Kinh nghiệm quốc tế: Canada tham vấn ý kiến người dân từ khi xây dựng chính sách
Một số nước trên thế giới có quy trình xây dựng chính sách, tham vấn công chúng được thực hiện từ giai đoạn hình thành chính sách, trong đó Canada là một ví dụ điển hình.
Lấy ý kiến theo từng nhóm vấn đề
Ở Canada, nội dung tham vấn lấy ý kiến phụ thuộc vào nội dung chính sách trong dự thảo văn bản và các nhóm đối tượng có liên quan đến chính sách. Tùy thuộc vào chính sách có cần bí mật hay không, cơ quan tham vấn sẽ đề nghị người được tham vấn không được tiết lộ thông tin. Khi xây dựng chính sách, người xây dựng phải lên kế hoạch tham vấn, kinh phí tham vấn và trình bộ trưởng của các bộ để quyết định, thậm chí phải xin ý kiến nội các về thời điểm tham vấn để tránh những ý kiến trái chiều, không có lợi đối với chính sách. Đối với những vấn đề nhạy cảm thì sẽ không tiến hành tham vấn hoặc có tham vấn nhưng với thời gian rất ngắn, khoảng nửa ngày.
Có nhiều cách thức tham vấn khác nhau nhưng chủ yếu các bộ chọn hình thức tham vấn theo từng nhóm vấn đề mà từng nhóm đối tượng quan tâm mà không lấy ý kiến toàn bộ dự thảo. Khi xây dựng chính sách, các bộ đưa ra các phương án và tham vấn các đối tượng lựa chọn các phương án chính sách luôn. Cách thức lấy ý kiến tham vấn phụ thuộc vào các đối tượng chịu sự tác động. Nếu có nhiều đối tượng bị tác động sẽ lấy ý kiến sâu và kỹ hơn đối với các chính sách tác động đến ít đối tượng. Có thể tổ chức đối thoại trực tiếp với các nhóm đối tượng. Trường hợp chính sách mà khả năng dẫn đến đối đấu trực tiếp thì sẽ thuê chuyên gia tham vấn công chúng, còn cơ quan soạn thảo chính sách sẽ không trực tiếp tham vấn công chúng.
Để thu hút người dân quan tâm tới chính sách, Bộ trưởng có thể mời các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp bằng văn bản đến bộ để thông qua đối thoại hoặc góp ý trực tiếp. Nếu không cần lấy ý kiến chuyên sâu, có thể lấy ý kiến qua tọa đàm, hội thảo hoặc phát tờ rơi về các nội dung chính của chính sách. Việc tiếp thu, giải trình ý kiến tham vấn không bắt buộc vì các nhóm đối tượng được tham vấn đã nêu được băn khoăn và nguyện vọng của các đối tượng chịu sự trực tiếp; nếu cần thiết, các đối tượng này có thể tiếp tục các hoạt động kiến nghị, đề xuất.
Ở Canada, quy trình chính sách được chia thành nhiều giai đoạn và quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể từ xây dựng đến phê duyệt chính sách. Quy trình xây dựng chính sách thường bắt đầu bằng công đoạn đề xuất xây dựng chính sách và kết thúc bằng công đoạn phê duyệt chính sách. Quy trình xây dựng chính sách chủ yếu do Chính phủ thực hiện.
Quy trình lập pháp kéo dài 3 giai đoạn, 18 bước
Quy trình xây dựng luật ở Canada đối với các dự luật do Chính phủ hết sức phức tạp và kéo dài, trình gồm 3 giai đoạn: (1) giai đoạn ở Nội các; (2) giai đoạn ở Nghị viện; (3) giai đoạn công bố và có hiệu lực. Ba giai đoạn trên được chia thành 18 bước nhỏ: 8 bước ở giai đoạn Nội các: (1) Khởi thảo chính sách; (2) Tham vấn chính sách; (3) Chuẩn bị bản đề xuất chính sách trình Nội các; (4) Ủy ban chuyên môn của Nội các xem xét dự thảo đề xuất chính sách; (5) Nội các phê chuẩn đề xuất chính sách; (6) Soạn thảo dự án luật; (7) Bộ trưởng quản lý ngành và Đại diện của Nội các ở Hạ viện xem xét, chấp thuận dự thảo luật đã được soạn thảo; (8) Đại diện của Nội các ở Hạ viện chính thức thông báo việc Nội các trình dự án luật.
9 bước ở giai đoạn Nghị viện, trong đó có 5 bước ở Hạ viện gồm: (1) Lần đọc thứ nhất - giới thiệu tên dự án luật; (2) Lần đọc thứ hai; (3) Giai đoạn xem xét tại Ủy ban; (4) Giai đoạn Hạ viện xem xét báo cáo của Ủy ban; (5) Lần đọc thứ ba (bỏ phiếu thông qua hoặc không thông qua) và 4 bước ở Thượng viện (giống các bước ở giai đoạn Hạ viện, nhưng không có bước (4).
1 bước ở giai đoạn công bố luật, nhưng trước đó phải có sự chấp thuận của Nữ hoàng.
Trong quy trình này, đối với việc thảo luận, thông qua dự án luật, sau khi được Bộ Tư pháp soạn thảo và được lãnh đạo của bộ đặt hàng dự luật nhất trí, được Hội đồng Cơ mật chấp thuận thì dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét. Quy trình xem xét và thông qua luật rất phức tạp vì phải qua 3 lần xem xét của Hạ viện và 3 lần xem xét của Thượng viện.
Lần đọc thứ nhất, dự thảo trình Hạ viện xem xét, nếu được chấp thuận thì sẽ được xem xét đưa vào lần đọc thứ hai. Lần đọc thứ hai, nội dung xem xét của lần đọc thứ hai liên quan đến nguyên tắc của dự luật. Nếu Hạ viện đồng ý, dự thảo sẽ được chuyển đến Ủy ban thường trực của Hạ viện. Sau khi trao đổi với Bộ trưởng trình dự luật, các đối tượng có liên quan được mời đến để tham vấn. Dự luật sau khi xem xét sẽ được chỉnh sửa trên cơ sở ý kiến của thành viên Ủy ban. Nếu đồng ý, Ủy ban sẽ quyết định bỏ phiếu về việc sẽ chỉnh sửa nội dung nào và báo cáo Hạ viện quyết định. Thành viên Ủy ban thường trực tỷ lệ với số ghế của từng đảng trong Hạ viện. Nguyên tắc chỉnh lý, sửa đổi rất nghiêm ngặt.
Nếu một dự luật được xem xét lần 2 thì sẽ được đưa ra xem xét lần ba. Lần đọc thứ ba, Hạ viện chỉ tập trung vào việc thông qua dự thảo luật để trình Thượng viện. Thượng viện cũng xem xét theo quy trình 3 lần đọc như đối với quy trình của Hạ viện. Nếu dự luật được Thượng viện thông qua thì dự luật sẽ được trình Toàn quyền phê duyệt. Để một dự luật thông qua, phải trình qua các lần đọc của cả Hạ viện và Thượng viện. Nếu Hạ viện trình dự luật cho Thượng viện mà dự thảo bị chỉnh sửa về nội dung thì dự luật lại được quay lại Hạ viện để xem xét, chỉnh lý. Một khi dự luật đã qua lần trình thứ ba, có thể coi nó đã được chính thức phê duyệt bởi Toàn quyền. Quá trình này được gọi là “Hoàng gia phê chuẩn”. Việc phê chuẩn này chỉ mang tính tự động, chứ không có tác động tới việc khẳng định hay phủ quyết ở giai đoạn này.