Kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ cơ sở nấm Thanh Nhàn ứng dụng thiết bị sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Trung tâm Khuyến công) - Phạm Văn Phong vừa tham gia buổi trình diễn kỹ thuật, nghiệm thu đề án 'Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ nấm ăn và nấm dược liệu' tại cơ sở nấm Thanh Nhàn. Đây là một trong những đề án khuyến công sử dụng nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Đề án được thực hiện từ tháng 01/2024 cho đến nay.
Cơ sở nấm Thanh Nhàn có địa chỉ sản xuất tại ấp Cây Sao, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, chuyên sản xuất, chế biến bột nấm, phôi nấm ăn các loại và nấm dược liệu.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Phạm Văn Phong cho rằng, qua khảo sát và xem trình diễn, đề án đạt mục tiêu đề ra. Không riêng với cơ sở nấm Thanh Nhàn, nguồn vốn hỗ trợ từ kinh phí khuyến công đóng vai trò như "bà đỡ" cho cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có thêm điều kiện đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm. Từ đó, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, tạo ra giá trị sản xuất chung của ngành, góp phần chuyển dịch cơ cấu công nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cơ sở nấm Thanh Nhàn đi vào sản xuất phôi nấm nhiều năm nay. Đây là cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nhỏ, nguồn vốn sản xuất còn hạn chế. Qua khảo sát, tìm hiểu, Trung tâm Khuyến công đã phối hợp cơ sở xây dựng đề án nhằm đóng vai trò "bà đỡ" để hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn vốn khuyến công địa phương để mạnh dạn đầu tư ứng dụng trang thiết bị tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm từ nấm, góp phần tăng doanh thu và mở rộng thị trường tiêu thụ cho cơ sở.
Theo đó, thực hiện đề án, cơ sở nấm Thanh Nhàn đầu tư mới 100% dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ nấm ăn và nấm dược liệu gồm máy sàn, máy trộn, máy đóng bịch, lò hấp giá thể tiệt trùng,... với công suất Việt Nam từ 400-500kg/tháng. Tổng chi phí đầu tư mua sắm máy móc thiết bị 290 triệu đồng, nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ 145 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng từ cơ sở.
Ông Lê Thanh Nhàn - chủ Cơ sở nấm Thanh Nhàn, phấn khởi, khi vận hành dây chuyền thiết bị mới, cơ sở có nhiều thuận lợi như giảm số công lao động, hạ giá thành sản xuất thấp bằng 1/3 so với cách làm nấm truyền thống. Đặc biệt, khi áp dụng quy trình sản xuất bằng máy móc, sản phẩm đầu ra đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm do hạn chế tiếp xúc với người lao động./.