Kinh nghiệm quốc tế về đầu tư và tài trợ cho văn hóa
Đầu tư và tài trợ cho văn hóa không chỉ giúp bảo tồn di sản, phát triển công nghiệp văn hóa mà còn tạo nguồn lực để phát triển bền vững.
Ngày 9/12, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với UBND Quận Hoàn Kiếm tổ chức Hội thảo khoa học: “Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam”.
Theo Ban Tổ chức, tại Việt Nam việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, nhiều sáng kiến và dự án tiềm năng không được phát triển hoặc triển khai cách hiệu quả.
Vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm giúp các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, tư duy đổi mới trong việc huy động nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa; thảo luận các chính sách nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan nhằm phát triển bền vững văn hóa Việt Nam.
Hơn 20 tham luận cùng nhiều ý kiến đã được trình bày, thảo luận xoay quanh 3 nhóm vấn đề: Đầu tư và tài trợ cho văn hóa tại Việt Nam - Góc nhìn đa chiều; Đầu tư và tài trợ cho văn hóa - Kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề đặt ra; Đầu tư và tài trợ cho văn hóa - Mục tiêu, công cụ chính sách cùng những sáng kiến định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo Hà Nội”.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển điện ảnh Pháp, ông Jeremy Segay – Tùy viên nghe nhìn khu vực, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết, về mặt bối cảnh, sau Thế chiến II nền kinh tế và điện ảnh Pháp có nhiều nét tương đồng với thị trường điện ảnh Việt Nam hiện nay.
Khi đó, do các thỏa thuận thương mại kí kết với Chính phủ Hoa Kỳ, Chính phủ Pháp buộc phải dỡ bỏ các hạn chế nhập phim điện ảnh Hoa Kỳ, dẫn đến thị trường nước này tràn ngập phim điện ảnh Hoa Kỳ với khoảng hơn 2.000 phim đang tồn đọng từ thời Đức Quốc xã.
Trung Quốc cũng có những chính sách cụ thể để đầu tư và tài trợ cho văn hóa. TS Hà Huy Ngọc – Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: “Nhằm xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật, Trung Quốc đẩy mạnh việc xây dựng các bộ luật về lĩnh vực văn hóa. Năm 2016, liên tiếp 2 bộ luật quan trọng được thông qua, gồm Luật Bảo đảm dịch vụ văn hóa công cộng và Luật Thúc đẩy sản nghiệp điện ảnh.
Tiếp đó, Luật Thư viện công cộng được ban hành. Năm 2019, Trung Quốc tiếp tục đưa ra lấy ý kiến nhân dân dự thảo Luật Thúc đẩy sản nghiệp văn hóa. Quốc vụ viện Trung Hoa cũng đưa vào chương trình công tác việc sửa đổi Luật Bản quyền, Luật Bảo vệ Di sản Văn hóa.
Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung nêu ý kiến, trong nhiều năm qua, việc đầu tư thường diễn ra một cách dàn trải, thiếu tập trung và đồng bộ. Đặc biệt là thiếu mục tiêu cụ thể và đánh giá hiệu quả đầu tư một cách khách quan, dẫn đến tình trạng những người làm văn hóa, nghệ sĩ vẫn cảm thấy thiếu thốn, và không có cơ hội tiếp cận hay sử dụng những nguồn lực đầu tư.
Từ bài học kinh nghiệm của Liên minh châu Âu, Mỹ, Hy Lạp, Anh, Hàn Quốc, nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi cách Hy Lạp khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dựa trên sự hợp tác hiệu quả cả từ nhà nước và cộng đồng tư nhân. Xây dựng chính sách bảo tồn kết hợp thương mại, bảo vệ di sản đi đôi với khai thác hiệu quả tiềm năng từ du lịch văn hóa, tạo ra các mô hình bảo trợ bền vững.