nghiệm vào tháng 7-2005, người ta nhận thấy gió trong khu vực thổi nhanh gấp hai lần, nồng độ bụi lẫn CO2 đều giảm rõ rệt... Con sông xanh thay thế cho con đường cao tốc bê tông hóa đã trở thành chiếc máy điều hòa khổng lồ giúp nhiệt độ vào mùa hè ở khu vực này giảm khoảng 2 độ C so với trước đây.
Một số học giả của nước này nhận xét, Cheonggyecheon của thế kỷ 20 là không gian của những giấc mơ hiện đại hóa. Bởi vì, dù chảy trên bề mặt, hay len lỏi sâu dưới lòng đất, dòng suối vẫn dâng tặng con người những giấc mơ của một nguồn sống vô tận. Ngày nay, Cheonggyecheon còn là một không gian văn hóa, là nơi diễn ra nhiều chương trình biểu diễn đường phố, thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm và là niềm tự hào của Hàn Quốc về việc cải tạo và ứng xử với các dòng sông tự nhiên.
Trong một đề án có tên Seoul River Masterplan công bố hồi tháng 1-2009, đến năm 2020, tất cả các dòng sông của thành phố Seoul sẽ được thay đổi theo mô hình giống với Cheonggyecheon. Đây là kế hoạch phát triển tổng hợp bao gồm: trị thủy, dẫn nước, thấm nước, sinh thái, cảnh quan, văn hóa, kinh tế, được thực hiện trên 59 dòng sông tự nhiên của thành phố đã chịu tác động lớn của quá trình phát triển đô thị.