Kinh nghiệm và giải pháp để làng nghề ở Thanh Thùy phát triển bền vững

Sự phát triển của làng nghề truyền thống đã đóng góp quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân, từ đó ông Lê Văn Cảnh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Thanh Thùy cho rằng, trong thời gian tới cần triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả 6 giải pháp để các làng nghề trên địa bàn xã tiếp tục phát triển bền vững.

Nghề truyền thống giúp nâng cao đời sống nhân dân

Làng nghề huyện Thanh Oai hình thành, phát triển gắn với nền văn hiến, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc và quê hương. Công cuộc đổi mới đất nước đã mở ra cho làng nghề huyện Thanh Oai phát triển đa dạng về ngành nghề và các loại sản phẩm. Với 51 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống, Thanh Oai đã có nhiều sản phẩm được đánh giá cao, được tiêu thụ mạnh trên toàn quốc và có xu hướng vươn ra một số thị trường lớn trên thế giới. Trong số những làng nghề đó phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề xã Thanh Thùy, trong thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho nhân dân và trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương này.

Lãnh đạo xã Thanh Thùy trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô tại Cụm công nghiệp làng nghề kim khí Thanh Thùy

Lãnh đạo xã Thanh Thùy trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô tại Cụm công nghiệp làng nghề kim khí Thanh Thùy

Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thùy Lê Văn Cảnh cho rằng, vị trí địa lý, giao thông, nguồn lực đất đai, nhân lực thuận lợi là điều kiện để địa phương phát triển các loại hình kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề, sản xuất nông nghiệp.

Hiện tại xã Thanh Thùy có 6/6 làng được công nhận làng nghề, trong đó tập trung các ngành nghề như: Sản xuất kim khí, điêu khắc mỹ nghệ, làm trống… tổng số lao động tham gia làm nghề là 7304 lao động, số hộ là 2050 hộ(chiếm 85%) với 215 cơ sở sản xuất tạo công ăn việc làm cho nhân dân trong và ngoài xã. Hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu là hộ gia đình với quy mô vừa và nhỏ; qua đó giúp giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo…

Theo ông Cảnh, xã Thanh Thùy có 2 mảng làng nghề với một số sản phẩm đặc biệt như điêu khắc Dư Dụ và cơ khí làng Rùa có chất lượng và thẩm mỹ cao. "Về nghề cơ khí trong thời gian qua được sự quan tâm của huyện, xã đã quy hoạch và xây dựng cụm công nghiệp làng nghề kim khí Thanh Thùy diện tích 5,5 ha, tạo điều kiện cho 40 doanh nghiệp mở rộng diện tích cơ sở sản xuất thu hút trên 1000 lao động và có điều kiện xử lý môi trường. Đến nay với quy mô sản xuất lớn hơn, làng nghề đã có nhiều thay đổi, đã áp dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất, kỹ thuật tinh sảo, máy đột dập trăm tấn, dây truyền sản xuất được khép kín làm phong phú thêm các mặt hàng, nhờ đó phục vụ ngày càng tốt hơn cho các ngành công nghiệp như điện tử, xe máy, công nghiệp xây dựng… tiêu thụ sản phẩm khắp các tỉnh thành trong cả nước", Bí thư xã Thanh Thùy cho hay.

Theo ông Lê Văn Cảnh, nghề điêu khắc mỹ nghệ Dư Dụ là nghề truyền thống lâu đời được nhân dân duy trì phát triển qua nhiều thế hệ. Cùng bắt nhịp với sự đổi mới khoa học công nghệcủa đất nước, người dân, người thợ làng nghề điêu khắc Dư Dụ với bàn tay khéo léo, tinh xảo đã cho ra thị trường những sản phẩm có chất lượng thẩm mỹ cao như tượng phật, tượng mỹ nghệ, các con giáp, chiếu hạt… được người tiêu dùng trong cả nước đón nhận, thậm chí xuất khẩu ra các nước như Trung Quốc, Đài Loan, khu vực Asean… Doanh thu từ các làng nghề đạt 355 tỷ đồng/năm.

"Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nói riêng trên địa bàn xã Thanh Thùy trong những năm qua có bước phát triển mạnh trở thành ngành có kinh tế quan trọng của xã góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương và các xã lân cận, từng bước ổn định và nâng cao đời sống nhân dân góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã theo hướng công nghiệp - dịch vụ thương mại", ông Cảnh chia sẻ.

Sự phát triển của làng nghề Thanh Thùy đã đóng góp quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Đến nay cơ cấu kinh tế công nghiệp tiểu thủ công nghiệp chiếm 66%, thương mại dịch vụ chiếm 27%, nông nghiệp còn 7%, thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn còn 0,78%. Đây là nền tảng vững chắc để xã Thanh Thùy hoàn thành xây dựng chương trình nông thôn mới năm 2017 tạo động lực để tiếp tục phát triển và xây dựng xã đạt nông thôn mới nâng cao.

