Kinh nghiệm tháo gỡ 'điểm nghẽn'

Phát biểu tại lễ khánh thành Dự án cầu Như Nguyệt (giai đoạn 2), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: 'Đây là một kinh nghiệm tốt, khi có khó khăn, điểm nghẽn thì cần giải quyết, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết… Đảng, Nhà nước sẽ ghi nhận, nhân dân biết ơn'.

Kinh nghiệm tốt này là gì? Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Lạng Sơn qua Bắc Ninh, Bắc Giang là tuyến giao thông quan trọng kết nối giao thương cả nước với cửa khẩu biên giới với nước bạn Trung Quốc; kết nối các tỉnh vùng Đông Bắc với Thủ đô. Tuy nhiên, nhiều năm qua, cầu Như Nguyệt luôn là điểm nghẽn, thường xuyên tắc đường.

Kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bắc Giang nổi lên là điểm sáng phát triển KT – XH, nhiều chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ, kim ngạch xuất, nhập khẩu luôn đứng trong top đầu cả nước. Do vậy điểm nghẽn giao thông cầu Như Nguyệt ảnh hưởng đến giao thương kinh tế cả nước nói chung, kìm hãm cơ hội phát triển của Bắc Giang nói riêng.

Trước thực tế này, lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần kiến nghị lên các bộ, ngành T.Ư và Chính phủ sớm đầu tư giai đoạn 2 cầu Như Nguyệt. Do T.Ư chưa bố trí được vốn nên tỉnh mạnh dạn đề xuất triển khai xây dựng bằng nguồn vốn địa phương.

Theo quy định, quốc lộ đầu tư bằng ngân sách T.Ư nên để bảo đảm các thủ tục đầu tư bằng ngân sách địa phương là vấn đề hết sức nan giải. Khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho sử dụng ngân sách tỉnh để đầu tư, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan vào cuộc quyết liệt để sớm hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng.

Trong ngày khánh thành cầu, Thủ tướng đã đánh giá cao hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh hết sức nhiệt tình, trách nhiệm đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân; tinh thần tự lực, tự cường, không bó tay trước mọi khó khăn của hai tỉnh, trong đó có tháo gỡ các vấn đề liên quan thủ tục, quy định, vốn, thẩm quyền…; đánh giá cao hai tỉnh phối hợp chặt chẽ giải phóng mặt bằng hai đầu cầu.

Cầu Như Nguyệt (giai đoạn 2) hoàn thành, đưa vào sử dụng là câu chuyện truyền cảm hứng được bàn luận nhiều ở các diễn đàn. Nếu không dám nghĩ, dám làm, nếu không tích cực giải quyết đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, không đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên hết… thì đến nay chúng ta chưa thể có cây cầu rộng, đẹp, chưa thể giải quyết điểm nghẽn giao thông trầm trọng ở đây và thiệt hại về phát triển KT – XH là không nhỏ.

Điều lớn lao hơn, lợi ích lớn lao hơn là việc hoàn thiện đồng bộ cầu Như Nguyệt đã mang lại cho các cấp, các ngành cả T.Ư và địa phương một bài học quý về giải quyết những điểm nghẽn giao thông khác, ở những lĩnh vực khác trong khi cơ chế, chính sách có thể còn có những vướng mắc, chưa phù hợp.

Từ kinh nghiệm quý này, chúng ta càng thêm thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ:“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Chính vì vậy, ngay giữa cây cầu ấy trong ngày khánh thành, Thủ tướng đã cảm ơn các cơ quan, đơn vị liên quan đóng góp sức lực giải quyết điểm nghẽn từ nhiều năm nay; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, phát triển thịnh vượng, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. “Đảng, Nhà nước sẽ ghi nhận, nhân dân biết ơn” – Thủ tướng nói !

Trần Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/406942/kinh-nghiem-thao-go-diem-nghen-.html