Kinh phí thiếu ổn định, nhiều trường gặp khó khi tổ chức dạy 2 buổi/ngày

Nhiều trường gặp khó khi triển khai dạy 2 buổi/ngày do thiếu hướng dẫn chi trả, kinh phí không ổn định và vướng mắc pháp lý trong xã hội hóa giáo dục.

Theo lãnh đạo nhiều trường trung học, việc triển khai dạy 2 buổi/ngày sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc củng cố kiến thức, phát triển kỹ năng và xây dựng môi trường giáo dục toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn cụ thể để các trường thực hiện đồng bộ, duy trì lâu dài và đạt hiệu quả cao.

Bước đi quan trọng hướng tới giáo dục toàn diện

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thầy Bùi Văn Chuyển – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) chia sẻ: “Hiện tại, nhà trường đang tổ chức các buổi học phụ đạo vào một số buổi chiều trong tuần, nhằm hỗ trợ học sinh yếu củng cố kiến thức, theo kịp chương trình. Đồng thời, nhà trường cũng ưu tiên dành thời gian ôn tập miễn phí cho học sinh lớp 12 để các em chuẩn bị tốt trước kỳ thi tốt nghiệp.

Những hoạt động này, chỉ dừng lại ở việc bổ sung kiến thức, kỹ năng giúp phụ đạo học sinh yếu và ôn thi tốt nghiệp là chính, chưa mở rộng được một số hoạt động bổ trợ khác như: bồi dưỡng học sinh giỏi, phát triển kỹ năng sống, học ngoại ngữ, tin học, rèn luyện thể thao.

Ngoài ra, theo chỉ tiêu biên chế được giao, nhà trường có tổng 50 người, bao gồm cả cán bộ quản lý và giáo viên. Tuy nhiên, đội ngũ hiện tại mới chỉ có 35 người, thiếu tới 15 biên chế. Tình trạng thiếu hụt nhân lực đang gây nhiều khó khăn trong việc sắp xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy học. Nếu triển khai dạy 2 buổi/ngày sẽ là một bài toán khó với nhà trường”.

Theo thầy Chuyển, nếu thực hiện dạy buổi thứ hai trong ngày, nhà trường dự kiến triển khai một số nội dung như: ôn tập cho học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp, phụ đạo cho học sinh yếu. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ bố trí giảng dạy môn học hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Giáo dục địa phương, Giáo dục quốc phòng và tổ chức các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe…

Những nội dung giảng dạy trong buổi học này cần được thiết kế linh hoạt, tránh chồng chéo với chương trình chính khóa, đồng thời tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực. Việc bố trí thời gian hợp lý sẽ giúp tối ưu hiệu quả học tập, hạn chế áp lực và đảm bảo cân bằng giữa kiến thức, kỹ năng và thể chất. Đây cũng là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu giáo dục toàn diện mà chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đang hướng tới.

 Thầy Bùi Văn Chuyển – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Ảnh: NVCC.

Thầy Bùi Văn Chuyển – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Ảnh: NVCC.

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Sanh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phạm Văn Đồng (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) cho biết: “Theo Điều 7, Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, định mức tiết dạy đối với giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/tuần. Vì vậy, nhà trường đã bố trí, sắp xếp để giáo viên đảm bảo thực hiện đúng định mức quy định này.

Việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày sẽ kéo theo áp lực không nhỏ về số tiết giảng dạy, dễ dẫn đến tình trạng quá tải cho cả giáo viên và học sinh. Giáo viên phải tăng thời lượng đứng lớp, còn học sinh có thể gặp áp lực về tinh thần nếu thời khóa biểu không được sắp xếp hợp lý.

Không chỉ vậy, bài toán về cơ sở vật chất cũng đặt ra nhiều thách thức, nếu không được đầu tư mở rộng sẽ khó đáp ứng được yêu cầu tổ chức dạy học cả sáng và chiều.