Nhiều cơ sở đã áp dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất

Nhiều cơ sở đã áp dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất

Trong những năm qua thực hiện chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Thanh Thùy đã chú trọng xây dựng các kế hoạch, đề án, tiến hành khảo sát tình hình thực tế địa phương, thường xuyên quan tâm chỉ đạo xây dựng phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển nông nghiệp và hạ tầng nông thôn tạo việc làm ổn định cho nhân dân. Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thùy cho biết, hàng năm xã thực hiện tốt công tác khuyến công, tổ chức các khóa học đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề với hàng 100 lượt người tham gia; hỗ trợ khuyến khích đổi mới dây chuyền máy móc thiết bị; tập huấn chính sách khuyến công, kỹ năng bán hàng, quản trị doanh nghiệp, an toàn thực phẩm hỗ trợ cho các cơ sở tham gia hội chợ triển lãm trong nước để tăng cường giao lưu giới thiệu sản phẩm làng nghề tới các địa phương trong cả nước. "Chúng tôi đặc biệt quan tâm tạo điều kiện cho các cơ sở xây dựng thương hiệu đặc biệt là xây dựng nhãn hiệu tập thể, chú trọng công tác đề nghị xét danh hiệu nghệ nhân các làng nghề", ông Cảnh nói.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả 6 giải pháp

Từ những đóng góp rất lớn của các làng nghề đối với sự phát triển của địa phương, lãnh đạo xã Thanh Thùy khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa để các cơ sở làm nghề trên địa bàn phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Trong Nghị quyết của Đảng bộ xã lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã xác định phát triển làng nghề truyền thống là một trong 2 khâu đột phá.

Theo ông Lê Văn Cảnh, để các làng nghề phát triển một cách bền vững, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và cải thiện môi trường trên địa bàn, cần triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả 6 giải pháp.

Một là, tăng cường thông tin tuyên truyền các chính sách hỗ trợ làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo nghị định số 52/2018 NĐ-CP, ngày 12/4/2018 về Phát triển ngành nghề nông thôn. Các văn bản hướng dẫn đến các tổ chức, cá nhân trong làng nghề. Kết hợp các sự kiện văn hóa thể thao được tổ chức ở địa phương, tổ chức các cuộc thi, giới thiệu, chưng bày các sản phẩm nghề nhằm khích lệ người lao động và khơi dậy lòng tự hào về những nét đẹp của những sản phẩm nghề truyền thống quê hương.

Hai là, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2020 -2025, ngân sách địa phương, vốn tín dụng và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư phát triển làng nghề. Làng nghề gắn với du lịch và xây dựng Nông thôn mới.

Những năm qua, xã Thanh Thùy đã thực hiện tốt công tác đào tạo và truyền nghề

Những năm qua, xã Thanh Thùy đã thực hiện tốt công tác đào tạo và truyền nghề

Ba là, mở rộng và thành lập mới các Cụm công nghiệp, ưu tiên quy hoạch các trục đường như Quốc lộ 21B, đường trục phát triển phía Nam của Thành phố để thu hút các doanh nghiệp đầu tư và phát triển. Có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho các hộ sản xuất làng nghề được thuê đất tại các Cụm công nghiệp, xây dựng các khu cửa hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề.

Bốn là, quan tâm tập trung giải quyết một số vấn đề tồn tại đối với công tác phát triển làng nghề như giải quyết mặt bằng sản xuất kinh doanh, chính sách đầu tư đổi mới máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến nâng cao sức cạnh tranh cao của các doanh nghiệp, hộ gia đình; giải quyết vấn đề ô nhiễm trong làng nghề, trang bị kiến thức năng lực quản lý cho các chủ hộ, chủ cơ sở sản xuất hỗ trợ phát triển thị trường làng nghề, tăng cường mở các lớp đào tạo và nhân cấy nghề.

Năm là, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xây dựng nông thôn mới có sự ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn trong các làng nghề, mặt bằng sản xuất ra xa khu dân cư. Đối với các làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mang đậm nét văn hóa truyền thống nhưng không có khả năng phát triển độc lập, đề nghị huyện, thành phố đầu tư cơ sở hạ tầng.

Sáu là, đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử hỗ trợ cơ sở sản xuất làng nghề xây dựng trang Website giới thiệu quảng bá, xây dựng thương hiệu sản xuất làng nghề, cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường, những quy định về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thị trường tiêu thụ để cơ sở sản xuất làng nghề định hướng sản xuất. Chú trọng việc công nhận các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống và phong tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ thủ công giỏi.

"Để có được những kết quả quan trọng trong xây dựng và phát triển quê hương Thanh Thùy, cần có sự nỗ lực, quyết tâm trong lãnh đạo chỉ đạo điều hành cũng như tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong xã. Song rất cần có sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo giúp đỡ của huyện và thành phố", ông Lê Văn Cảnh bày tỏ.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/kinh-nghiem-va-giai-phap-de-lang-nghe-o-thanh-thuy-phat-trien-ben-vung-116486.html