Kinh nghiệm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở Giao Thủy

Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là chủ trương lớn mang tính chiến lược của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Xác định tầm quan trọng của công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nhiều năm qua huyện Giao Thủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc.

Một giờ học ở Trường Tiểu học Giao Phong.

Một giờ học ở Trường Tiểu học Giao Phong.

Những kết quả nổi bật

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn huyện đã tích cực huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học; trong đó ngành GD và ĐT huyện tích cực tham mưu cho các cấp, các ngành và Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của huyện các giải pháp để nâng cao chất lượng tiêu chí giáo dục trong xây dựng NTM.

Đến nay trên địa bàn toàn huyện, 100% các cơ sở giáo dục (CSGD) công lập đều đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Bậc học mầm non, tiểu học, THCS có 36/67 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II, đạt 53,7%, tiêu biểu là các trường: Mầm non, Tiểu học và THCS xã Giao Phong; Tiểu học và THCS xã Giao Lạc; THCS Giao Thịnh; Mầm non và THCS xã Bạch Long... Bậc THPT có 4 trường THPT công lập và 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đều đạt chuẩn quốc gia mức độ I, trong đó Trường THPT Giao Thủy đạt chuẩn quốc gia mức độ II.

Trong 14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu có 6 xã, thị trấn được công nhận có tiêu chí nổi trội là tiêu chí giáo dục gồm: Giao Tân, thị trấn Giao Thủy, Giao Phong, Bạch Long, Giao Lạc, Giao Thịnh). Toàn huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao. Với những kết quả đạt được, huyện Giao Thủy vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 tại Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 2/8/2024.

Nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo

Huyện Giao Thủy đã chỉ đạo tập trung, tranh thủ các nguồn lực hợp pháp để tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học. Từ năm 2020 đến nay, các địa phương đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các phòng học với tổng kinh phí trên 500 tỷ đồng. Khi xây mới các công trình phòng học, các trường bám sát Thông tư số 13/2020 của Bộ GD và ĐT quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học, trường THCS; Thông tư số 14/2020 của Bộ GD và ĐT quy định về phòng học bộ môn của CSGD phổ thông, để đảm bảo đầu tư xây dựng đúng quy chuẩn. Rút kinh nghiệm một số địa phương khi lập dự án xây dựng đã không bao gồm cả gói thiết bị nên sau khi có phòng học thì việc mua sắm trang thiết bị, bàn ghế, máy tính rất khó khăn vì danh mục mua sắm phải lấy kinh phí từ nguồn chi thường xuyên hàng năm, huyện chỉ đạo khi lập dự án đầu tư xây dựng các phòng học phải bao gồm cả hạng mục trang thiết bị, máy tính, bàn ghế vào dự án. Đồng thời, huyện chỉ đạo các địa phương ưu tiên dành quỹ đất mở rộng khuôn viên nhà trường đảm bảo theo Thông tư số 13/2020 của Bộ GD và ĐT. Hiện nay, diện tích đất dành cho giáo dục toàn huyện bình quân đạt 20 m2/học sinh, cao hơn nhiều so với quy định (quy định diện tích trường mầm non đảm bảo 12 m2/học sinh; tiểu học 10 m2/học sinh; THCS 10 m2/học sinh).

Cùng với tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học, huyện tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Huyện thường xuyên rà soát, sắp xếp, quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tạo điều kiện, khuyến khích đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành nghị quyết về rà soát đảm bảo cân đối đội ngũ giáo viên các bậc học để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. UBND huyện ban hành kế hoạch về việc điều động, biệt phái viên chức các trường mầm non, tiểu học, THCS thuộc huyện giai đoạn 2021-2025; trong các năm học đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch; đã đảm bảo cơ cấu giáo viên các trường, các bộ môn, giúp các CSGD sử dụng hiệu quả nhất số biên chế được giao.

