Kinh nghiệm nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ thôn, buôn ở Đắc Lắc

Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, trước hết phải có tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) vững mạnh; cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) gương mẫu, tích cực, tâm huyết với công việc. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Tỉnh ủy Đắc Lắc đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả nâng cao năng lực lãnh đạo của các TCCSĐ, nhất là chi bộ thôn, buôn.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của chi bộ, hạt nhân chính trị ở cơ sở, nhất là khắc phục tình trạng “im lặng”, “mũ ni che tai” của đảng viên trong sinh hoạt chi bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắc Lắc đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt, qua đó phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của chi bộ. Sau khi có Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30-3-2007 của Ban Bí thư về "nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ", Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 32-KH/TU về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong các loại hình TCCSĐ. Căn cứ Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về “Một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, Ban tổ chức Tỉnh ủy Đắc Lắc đã cụ thể hóa bằng Hướng dẫn số 01-HD/BTCTU, về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong các loại hình TCCSĐ; gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; chỉ đạo các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc hằng năm xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho các bí thư chi bộ, chi ủy viên nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành đối với hoạt động của chi bộ, đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác sinh hoạt chi bộ; chỉ đạo tăng cường việc đi cơ sở của cấp ủy cấp trên để nắm tình hình, từ đó tham mưu cho ban thường vụ cấp ủy chỉ đạo sát đúng với thực tiễn.

 Cán bộ, đảng viên xã Cuôr Dăng, huyện Cư M’Gar trao đổi về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Cán bộ, đảng viên xã Cuôr Dăng, huyện Cư M’Gar trao đổi về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Đối với các địa bàn nơi biên giới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 741-QĐ/TU về quy định nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tạm thời tại chi bộ thôn, buôn các xã biên giới, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và sinh hoạt chi bộ. Các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc cũng ban hành nghị quyết và các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nhờ vậy, hầu hết các chi bộ thôn, buôn đã có nhiều chuyển biến tích cực trong sinh hoạt, nội dung sinh hoạt chi bộ đa dạng, dân chủ được phát huy, đề cao tính tiền phong, gương mẫu của CB, ĐV. Ví như, trước năm 2001 buôn Kom Leo, xã Hòa Thắng (TP Buôn Ma Thuột) chưa có TCCSĐ. Đây cũng là điểm nóng về tình hình an ninh trật tự của xã, có nhiều người tham gia biểu tình, gây rối. Trước thực tế đó, cuối năm 2001, Chi bộ buôn Kom Leo được thành lập với 5 đảng viên, đều được điều chuyển từ nơi khác về. Để chi bộ hoạt động hiệu quả, Đảng ủy xã, Thành ủy và Tỉnh ủy tổ chức các đoàn về tham dự, hướng dẫn chi bộ nâng cao chất lượng sinh hoạt. Theo đó, trong mỗi buổi sinh hoạt, chi bộ đều chia nội dung thành hai phần: Phần đầu là sinh hoạt chung, chi bộ mời ban tự quản thôn tham dự để tiếp thu ý kiến đóng góp, kịp thời giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của bà con; phần hai là sinh hoạt chuyên môn của chi bộ. Đồng chí Quách Bình, Bí thư Chi bộ buôn Kom Leo chia sẻ: “Sau những buổi sinh hoạt như vậy, chúng tôi có thêm nhiều kinh nghiệm. Với sự tham gia góp ý của các đồng chí cơ quan chức năng cấp trên, chúng tôi thấy rõ những gì mình chưa làm được, làm chưa đúng để rút kinh nghiệm”. Kết quả, từ “điểm nóng” về an ninh trật tự, đến nay, Kom Leo có sự thay đổi rõ rệt. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư cơ bản; đời sống của người dân được nâng lên, nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Thành quả này có sự chỉ đạo, điều hành sâu sát ngay từ cơ sở, trong đó phải kể đến việc phát huy vai trò nòng cốt của chi bộ.

Chi bộ thôn Cư H’lăm, Đảng ủy thị trấn Ea Pok (Cư M’gar) cũng có nhiều đổi mới trong sinh hoạt chi bộ. Cùng với việc phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ thì một yếu tố tạo nên thành công chính là nêu cao trách nhiệm của mỗi đảng viên, với yêu cầu “Nói thì phải làm, làm thì làm phải tốt". Nhờ sự đồng thuận của đảng viên và nhân dân mà nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế của thôn đạt và vượt kế hoạch, phong trào xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đồng chí Bùi Bạch Tâm, Bí thư Chi bộ thôn Cư H’Lăm cho biết: "Chi bộ phân công một đảng viên phụ trách từ 5 đến 7 hộ nên việc vận động tham gia các phong trào được người dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Cũng nhờ sự đầu tàu, gương mẫu của đảng viên trong làm đường nông thôn, đường hoa, xây dựng gia đình văn hóa… nên việc gì chi bộ đề xuất cũng nhận được sự đồng thuận của dân".

Với gần 220 đảng viên, sinh hoạt tại 22 chi bộ trực thuộc, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy xã Phú Lộc (Krông Năng) đã ban hành nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trong đó chú trọng đề ra một số giải pháp, như: Phân công đảng ủy viên phụ trách tham gia sinh hoạt cùng chi bộ để trực tiếp nắm bắt tình hình, giúp cơ sở tháo gỡ vướng mắc; gắn trách nhiệm của CB, ĐV với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn...

Việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắc Lắc ban hành và tích cực triển khai các kế hoạch, hướng dẫn đã thực sự tạo làn gió mới trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiệu quả lãnh đạo của nhiều chi bộ thôn, buôn được nâng lên rõ rệt; riêng 26 chi bộ yếu kém được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắc Lắc theo dõi, giúp đỡ, đến nay đã có 8 chi bộ chất lượng sinh hoạt bảo đảm yêu cầu; trong sinh hoạt đã phát huy được tính giáo dục, tính chiến đấu và tính lãnh đạo; 4 chi bộ tổ chức sinh hoạt đạt khá; tỷ lệ TCCSĐ đạt trong sạch, vững mạnh và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ năm sau cao hơn năm trước, nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/kinh-nghiem-nang-cao-nang-luc-lanh-dao-cua-chi-bo-thon-buon-o-dac-lac-608990