Kinh phí công đoàn 2%: Đại biểu băn khoăn, Tổng Liên đoàn nói gì?

Tổng hợp báo cáo của các cấp Công đoàn, số dư nguồn tài chính công đoàn tích lũy đến ngày 31/12/2023 khoảng 43.211 tỷ đồng.

Quốc hội Khóa XV đã bước vào đợt họp thứ 2 của Kỳ họp thứ 7.

Quốc hội Khóa XV đã bước vào đợt họp thứ 2 của Kỳ họp thứ 7.

Kinh phí công đoàn được tính vào chi phí của doanh nghiệp, được hạch toán vào giá thành sản phẩm, tuy nhiên chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp (trung bình khoảng 0,38%), theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn).

Sáng 18/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi (Dự thảo).

Trước đó, thảo luận tại tổ trong đợt 1 của Kỳ họp thứ 7, có 11 ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn phí 2% nhưng đề nghị bổ sung những quy định nhằm công khai, minh bạch và đảm bảo phục vụ tốt nhất cho lợi ích của người lao động.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị báo cáo đầy đủ về tình hình thu, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí 2%, đề nghị bổ sung quy định định kỳ thực hiện thanh tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí này. Làm rõ các khoản thu khác của công đoàn, làm rõ hơn những khoản thu nào phải điều chỉnh theo Luật Ngân sách nhà nước và khoản thu nào phải điều chỉnh theo Luật công sản, cũng là ý kiến của đại biểu.

Có ý kiến đề nghị kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động; kinh phí công đoàn do tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng theo đóng góp theo tự nguyện. Ý kiến khác đề nghị xem xét giảm mức kinh phí công đoàn. Đề nghị không thu kinh phí công đoàn 2% đối với đơn vị đã có tổ chức đại diện của người lao động khác.

Có ý kiến đề nghị xem xét quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ kinh phí công đoàn và giao Chính phủ quy định chi tiết. Đề nghị bổ sung đối tượng đóng kinh phí công đoàn “hộ gia đình, cá nhân” để bảo đảm tính thống nhất, công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị sử dụng lao động.

Cạnh đó có đại biểu đề nghị làm rõ việc đóng góp, quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn 2% tại đơn vị không có công đoàn cơ sở; việc bảo vệ quyền lợi người lao động của công đoàn cấp trên trực tiếp đối với người lao động tại đơn vị không có công đoàn cơ sở.

Giải trình ý kiến đại biểu, về việc tiếp tục kế thừa và duy trì quy định 2% kinh phí công đoàn, Tổng Liên đoàn nêu thực tiễn, nhiều thập kỷ qua, kinh phí công đoàn được thực hiện chủ yếu ở các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa (trước đây) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, hiện Trung Quốc cũng đang duy trì mức đóng 2% được quy định tại Điều 43 Luật Công đoàn Trung Quốc.

Tại Việt Nam, nguồn thu kinh phí công đoàn 2% được quy định từ năm 1957 và được duy trì từ khi có Luật Công đoàn cho đến nay. Việc Luật hóa và duy trì nguồn thu 2% kinh phí công đoàn thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, thông qua việc xây dựng và thực thi chính sách của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động công đoàn; cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 02-NQ/TW.

Thứ hai, kinh phí công đoàn được sử dụng tại công đoàn cơ sở là chủ yếu để trực tiếp chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Với mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH hiện nay của người lao động khoảng 5,7 triệu/tháng thì trong 1 năm doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn khoảng 1,4 triệu đồng. Khi đó, 75% số kinh phí công đoàn đã đóng này (khoảng 1 triệu đồng) sẽ được phân phối cho công đoàn cơ sở để chăm lo cho đoàn viên, người lao động dùng để thăm hỏi ốm đau, quà sinh nhật, quà Tết, hoạt động văn hóa, thể thao...

Thứ ba, tổng hợp báo cáo của các cấp Công đoàn, số dư nguồn tài chính công đoàn tích lũy đến ngày 31/12/2023 khoảng 43.211 tỷ đồng (tính theo niên độ tài chính). Trong đó, số dư tài chính công đoàn tích lũy của công đoàn cơ sở là 12.373 tỷ đồng, chiếm 28,6% tổng số dư tài chính công đoàn tích lũy của hệ thống Công đoàn, Tổng Liên đoàn nêu tại báo cáo.

Vẫn theo cơ quan soạn thảo luật, số dư tài chính công đoàn tích lũy của 3 cấp còn lại là 30.837 tỷ đồng (trong đó: dư tại Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là 8.693 tỷ đồng; dư tại Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và tương đương là 15.355 tỷ đồng; dư tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là 6.789 tỷ đồng).

Tổng Liên đoàn giải thích, số dư tài chính công đoàn tích lũy tại 4 cấp tính đến hết niên độ tài chính (31/12 hàng năm) còn dư nhưng thực tế sau Tết âm lịch thì số kinh phí kết dư tại công đoàn cơ sở thường được sử dụng hết để chăm lo cho đoàn viên, người lao động tham gia trực tiếp. Dư tại cấp công đoàn cấp trên cơ sở, thực hiện điều tiết cho công đoàn cơ sở không có tích lũy đủ chi và chi hoạt động cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Dư tại cấp Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và tương đương và cấp Tổng Liên đoàn dùng để điều tiết cho các địa phương không có số dư tích lũy để chi và chi hoạt động của các cấp này.

Thứ tư, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bổ sung một số nhiệm vụ chi mới để phù hợp với thực tiễn như: (1) Chi cho công đoàn cơ sở mà tại đó tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn được miễn, giảm đóng kinh phí công đoàn. (2) Chi cho việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thuê, xây dựng công trình công cộng cho đoàn viên, người lao động, thiết chế công đoàn chủ yếu từ số tài chính công đoàn tích lũy của cấp tỉnh, thành phố và tương đương và của Tổng Liên đoàn.

Thứ năm, Kinh phí công đoàn được tính vào chi phí của doanh nghiệp, được hạch toán vào giá thành sản phẩm, tuy nhiên chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp (trung bình khoảng 0,38%).

"Qua khảo sát thực tế các doanh nghiệp FDI tham gia vào thị trường Việt Nam, vấn đề vướng mắc chủ yếu là do thủ tục hành chính hoặc xung đột thể chế, pháp luật; có ít kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến nộp 2% kinh phí công đoàn. Do đó có thể cho rằng, vấn đề 2% kinh phí công đoàn không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp", Tổng Liên đoàn giải thích.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kinh-phi-cong-doan-2-dai-bieu-ban-khoan-tong-lien-doan-noi-gi-d217864.html