Kinh nghiệm phát triển giao thông ở Seoul

Xu hướng giao thông tương lai là nâng cao sự tiện lợi, tính bền vững bằng cách khai thác các công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật (IoT), tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi thành công, các cơ quan hoạch định quy hoạch phải xác định rõ tiềm năng to lớn của công nghệ và nhu cầu của người dân.

Dịch vụ cho thuê xe đạp ở Seoul

Dịch vụ cho thuê xe đạp ở Seoul

Lấy người dân làm trung tâm
Trong một cuộc phỏng vấn với báo giới năm 2019, ông Park Wonsoon - cố Thị trưởng Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) chia sẻ, từ đầu năm 2013, ông đã quyết tâm sẽ biến Seoul từ một thành phố tập trung vào ô tô trở thành một thành phố tập trung vào con người. Việc đầu tiên cần làm đó là cải thiện các khu vực gần gũi nhất với cuộc sống hàng ngày của người dân. Chính quyền TP. Seoul đề ra nhiệm vụ kép trong giai đoạn 2020 - 2030: thứ nhất, tạo ra một cộng đồng đi bộ và nâng cao mối quan tâm của người dân đối với không gian dành cho người đi bộ; thứ hai, giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, đặc biệt là bụi mịn, song song với bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của thành phố.Để Seoul trở thành một thành phố tôn trọng quyền đi bộ của mọi công dân, chính quyền thành phố đã tạo ra những khu vực dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp ở Sinchon, khu vực dành riêng cho giao thông công cộng ở phố Yonsei-ro, khu phố an toàn cho trẻ em A.Ma.Zone, đường mòn Seoul và nhiều đường mòn đi bộ nội đô khác...Ngoài ra, để hạn chế khí thải, bụi mịn, chính quyền TP. Seoul đã lên kế hoạch giảm dần các phương tiện cũ chạy dầu và thay thế bằng các phương tiện xanh như xe buýt hydro và xe điện. Điểm du lịch nổi tiếng Bức tường Pháo đài 700 năm tuổi được chọn làm khu xúc tiến giao thông xanh, ưu tiên các phương tiện giao thông bền vững như đi bộ, xe đạp hay xe điện và cấm các phương tiện phát thải cao như ô tô chạy dầu. Nhiều tuyến xe buýt điện và dịch vụ cho thuê xe đạp được triển khai nhằm khuyến khích các hình thức giao thông thân thiện với môi trường.Theo ông Park Wonsoon, "chìa khóa" trong việc quy hoạch giao thông đô thị tương lai của chính quyền Seoul là tôn trọng quyền công dân và tính bền vững. Người dân muốn có nhiều lựa chọn di chuyển cá nhân thuận tiện và an toàn bao gồm cả đi xe đạp và đi bộ. TP. Seoul luôn không ngừng tìm kiếm những giải pháp để đáp ứng quyền đó của người dân. Một trong số những giải pháp ấy là Dự án Thành phố thông minh đặc biệt thí điểm tại hai quận Seongdong và Yangcheon. Ở quận Seongdong, các lối sang đường được lắp cảm biến thông minh, khi phát hiện chuyển động sẽ nhấp nháy đèn dọc theo lối sang đường để giúp người đi bộ chú ý đến vạch an toàn và tín hiệu giao thông. Đồng thời, người lái xe có thể nhìn thấy lối đi nháy đèn từ xa báo hiệu có người đi bộ qua đường để chủ động giảm tốc độ sớm. Còn tại quận Yangcheon, nhiều dịch vụ ứng dụng IoT và trí tuệ nhân tạo đã được thí điểm để hỗ trợ người khuyết tật. Do đó, các chỉ số phụ như: số người tử vong do TNGT, số lượng xe đạp công cộng, các con phố không ô tô, các khu đỗ xe an toàn, mức độ hài lòng của người sử dụng phương tiện và chất lượng không khí... không ngừng được cải thiện.

Công nghệ là "chìa khóa"
Công nghệ đã được chính quyền TP. Seoul chú trọng từ năm 1960, do đó không có gì ngạc nhiên khi họ quyết tâm tạo ra các phương tiện giao thông thông minh. Hiện chính quyền Seoul đã triển khai lắp đặt 50.000 cảm biến IoT trên toàn thành phố. Các cảm biến này sẽ là cơ sở hình thành hệ thống đỗ xe có thể kiểm tra tình trạng trống của bãi đỗ theo thời gian thực. Công nghệ này cũng tăng tính kết nối giữa tài xế taxi và hành khách bằng cách dự đoán nhu cầu taxi theo thời gian thực. Seoul cũng đang xây dựng một trung tâm điều khiển tích hợp để xử lý các dịch vụ hành chính như: thu phí cầu đường, thanh toán và quản lý. Bằng cách khai thác hệ thống camera an ninh, Seoul sẽ tự động hóa các tác vụ đơn giản mà trước đây phải phụ thuộc vào mắt người, từ đó tăng tính hiệu quả dịch vụ.Xe hơi kết nối cũng là một công nghệ mà chính quyền Seoul tập trung phát triển. Seoul đang lên kế hoạch triển khai thử nghiệm một chương trình kết nối trên 1.600 xe buýt nội thành và phát triển một nền tảng tích hợp tất cả trong một đầu tiên trên thế giới để tạo ra một văn hóa giao thông an toàn hơn. Nền tảng này sẽ tích hợp tất cả các thiết bị riêng lẻ được lắp đặt trên xe buýt gồm: hệ thống quản lý vận hành thẻ giao thông điện tử, hồ sơ lịch sử lái xe, kết nối mạng 5G, kết nối phương tiện với mọi thứ (V2X) đi kèm với hệ thống hỗ trợ người lái xe tiên tiến. Nền tảng này cũng sẽ cung cấp dữ liệu về các sự cố bất ngờ trên đường bao gồm: người đi bộ bất cẩn, xe ô tô vượt không đúng quy cách và các tai nạn liên quan đến tín hiệu giao thông cũng như người đi bộ qua đường. Chính quyền TP. Seoul cũng đang rất chú trọng vào công nghệ xe tự hành. Đây sẽ là thay đổi lớn nhất trong cuộc sống đô thị tương lai.Đặc biệt, người dân cũng được khuyến khích tham gia vào việc quy hoạch giao thông đô thị thông qua các dự án “hợp tác công - tư cho thành phố thông minh”. Nhiều đối tượng khác nhau bao gồm công dân, doanh nghiệp và chuyên gia có thể “động não”, đề xuất các ý tưởng, giải pháp sáng tạo có tính thực tiễn nhằm nâng cấp hệ thống giao thông thành phố. Quy hoạch giao thông đô thị phải giải quyết được nhu cầu cuộc sống của người dân trong tương lai. Trong nhiều năm qua, chính quyền Thủ đô Seoul đã không ngừng đưa ra các sáng kiến và thử nghiệm cùng với chính những người dân của thành phố mình nhằm tìm kiếm những giải pháp mới, thúc đẩy hợp tác với không chỉ các quận khác mà với tất cả các thành phố trên thế giới.

Minh Phương (tổng hợp)

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/kinh-nghiem-phat-trien-giao-thong-o-seoul-d92010.html