Kinh nghiệm ứng phó bão ở ven biển miền Trung

Siêu bão Yagi đã gây ra nhiều thiệt hại cho các tỉnh phía Bắc. Hình ảnh về những ngôi nhà, công trình bị tốc mái, cây cối bị bật gốc, nhiều tàu du lịch bị chìm đã cho thấy sự tàn phá của bão. Còn đối với người dân các tỉnh miền Trung, bà con luôn dõi theo và chia sẻ những kinh nghiệm chống bão, khi nhiều năm trở lại đây, bão thường đổ bộ vào khu vực này.

Phương pháp gia cố và neo các góc mái nhà xuống đất phát huy có hiệu quả trong chống bão. Ảnh: Văn Chương

Phương pháp gia cố và neo các góc mái nhà xuống đất phát huy có hiệu quả trong chống bão. Ảnh: Văn Chương

Chặn luồng xoáy

Hình ảnh những ngôi nhà ở tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại, chiếm phần lớn là nhà lợp tôn bị tốc mái, các bảng hiệu quảng cáo bị gãy đổ, bà con ở các làng chài tại Quảng Ngãi, Quảng Nam chia sẻ, hầu như ít thấy các ngôi nhà được chằng chống và gia cố trên mái. Mái nhà chỉ cần bị gió đánh bật một khe hở nhỏ thì gió xoáy sẽ giống như bơm vào đó một "khối bộc phá" và ngôi nhà bị phá toang sau đó vài phút. Vì vậy, bịt kín mái nhà là cách thức ngăn chặn thiệt hại.

Đầu tháng 11/2013, thông tin khiến người dân ở các tỉnh miền Trung, từ Phú Yên tới Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế bàng hoàng, đó là siêu bão Haiyan, sức gió hơn 300km/giờ quét vào Philippines và tiến vào miền Trung của Việt Nam. Phần lớn nhà tạm đều biến mất, nhà cao tầng chỉ còn tường, tàu có trọng tải khoảng 3.000 tấn bị “nhấc” lên bờ... Hơn 6.300 người dân Philippines thiệt mạng.

Chúng tôi đi xuống làng chài khi dòng người rời làng chài, đổ dồn hết lên thành phố Quảng Ngãi bằng xe gắn máy. Phần lớn các gia đình đều rút thanh sạp giường để làm nẹp cửa, đóng vít cửa gỗ bằng đinh. Những mái nhà đặt chi chít bao cát để chặn nguy cơ tốc mái. Nhiều gia đình còn gia cố và neo mái nhà xuống đất bằng những sợi dây thừng có đường kính phi 20.

Lão ngư kỳ cựu Nguyễn Văn Trung, ở làng chài Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi chia sẻ kinh nghiệm chống bão ở vùng rốn bão được ông bà truyền lại bao đời nay. Câu chuyện của ông cũng có thể được xem là cẩm nang đối với người dân ở các tỉnh, thành phố vừa bị thiệt hại do siêu bão Yagi. Đó là nhà nhỏ hay nhà to, quan trọng là không được để gió xoáy và tạo luồng vào trong nhà.

Ý kiến của ông được tôi lưu giữ và có dịp kiểm nghiệm khi đi qua vùng biển ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Bà con ở miền biển này thường sử dụng loại lưới trũ phủ lên nóc nhà. Ông Huỳnh Ngọc Hùng, một người dân ở vùng biển Thừa Thiên Huế sau khi quan sát vùng thiệt hại ở tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hà Nội đã cho biết: “Bà con ngoài Bắc rất ít gia cố mái nhà trước khi siêu bão ập đến, nếu bao lưới trên mái thì ít có nguy cơ bị gió thổi bật ra”.

Đào hầm chống bão

Bão Yagi vừa tấn công các tỉnh phía Bắc với tốc độ gió 160km/giờ. Còn siêu bão Haiyan năm 2013 từ Philippines tiến về phía các tỉnh miền Trung của Việt Nam với tốc độ gió mạnh gấp đôi. Việc sơ tán dân được thực hiện rất quy mô, tỉnh Thừa Thiên Huế di dời 113.000 dân, tỉnh Quảng Ngãi 400.000 dân, thành phố Đà Nẵng gần 500.000 dân... Ngày đó, khi bão Haiyan chỉ còn 7 giờ nữa là tấn công vào đất liền, tại bờ Bắc sông Sa Kỳ, thuộc làng chài xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi vẫn có vài cụ ông ung dung ngồi uống trà, chỉ ra mép sóng đang đập vào bờ san hô ở cửa biển và khẳng định, cơn bão này sẽ không tấn công vào bờ. Theo kinh nghiệm dân gian, chỉ cần quan sát sóng đập vào bờ, có thể đoán chính xác được khả năng bão đổ bộ.

