Kinh nghiệm vận động người mù chữ ra lớp ở Đắk Lắk
Dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên công tác vận động người mù chữ ra lớp ở vùng sâu, vùng xa cần sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, các ngành.
TS Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ, đến nay, công tác phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ (XMC) của tỉnh Đắk Lắk đã đạt nhiều kết quả tích cực. Góp phần quan trọng vào nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng cuộc sống, rút ngắn khoảng cách trong giáo dục giữa các vùng trong tỉnh. Đây cũng là điều kiện để tỉnh triển khai hiệu quả đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng.
Theo báo cáo, Đắk Lắk là tỉnh miền núi, nằm ở địa bàn Tây Nguyên với 15 đơn vị hành chính cấp huyện và 184 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, nhiều xã thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Ở một số địa phương, điều kiện giao thông chưa thuận lợi, y tế, giáo dục và các dịch vụ công ích chưa phát triển. Tỉ lệ người mù chữ cũng chủ yếu tập trung ở khu vực này.
Để giải quyết khó khăn trên, Sở GD&ĐT đã tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, mở lớp XMC và chống tái mù chữ.
"Với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tỉnh về công tác PCGD, XMC, Sở GD&ĐT đã bám sát Đề án của Chính phủ, kế hoạch của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh; sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã tham mưu ban hành kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện "Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2023" trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phối hợp và công tác truyền thông. Đến nay, 100% đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã được phổ biến, quán triệt các văn bản của Trung ương và của tỉnh", TS Hiệp nói.
TS Hiệp cũng nhấn mạnh thêm, đến nay, Đắk Lắk đã có 12/15 xã đạt chuẩn XMC mức độ 2 (tỉ lệ 80%). Tỉnh đạt chuẩn XMC mức độ 1.
Tuy nhiên, vẫn còn 3/15 huyện mới đạt chuẩn XMC mức độ 1 (tỉ lệ 20%). Số người từ 15-60 tuổi đạt chuẩn XMC mức độ 2 là 1.333.190/ 1.424.886 người, tỉ lệ 93,56%.
Vì vậy, công tác vận động ra lớp XMC cần được quan tâm. Bên cạnh phát huy vai trò chủ động của ngành giáo dục, của thầy cô giáo ở các trường học thì cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị.
Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Thanh Dương, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ea Kar cho rằng, công tác phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, trong đó vai trò của Bí thư Chi bộ, trưởng thôn/buôn và người uy tín chính là chìa khóa cho tính hiệu quả của vận động người mù chữ ra lớp.
"Tâm lí chung của người chưa biết chữ là mặc cảm, tự ti, nhiều người ngại tiếp xúc với người lạ. Vì vậy, các nhà trường, giáo viên phụ trách công tác XMC cần phối hợp chặt chẽ với thôn/buôn, đi từng ngõ, từng nhà để tuyên truyền, vận động ra lớp", ông Dương chia sẻ.
Cũng theo ông Dương, nhờ làm tốt công tác vận động, năm 2023, huyện Ea Kar đã mở được 4 lớp với 119 học viên. 100% học viên sau khi ra lớp đều được chính quyền địa phương cho ký cam kết không bỏ học giữa chừng.
Chung quan điểm, ông Đỗ Ngọc Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Buôn Đôn cho biết, là huyện biên giới với 7 đơn vị hành chính cấp xã và 29 dân tộc anh em chung sống, công tác PCGD, XMC gặp không ít khó khăn.
Số người chưa biết chữ thường lớn tuổi, ở khu vực có điều kiện sống khó khăn, nhận thức về giáo dục chưa cao. Nhiều người trong độ tuổi lao động thường xuyên đi làm ăn xa hoặc đi làm nương, rẫy ở trong rừng sâu.
Mặc dù vậy, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, từ tham mưu xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động... đến giải pháp mở lớp theo mùa vụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học viên. Năm 2023 đã mở được 2 lớp PCGD, XMC cho 58 học viên.
Cũng theo ông Anh, địa phương cũng triển khai linh hoạt việc phân công, bố trí giáo viên phụ trách, trong đó ưu tiên giáo viên là người dân tộc thiểu số. Quá trình dạy học và tuyên truyền, địa phương cũng thường xuyên biểu dương tấm gương học viên tiêu biểu, các gia đình, dòng họ hiếu học.
"Trước hết phải làm tốt công tác truyền thông về các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người dân cũng như chính sách dành cho giáo dục, nhất là người chưa biết chữ. Phải cho họ hiểu, Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người được học tập, phát triển bản thân, phát triển gia đình, góp phần xây dựng quê hương, thôn/buôn ngày một giàu đẹp hơn. Cạnh đó, việc tổ chức lớp học phù hợp với thời gian lao động, sinh hoạt của bà con, vì hầu hết người mù chữ lại là lao động chính trong gia đình", ông Anh chia sẻ.