Kinh nghiệm lái xe côn tay trên đường đèo dốc

Khi di chuyển trên đường đèo dốc, người điều khiển xe côn tay cần phải phối hợp nhịp nhàng giữa tay côn, tay phanh và chân phanh để đảm bảo an toàn.

Cách lái xe côn tay lên dốc

Khác với các dòng xe số hay xe tay ga phổ thông, xe côn tay đòi hỏi người lái phối hợp nhiều động tác điều khiển hơn. Với một lái mới, chắc chắn không thể tránh khỏi cảm giác lo ngại khi điều khiển chiếc xe của mình vượt qua một con dốc.

Khi người lái không xử lý tốt tình huống rất có thể xảy ra trường hợp như chết máy hoặc xe bị trôi dốc. Nếu trường hợp xảy ra tại những cung đường dốc dài và cao, nguy cơ xảy ra tai nạn sẽ rất lớn và hậu quả kéo theo vô cùng nghiêm trọng.

Điều đầu tiên tài xế cần quan tâm tới tốc độ và số được cài khi thực hiện quá trình lên dốc. Trong trường hợp khi xe chở hai người và có đà lên dốc, tài xế cần giảm tốc độ và chuyển số về số thấp.

Lên dốc càng cao thì về số càng thấp nhưng động tác chuyển số cần được thực hiện dứt khoát, tay côn bóp sâu chân số cài chính xác, sau quá trình sang số hoàn tất mới nhả côn từ từ để xe có đà lên dốc. Đặc biệt tránh trường hợp vào số không hoàn toàn dẫn tới tình trạng hóc số, cháy côn.

Việc điều khiển xe côn tay lên dốc cần chú ý tới tốc độ và số được cài.

Việc điều khiển xe côn tay lên dốc cần chú ý tới tốc độ và số được cài.

Đối với trường hợp xe không lấy đà được và bị dừng ở chân dốc, lúc này tài xế cần cài số 1 và sau khi khởi động nhả côn từ từ, khi xe bắt đầu vào dốc cần ga mạnh để vượt dốc. Khi đã vượt qua dốc rồi thì cần nhả ga ngay.

Nếu không may xảy ra trường hợp chết máy giữa dốc, ngay lập tức tài xế phải bóp phanh tay và chống hai chân, giữ vững thăng bằng tránh để xe trôi dốc. Sau khi giữ được thăng bằng, người lái khởi động lại xe, bóp côn và vào số 1.

Lúc này chuyển chân phải lên đạp phanh chân, tay phanh nhả từ từ, đồng thời nhả nhẹ tay côn. Khi thấy xe có hiện tượng rung, người lái tiếp tục nhả từ từ phanh chân. Sau khi thấy côn xe đã bám, xe di chuyển từ từ người lái có thể vặn nhẹ tay ga để tăng lực kéo cho xe tránh chết máy.

Chạy xe côn tay xuống dốc cần chú gì điều gì?

Thực hiện thao tác rà côn khi xuống dốc không giúp giảm vận tốc của xe mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới độ bền của bộ côn, dễ dẫn tới tình trạng cháy côn mất độ bám giữa các lá côn.

Bên cạnh đó, khi đổ dốc thì cũng tuyệt đối không nên âm côn (bóp côn để xe trôi tự do), như vậy sẽ khiến chiếc xe trôi theo quán tính vì không có lực máy ghì lại. Vận tốc cao cùng độ dốc lớn sẽ khiến tài xế khó kiểm soát chiếc xe, dễ dẫn tới tai nạn.

Tuyệt đối không được rà côn, âm côn khi điều khiển xe côn tay xuống dốc.

Tuyệt đối không được rà côn, âm côn khi điều khiển xe côn tay xuống dốc.

Theo kinh nghiệm, lúc lên dốc đi số nào thì nên giữ nguyên số đó khi xuống dốc. Trường hợp đang xuống dốc mà bất ngờ gặp chướng ngại vật thì đừng nên vội bóp phanh quá gắt hoặc đạp phanh quá mạnh.

Lúc này cần bình tĩnh bóp côn và tăng ga, hạ về một số để lực máy hãm lại tốc độ của chiếc xe để dễ dàng xử lý hơn. Việc tăng ga nhằm đẩy cao vòng tua của máy giúp xe dễ vào số hơn. Nếu như phanh quá gấp thì sẽ rất dễ gặp tình trạng khóa bánh, tác nhân chính gây ra những vụ "xòe xe".

Việc thực hiện đúng kỹ thuật sẽ giúp tài xế dễ dàng điều khiển xe côn tay trên mọi cung đường, cũng như giúp chiếc xe tăng tuổi thọ trách các hư hỏng ngoài ý muốn.

Nguyễn Mạnh Hưng

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/kinh-nghiem-lai-xe-con-tay-tren-duong-deo-doc-1922403151433372.htm