Kinh nghiệm phát triển cảng theo hướng thông minh và xanh hơn từ Phần Lan

Phần Lan là quốc gia hàng đầu về ngành hàng hải và kỹ thuật số, đổi mới sáng tạo. Cụm Công nghiệp Hàng hải Phần Lan được xếp hạng cao trong việc áp dụng các công nghệ số hóa, tự động hóa, tự chủ và công nghệ đám mây vào cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái cảng, cho phép quốc gia này khai thác các luồng giá trị mới dựa vào thông tin.

Phần Lan còn là quốc gia đi đầu toàn cầu về phát triển các giải pháp kỹ thuật số với khả năng cạnh tranh cao về trí tuệ nhân tạo, công nghệ cảm biến và công nghệ không dây. Phần Lan hiện đang áp dụng các công nghệ tiên tiến và tự động hóa để tối ưu hóa và nâng cao hiệu suất của các cảng. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số được xây dựng tốt giúp các cảng khai thác một cách tối ưu cơ sở hạ tầng, dự báo và chuẩn bị cho các nhu cầu đầu tư và bảo trì trong tương lai cũng như nâng cao hiệu quả trong hoạt động hàng ngày.

Hệ thống cảng ở Việt Nam

Hệ thống cảng ở Việt Nam

Nhận thấy lợi thế cạnh tranh của các cảng phát thải thấp hoặc phát thải bằng không, Phần Lan đang hợp tác với các đối tác quốc tế để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh của các cảng ở Phần Lan cũng như hỗ trợ phát triển cảng xanh và cảng thông minh tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Với mục tiêu đóng góp vào việc đẩy mạnh cảng xanh tại Việt Nam, Đại sứ quán Phần Lan phối hợp với Business Finland, cùng với sự hỗ trợ của Cục Hàng hải Việt Nam - Vinamarine tổ chức Hội thảo “Solutions for Transitioning Vietnam’s Ports to Smarter and Greener - Experiences from Finland” (Giải pháp chuyển đổi cảng của Việt Nam theo hướng thông minh và xanh hơn - Kinh nghiệm từ Phần Lan) vào chiều ngày 23/11/2023 tại TP Hồ Chí Minh. Sự kiện nhằm mục đích tìm hiểu các chiến lược về đổi mới sáng tạo và chia sẻ kinh nghiệm quý báu từ Phần Lan, tập trung vào việc nâng cấp cảng của Việt Nam.

Đại dịch COVID-19 vừa qua đã cho thế giới thấy rõ điểm yếu của chuỗi logistics và ngành cảng biển cần phải có sự chuyển đổi để giải quyết các thách thức mới và chuẩn bị sẵn sàng cho các xu hướng liên tục thay đổi trong nền kinh tế thế giới. Trong đó, các cảng biển đứng trước áp lực phải tập trung mạnh mẽ hơn vào tính bền vững và tuân thủ các quy định về môi trường. Với vai trò trung tâm trong lĩnh vực hàng hải, các cảng có vị trí chiến lược và nhiệm vụ quan trọng về phát triển xanh và phát triển bền vững và cũng đang nhận được nhiều sự chú ý trong các chương trình nghị sự toàn cầu.

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo.

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo.

Các hoạt động gần đây của Tổ chức Hàng hải Quốc tế IMO cho thấy trọng tâm về dịch chuyển đang tập trung vào hạn chế các loại khí thải, giảm tiêu thụ năng lượng và bảo vệ môi trường hàng hải, đồng nghĩa với việc hướng tới cảng thông minh hơn và xanh hơn. Trong đó, công nghệ, đổi mới sáng tạo và số hóa là những công cụ đặc biệt quan trọng.

Theo bà Trần Thị Tú Anh, Phó Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục Hàng hải Việt Nam (Vinamarine), Việt Nam hiện có 34 cảng biển, 296 cầu cảng, sức chứa khoảng 750 triệu tấn. Kế hoạch tổng thể lần thứ 3 về Quy hoạch Cảng biển tại Việt Nam chú trọng vào phát triển bền vững, cụ thể tập trung vào các cảng biển quan trọng, phát triển logistics, nâng cao hiệu quả quản lý phát triển cảng biển, phát triển cảng xanh và cảng thông minh.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Kế hoạch Phát triển Cảng biển Xanh. Trong đó, mục tiêu của giai đoạn 2020-2025 là xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn cơ bản về tiêu chí cảng xanh, giai đoạn 2025-2030 hướng tới xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiêu chí cảng xanh, từ năm 2030 bộ tiêu chí cảng xanh trở thành bắt buộc trong phát triển cảng biển. Vì lý do này, Việt Nam tích cực học tập các kinh nghiệm và công nghệ quốc tế về chuyển đổi cảng theo hướng thông minh và xanh hơn.

Các công ty Phần Lan đang cung cấp nhiều giải pháp thiết yếu để tạo ra các cảng hiệu quả hơn và xanh hơn, từ thiết kế cảng, vật liệu xanh đến cơ sở hạ tầng mạng tốc độ cao, kết nối và quản lý dữ liệu, nền tảng kỹ thuật số, phần mềm, ứng dụng, hệ thống tự động, phân luồng hàng hóa và hành khách với tính năng theo dõi tự động và chính xác, cơ sở hạ tầng về năng lượng, nhiên liệu xanh, bảo trì hàng hải và các giải pháp môi trường khác.

Nokia - doanh nghiệp lớn của Phần Lan ứng dụng công nghệ vào phát triển cảng.

Nokia - doanh nghiệp lớn của Phần Lan ứng dụng công nghệ vào phát triển cảng.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu được nghe chia sẻ từ năm công ty khác nhau đến từ Phần Lan là FinTraffic, Nokia, Kaira Clan, Wärtsilä Voyage và KoneCranes với các dự án và giải pháp ở quy mô khác nhau, áp dụng tại nhiều cảng trên toàn thế giới.

Ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP HCM kết luận: “Cảng biển thông minh hơn và xanh hơn không chỉ đơn thuần là một từ đao to búa lớn và không chỉ là một lựa chọn; đó là lời kêu gọi hành động đối với mỗi cảng biển trong thế giới ngày càng kết nối của chúng ta. Hội thảo này cũng sẽ là cột mốc thể hiện cam kết chung của Việt Nam và Phần Lan vì mục tiêu này”.

“Công nghệ, bí quyết và chuyên môn của Phần Lan đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi của các cảng lớn trên toàn thế giới theo hướng phát triển bền vững và tôi hi vọng cũng có thể góp phần chuyển đổi cảng của Việt Nam theo hướng thông minh hơn, xanh hơn và bền vững hơn, đóng góp vào các cam kết quốc gia về Phát thải ròng bằng không. Điều này đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh Phần Lan và Việt Nam kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 1973-2023”, theo ông Keijo Norvanto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam.

N. Hiển

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/kinh-nghiem-phat-trien-cang-theo-huong-thong-minh-va-xanh-hon-tu-phan-lan-700139.html