Kinh nghiệm lái xe ô tô đường đèo an toàn

Đường đèo với những khúc cua gấp và khuất tầm nhìn luôn là thử thách đối với tài xế. Vì vậy, khi lái xe ô tô trên đường đèo, bạn cần nắm vững kỹ thuật lái xe, tập trung quan sát và bình tĩnh xử lý khi các tình huống bất ngờ xảy ra.

1. Kiểm tra tình trạng nhiên liệu và hệ thống an toàn của xe

Đường đèo dốc thường có ít trạm nhiên liệu, vì vậy bạn cần kiểm tra tình trạng nhiên liệu trước khi khởi hành. Ngoài ra, người lái cũng cần đảm bảo hệ thống an toàn của xe gồm phanh, lốp, hệ thống dẫn động, đèn hoạt động ổn định. Đặc biệt, việc kiểm tra nhiên liệu cũng rất quan trọng. Lượng nhớt đang sử dụng cần nằm trong thời gian và số km nhà sản xuất khuyến cáo để động cơ hoạt động trơn tru. Khi nhận thấy hệ thống có vấn đề, chủ xe cần ngay lập tức đến các trung tâm bảo dưỡng để kiểm tra, bảo dưỡng kịp thời.

2. Đảm bảo nguyên tắc lên dốc - xuống dốc

Trước khi lên dốc động cơ cần được làm mát, lái xe nên dừng xe ở vị trí an toàn để động cơ xả nhiệt. Tiếp đó, cho xe chạy không tải, động cơ vẫn nổ máy trong khoảng thời gian ngắn. Tuyệt đối không được mở nắp két nước khi chạy không tải, tốt nhất nên bật chế độ sưởi trong xe.

Lái xe cố gắng duy trì vận tốc xe phù hợp khi leo đèo. Cũng đừng quên tập trung quan sát các biển báo, vạch kẻ đường, gương cầu và bấm còi tại những khúc cua để chủ động xử lý trong mọi tình huống.

Theo kinh nghiệm của những lái xe có thâm niên vượt đèo, lên dốc số nào xuống dốc số đó là nguyên tắc cơ bản cần nắm rõ và chỉ dùng phanh khi thực sự cần thiết. Tuyệt đối tránh việc rà phanh liên tục khiến hệ thống phanh bị nóng, mất tác dụng thậm chí là bó phanh, mất phanh.

3. Tuân thủ đúng luật giao thông và các biển báo

Vì lý do an toàn, các đoạn đèo dốc luôn có một hệ thống biển báo, gương lồi san sát nhau. Đi đúng tốc độ cho phép, tuân thủ các biển báo, xem xét đánh giá tầm nhìn, khoảng trống, tốc độ khi muốn vượt xe trước. Xi nhan để xin vượt xe. Lúc lái xe nên giữ cho tâm lý ổn định vì những cảm xúc nhất thời có thể ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng phán đoán, khả năng xử lý của người lái xe.

4. Không ôm vạch chia đường

Hầu hết đường đèo núi hẹp hơn đường quốc lộ ở đồng bằng. Một số lái xe có xu hướng bám vạch chia giữa đường để chạy, nhưng kỹ thuật này sẽ không an toàn nếu đường có nhiều xe di chuyển, gây khó chịu cho xe khác, trường hợp xấu dẫn đến tai nạn mà không kịp xử lý, đặc biệt với xe ngược chiều khi vào cua.

5. Ưu tiên nhường đường cho xe khác

Đường đèo thường nhỏ, hẹp nên nhường đường cho xe khác là sự lựa chọn thông minh để tránh ách tắc giao thông và những va chạm đáng tiếc.

Hơn nữa, độ dốc của đường đèo khiến sức mạnh động cơ bị hạn chế xe cần nhiều thời gian hơn để vượt so với đường bằng. Vì vậy, lái xe chỉ vượt xe khác trong điều kiện an toàn và xác định khoảng thời gian đủ để xe trở lại đúng làn sau khi vượt.

6. Đảm bảo vận tốc xe chậm, nhất là với xe tải trọng lớn

Những lái xe lần đầu vượt đèo thường không nắm được vị trí các khúc cua, đoạn đường khuất tầm nhìn... Vì vậy, duy trì xe ở tốc độ ổn định giúp người lái có thể bình tĩnh xử lý tình huống bất ngờ.

Xe tải trọng nặng sẽ có trọng tâm cao, khó khăn hơn khi di chuyển trên đoạn đường hẹp và dễ lật khi vào cua. Lái xe cần duy trì vận tốc chậm, ổn định để đảm bảo an toàn trong hành trình lái xe đường đèo.

7. Kỹ thuật di chuyển trên đoạn đường đèo dốc không rải nhựa

Các đoạn đường đèo dốc không rải nhựa luôn là “ác mộng” đối với lái xe, kể cả những tay lái kỳ cựu. Để vượt chướng ngại vật này, lái xe cần lưu ý:

- Chủ động cập nhật thời tiết để có phương án xử lý phù hợp. Nếu trời mưa, mặt đường trơn trượt, bạn nên dừng xe tại một địa điểm an toàn. Nếu dự báo xuất hiện sạt lở, lũ quét, lũ ống bạn nên hủy hành trình để đảm bảo an toàn.

- Cần bo cua rộng hơn khi di chuyển trên đường nhựa do bánh xe lúc này có độ bám đường không tốt.

- Luôn giữ liên lạc và bật định vị vị trí để phát tín hiệu khi cần hỗ trợ.

8. Nghỉ giữa chặng thường xuyên

Đi đường đèo núi cần tập trung cao độ và thân xe chuyển hướng nhiều nên dễ dẫn tới căng thẳng, mệt mỏi. Người lái và hành khách trên xe nên thường xuyên dừng lại nghỉ ngơi để giữ tỉnh táo để tiếp tục chặng đường.

Bảo Khánh (t/h)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kinh-nghiem-lai-xe-o-to-duong-deo-an-toan-post258036.html