Cán bộ Biên phòng đưa người dân rời hầm trú bão ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam trong siêu bão Haiyan năm 2013. Hiện nay, người dân ở vùng này đều xây dựng nhà chống chịu bão. Ảnh: Văn Chương

Cán bộ Biên phòng đưa người dân rời hầm trú bão ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam trong siêu bão Haiyan năm 2013. Hiện nay, người dân ở vùng này đều xây dựng nhà chống chịu bão. Ảnh: Văn Chương

Tuy nhiên, không phải vì thế mà ngư dân nơi đây chủ quan, bà con luôn chủ động các phương án tránh trú bão. Các cụ già ở làng chài Tịnh Kỳ và Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi dựa vào kinh nghiệm bão cao, người thấp. Dọc làng chài có những ngôi nhà nhỏ, chiều cao khoảng 0,8m được người dân gọi là lô cốt chống bão. Gió bão quần đảo trên cao và thể hiện sức mạnh khi đi qua những cây cao, nhà cao, còn những ngôi nhà quá thấp đều an toàn.

Nguyên tắc trên được người dân ở làng chài xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam áp dụng ở mức tối thiểu khiến ai cũng ngạc nhiên. Đó là có những hộ dân không di chuyển, bám trụ tại làng chài và đào hầm chống bão. Căn hầm được đào khá nhanh trên cát và bên trên hầm được úp chiếc thúng, chiều cao của căn hầm nhô lên mặt đất chỉ chừng 0,3m. Trong các hầm trú bão chỉ để phích nước sôi đã nấu sẵn, mì tôm, bát, đũa...

Sau 10 năm trở lại ngôi làng từng khá nổi tiếng vì đào hầm tránh trú bão, người dân ở địa phương này đã có đời sống kinh tế khá hơn, vì vậy, bà con đã xây dựng nhà ở nhưng luôn gia cố để ngôi nhà có thể đứng vững, không bị thiệt hại khi bão lớn đổ bộ. Nhiều năm sau đó, mỗi khi bão lớn ập vào, người dân ở làng chài này đã giữ được những ngôi nhà bằng cách luôn gia cố trên mái nhà, có gia đình khiêng hẳn các nẹp sắt đặt trên mái nhà và neo xuống đất để chống tốc mái.

Neo theo 2 hướng gió

Sau siêu bão Yagi, nhiều tàu du lịch ở tỉnh Quảng Ninh bị bão đánh chìm tại chỗ. Những chiếc tàu này neo ở sát bờ và khi bão ập vào, đã chịu trận suốt nhiều giờ đồng hồ cho tới khi bị nhấn chìm. Ở các tỉnh miền Trung, mỗi khi bão lớn ập vào, các tàu du lịch thường không neo đơn lẻ một mình, mà đi vào vũng neo đậu và được bó cứng trong những dãy tàu cá đang thả neo chống bão. Vì nhiều tàu neo sát nhau và chống va đập bằng cách lốp cao su nên giảm thiểu được rủi ro chìm tàu trong mưa bão.

Đối với các tàu neo đơn lẻ dọc bờ, mỗi tàu cách nhau 1-2m, khi siêu bão ập đến thường khó tránh khỏi bị chìm. Theo những ngư dân có kinh nghiệm ở miền Trung, vì chủ tàu thường tính một hướng gió, trong khi gió bão thường đảo nhiều chiều nên tàu neo đơn lẻ có thể trụ được qua đợt gió đầu tiên, nhưng khi đợt gió kế tiếp đổi chiều thì tàu sẽ bị chìm vì va đập vào nhau hoặc bị hất lên bờ. Ở một số địa phương, ngư dân còn neo tàu vào trụ giữa sông, thả dây neo và cho tàu xoay quanh trụ như kim đồng hồ, gió thổi hướng nào thì xoay theo hướng đó, bán kính vòng xoay không được gặp vật cản và tàu thuyền khác.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kinh-nghiem-ung-pho-bao-o-ven-bien-mien-trung-post480693.html