Kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc ở Bành Trạch
Bành Trạch là xã nằm trong vùng quy hoạch phát triển chăn nuôi đàn trâu, bò của huyện Ba Bể với tổng đàn trâu, bò hiện có hơn 1.000 con. Tuy dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn gia súc đang diễn biến phức tạp nhưng tại xã Bành Trạch không có con trâu, bò nào bị chết hay tiêu hủy, đó là do người dân đã chủ động thực hiện công tác thú y một cách bài bản, giải quyết triệt để trong khâu phòng, chống dịch bệnh.
Theo thống kê, xã Bành Trạch hiện có 967 con trâu và hơn 300 con bò, tổng đàn gia súc tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 4 năm nay trên địa bàn xã xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò tại 7 thôn, trong khi các địa phương khác của huyện như: Địa Linh, Thượng Giáo, Hoàng Trĩ, Hà Hiệu, Nam Mẫu, Yến Dương... phải tiêu hủy hàng chục con bò bị nhiễm bệnh thì tại xã Bành Trạch không có con bò nào bị tiêu hủy, với số bò bị nhiễm bệnh người dân đã chữa khỏi, nhiều hộ gia đình chăm sóc tốt cho đàn trâu, bò không bị bệnh.
Được biết, sau khi có quyết định công bố dịch, cán bộ thú y viên đã trực tiếp đến các hộ gia đình hướng dẫn cách ly những con trâu, bò mắc bệnh và những con bò khác khi có biểu hiện triệu chứng giống bệnh viêm da nổi cục để điều trị tích cực theo phác đồ. Chính quyền địa phương đã chỉ đạo việc bao vây, xử lý nhanh gọn ổ dịch, vì vậy các điểm dịch đã sớm được bao vây, xử lý triệt để ngay khi mới xuất hiện, ngăn chặn dịch lan rộng; đồng thời vận động người dân thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại theo quy định. Cán bộ thú y xã còn bám sát thôn, bản, hướng dẫn các hộ có trâu, bò bị bệnh theo dõi điều trị tích cực, đúng liều thuốc, thực hiện triệt để các khâu trong phòng, chống dịch bệnh. Ngay sau khi dịch bệnh viêm da nổi cục xuất hiện xã Bành Trạch đã kịp thời tiêm 300 liều vắc xin tại 9 thôn, đạt 100% kế hoạch.
Gia đình chị Nguyễn Thị Huyên, thôn Nà Dụ hiện có 8 con trâu, trị giá khoảng 200 triệu đồng được nuôi theo hình thức nuôi nhốt vỗ béo. Đây là tài sản có giá trị của gia đình nên những năm qua gia đình chị đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn gia súc. Theo đó, gia đình chị đã thực hiện nghiêm túc và đầy đủ 2 đợt tiêm phòng trong năm. Hằng ngày vệ sinh chồng trại sạch sẽ, bố trí nền chuồng ở nơi cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát. Đồng thời sử dụng cỏ voi làm thức ăn, thỉnh thoảng bổ sung cháo ngô để bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Vì vậy đàn trâu của gia đình ít khi bị mắc các loại bệnh, đặc biệt trong khi bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò diễn biến phức tạp thì đàn trâu của gia đình chị vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, không bị mắc bệnh.
Nếu như trước đây trâu, bò bị bệnh vẫn được thả rông thì nay khi đàn gia súc bị bệnh đã được người dân nhốt cách ly và điều trị theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã đã nâng cao ý thức, chủ động trong tiêm vắc xin phòng dịch bệnh để bảo vệ an toàn cho đàn gia súc. Theo thống kê hằng năm việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc trên địa bàn toàn xã đạt khoảng 85%, góp phần đáng kể trong việc hạn chế dịch bệnh. Nhờ làm tốt công tác khoanh vùng, xử lý dịch bệnh triệt để, kịp thời không để lây lan nên chỉ trong vòng 1 tháng xã Bành Trạch đã khống chế được bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò; số gia súc bị bệnh đã sớm hồi phục, không có con nào chết và tiêu hủy.
Đồng chí Nguyễn Văn Thạch- Bí thư Đảng ủy xã Bành Trạch cho biết: Nhờ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nên người dân trên địa bàn xã đã nâng cao ý thức, chú trọng vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, thực hiện tiêm đầy đủ các mũi vắc xin theo định kỳ, chủ động báo cáo cho chính quyền địa phương khi có biểu hiện dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để kịp thời xử lý. Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân ở thôn vùng cao về công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi./.