Kinh nghiệm trong quản trị văn hóa của Pháp gợi mở một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Tại Hội thảo khoa học 'Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam' do do Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) phối hợp cùng UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã gợi mở một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam từ kinh nghiệm trong quản trị văn hóa của Pháp.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bảo Hiếu

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bảo Hiếu

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, văn hóa đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tạo dựng bản sắc dân tộc và nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

Đầu tư và tài trợ cho văn hóa không chỉ giúp bảo tồn di sản văn hóa, phát triển các ngành công công nghiệp văn hóa và sáng tạo mà còn tạo nguồn lực để hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các quy mô đầu tư và tài trợ thành công trong lĩnh vực văn hóa, tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng.

Các nghệ sĩ Hàn Quốc tham gia Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2024

Các nghệ sĩ Hàn Quốc tham gia Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2024

Tại Việt Nam, việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng, sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc khai thác nguồn lực không hiệu quả. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt các ấn phẩm sách báo và cuộc hội thảo khoa học trong lĩnh vực này cũng khiến các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các nhà đầu tư tiềm năng khó khăn trong tìm kiếm thông tin chuyên sâu.

Điều này không chỉ hạn chế khả năng tiếp cận kiến thức, mà còn giảm cơ hội kết nối và hợp tác giữa các bên liên quan. Hệ quả là, nhiều sáng kiến và dự án tiềm năng không được phát triển hoặc triển khai một cách hiệu quả.

Liên hoan phim ngắn Hà Nội 2024

Liên hoan phim ngắn Hà Nội 2024

Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương và chuyên gia Đỗ Thị Thanh Thủy đã có bài tham luận “Một số bài học kinh nghiệm của Pháp trong huy động đầu tư, tài trợ cho văn hóa”. Trong đó, hai tác giả đã phân tích rõ nét về kinh nghiệm trong quản trị văn hóa của Pháp và gợi mở một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam cần đa dạng hóa nguồn tài chính. Việt Nam có thể phát triển một mô hình tài trợ kết hợp giữa ngân sách nhà nước, tài trợ tư nhân và nguồn thu tự tạo. Điều này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà còn tạo điều kiện cho các tổ chức văn hóa tự chủ tài chính, giảm sự phụ thuộc vào nguồn trợ cấp công.

Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân. Tương tự như Pháp, Việt Nam có thể khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đóng góp tài chính hoặc hỗ trợ các chương trình văn hóa, chẳng hạn như qua các hình thức tài trợ, quảng bá hoặc hợp tác công tư (PPP). Việc này có thể giúp gia tăng nguồn lực tài chính và tạo mối liên kết mạnh mẽ hơn giữa văn hóa và kinh tế.

Hậu trường phim Đào, phở và piano

Hậu trường phim Đào, phở và piano

Cho phép tạo các nguồn thu tự tạo. Các tổ chức văn hóa tại Việt Nam có thể tìm cách tự tạo nguồn thu qua việc bán vé, tổ chức sự kiện, bán sản phẩm văn hóa, hoặc khai thác các quyền sở hữu trí tuệ. Điều này giúp các tổ chức không chỉ duy trì hoạt động mà còn có thể mở rộng các chương trình văn hóa phục vụ cộng đồng.

Phát triển các mô hình hợp tác bền vững. Việt Nam có thể học hỏi từ Pháp trong việc phát triển các mô hình hợp tác giữa các tổ chức văn hóa, nhà nước và khu vực tư nhân nhằm tạo ra một hệ sinh thái văn hóa tự duy trì và phát triển bền vững.

Tham khảo, chắt lọc và áp dụng phù hợp mô hình tài trợ hỗn hợp này trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam sẽ giúp Việt Nam xây dựng một nền văn hóa vững mạnh và phát triển bền vững, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận của các tổ chức văn hóa đến nhiều đối tượng khán giả hơn.

Chia sẻ những kinh nghiệm thực hiện công nghiệp văn hóa bằng đầu tư vào điện ảnh, TS Jérémy Segay, Tùy viên nghe nhìn khu vực Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đưa ra những con số ấn tượng, mỗi năm điện ảnh Pháp có hơn 700 bộ phim ra đời, tương đương với mỗi ngày nền điện ảnh Pháp sẽ cung cấp 2 bộ phim cho công chúng với giá vé trung bình xem một bộ phim tương đương khoảng 200.000 đồng Việt Nam.

Để có được kết quả khả quan như vậy ở Pháp có 4 hệ thống cơ chế hỗ trợ cho điện ảnh từ cơ chế công đến các Quỹ hỗ trợ và sự đầu tư của doanh nghiệp cho điện ảnh nói riêng và văn hóa nói chung. Đặc biệt, các hãng truyền hình ở Pháp phải đầu tư ngược trở lại cho việc sản xuất các phim truyền hình cũng như phim điện ảnh.

Ông Emmanuel Cerise, Giám đốc cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam cũng có những phân tích từ những dự án đã và đang phối hợp thực hiện tại Việt Nam để đưa ra những gợi ý những việc cần làm để phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội.

Đó là xây dựng các không gian văn hóa mới, kết nối mạng lưới giữa các không gian sáng tạo, đề xuất tổ chức các sự kiện như lễ hội, hoạt động nghệ thuật, phát triển các dịch vụ sáng tạo bao gồm khu lưu trú cho nghệ sĩ, cho thuê không gian phục vụ các hoạt động sáng tạo hoặc tổ chức sự kiện, phát triển các khu vực đa chức năng và hỗ trợ cho nghệ sĩ, người sáng tạo…

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/kinh-nghiem-trong-quan-tri-van-hoa-cua-phap-goi-mo-mot-so-bai-hoc-kinh-nghiem-cho-viet-nam-404749.html