Huyện cũng đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo địa phương để đạt hiệu quả cao. Huyện yêu cầu các địa phương, các nhà trường bám sát Thông tư 16/2018 của Bộ GD và ĐT hướng dẫn quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn tài trợ. Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều địa phương đã nhận được sự tài trợ lớn của các tập thể, cá nhân. Ở xã Giao Hải, một nhà tài trợ đã tặng Trường THCS xã một nhà đa năng trị giá trên 2 tỷ đồng với hình thức chìa khóa trao tay. Sau khi xã báo cáo, huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn nhà tài trợ các khâu từ tư vấn lập dự án đến trình duyệt và tổ chức thi công theo đúng quy định. Ngoài ra, còn nhiều tổ chức, cá nhân đã tặng hiện vật cho các nhà trường như màn hình ti vi lớn, bàn ghế học sinh. Tổng hợp trong 2 năm gần đây, toàn huyện kêu gọi xã hội hóa đầu tư cho giáo dục đạt trên 50 tỷ đồng.

Huyện tăng cường kiểm tra, giám sát nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn gắn với nhiệm vụ xây dựng NTM, qua đó yêu cầu Ban chỉ đạo địa phương báo cáo cụ thể kết quả xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đối với những đơn vị gặp khó khăn, Phòng GD và ĐT báo cáo UBND huyện thành lập đoàn công tác xuống làm việc trực tiếp với Thường trực Đảng ủy xã để làm rõ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở và tìm cách tháo gỡ. Trên cơ sở phân tích những khó khăn, vướng mắc, huyện phân giao rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, phòng chuyên môn hay của nhà trường để từng bên chủ động tháo gỡ, thực hiện. Chẳng hạn vướng về ngân sách thì huyện cùng địa phương tháo gỡ, địa phương khó khăn thì huyện hỗ trợ một phần; vướng về đội ngũ, Phòng GD và ĐT chịu trách nhiệm báo cáo UBND huyện bố trí, tuyển dụng; vướng về trang thiết bị, đồ dùng, chất lượng, cảnh quan thì nhà trường chịu trách nhiệm. Sau khi đã nắm rõ nhiệm vụ, trách nhiệm trong xây dựng trường chuẩn quốc gia mọi việc diễn ra thuận lợi, nhịp nhàng và hiệu quả.

Một số bài học kinh nghiệm

Đồng chí Nguyễn Tiến Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Giao Thủy chia sẻ: Từ kết quả và quá trình lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với xây dựng NTM trên địa bàn huyện có thể rút ra một số kinh nghiệm. Trước hết, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và tuyệt đối của các cấp ủy đảng; sự chỉ đạo điều hành trực tiếp của chính quyền địa phương để đảm bảo huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, trong đó ngành Giáo dục là nòng cốt.

Chương trình xây dựng trường chuẩn quốc gia phải được tổ chức thành phong trào thi đua sâu rộng trong toàn xã hội, vì qua thực tiễn cho thấy, sức mạnh và đóng góp của quần chúng nhân dân là rất lớn, sẽ được phát huy tốt khi được tổ chức thành phong trào hành động cụ thể. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là phụ huynh về chương trình mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với chương trình mục tiêu xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp, hình thức tuyên truyền, vận động quần chúng xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Phải làm cho mọi người dân, trước hết là cán bộ, đảng viên hiểu rõ chủ trương xây dựng trường chuẩn quốc gia không phải là của riêng ngành Giáo dục mà là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; của cha mẹ học sinh và toàn xã hội.

Thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý có năng lực, coi đây là nhân tố quyết định để xây dựng phong trào. Đội ngũ cán bộ quản lý các nhà trường phải là đội ngũ thực sự tài năng để đủ sức tham mưu cho lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động được sự vào cuộc của toàn xã hội, nhất là các tổ chức, cá nhân có điều kiện. Thực hiện nghiêm quy định về trình tự thủ tục. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, không để xảy ra vi phạm, sai phạm trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là từ nguồn xã hội hóa giáo dục.
Những kết quả bứt phá trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã góp phần đưa huyện Giao Thủy trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh Nam Định và là 1 trong 10 huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao.

Bài và ảnh: Minh Thuận

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202410/kinh-nghiem-xay-dung-truong-dat-chuan-quoc-giagan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-kieu-mau-o-giao-thuy-4194a25/