Theo thầy Sanh, buổi học thứ hai trong ngày nên ưu tiên các hoạt động trải nghiệm, vui chơi và rèn luyện một số kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo, thay vì tiếp tục giảng dạy nội dung trong chương trình chính khóa. Học sinh đã được tiếp thu đầy đủ kiến thức cần thiết vào buổi sáng. Vì vậy, chương trình giảng dạy buổi chiều phải được thiết kế hợp lý để các em không bị quá tải, mệt mỏi, và tránh gây hiểu lầm đây là hình thức học thêm.

Những hoạt động trải nghiệm và phát triển kỹ năng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho học sinh, góp phần hình thành nhân cách, kỹ năng sống, rèn luyện phẩm chất và phát triển năng lực toàn diện. Việc tham gia các hoạt động gắn với thực tiễn trong môi trường học tập đa dạng giúp các em tự tin hơn, nâng cao khả năng thích ứng, chủ động trong học tập và cuộc sống. Đây là bước chuẩn bị quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để học sinh sẵn sàng trước những thay đổi không ngừng của tương lai.

Để tổ chức hiệu quả việc dạy 2 buổi/ngày cần đảm bảo đội ngũ giáo viên đủ năng lực và chuyên môn cùng cơ sở vật chất được đầu tư đầy đủ, đồng bộ. Các trường có thể đầu tư, bổ sung thêm một số hạng mục như: sân bóng đá mini, sân cầu lông, bể bơi… để phục vụ các hoạt động thể dục, thể thao. Xây dựng, tổ chức các câu lạc bộ trong trường học như: câu lạc bộ nghiên cứu khoa học kỹ thuật, tiếng Anh, khiêu vũ.

 Thầy Nguyễn Văn Sanh - Trường Trung học phổ thông Phạm Văn Đồng (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi). Ảnh: NVCC.

Thầy Nguyễn Văn Sanh - Trường Trung học phổ thông Phạm Văn Đồng (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi). Ảnh: NVCC.

Đồng quan điểm, cô Ca Thanh Nhàn – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đặng Thị Hai (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) cho biết: “Để triển khai hiệu quả chương trình dạy học 2 buổi/ngày, các trường cần bảo đảm cả về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Giáo viên phải đủ về số lượng, được phân công hợp lý để tránh quá tải, đồng thời cần có chuyên môn phù hợp nhằm tổ chức, xây dựng chương trình kỹ năng sống và các hoạt động ngoại khóa. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất như: phòng học, trang thiết bị học tập, sân tập thể dục, phòng đa năng cũng cần đáp ứng được yêu cầu của việc dạy học cả sáng và chiều.

Việc triển khai các hoạt động giáo dục kỹ năng sống không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho học sinh mà còn góp phần xây dựng môi trường học đường tích cực, thân thiện. Thay vì chỉ có những giờ học kiến thức khô khan, các em có cơ hội tham gia những tiết học trải nghiệm phong phú, mới mẻ, bổ ích, giúp cân bằng giữa học tập và rèn luyện kỹ năng. Đây là nền tảng quan trọng để học sinh phát triển toàn diện về cả trí tuệ lẫn cảm xúc”.

Giải pháp để triển khai hiệu quả mô hình dạy 2 buổi/ngày

Theo cô Nhàn, những trường có quy mô lớn, số lượng học sinh đông, nguồn kinh phí phân bổ từ ngân sách nhà nước theo định mức đầu học sinh thường được bảo đảm hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động dạy và học. Ngược lại, với các trường quy mô nhỏ, ít học sinh, kinh phí này khá hạn chế, khiến việc tổ chức các hoạt động bổ trợ như trải nghiệm, phát triển kỹ năng sống hay thành lập câu lạc bộ gặp nhiều khó khăn.

Thực tế cho thấy, các trường ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa đang gặp trở ngại trong việc cải thiện cơ sở vật chất và triển khai hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Đây là những nội dung thiết thực, góp phần phát triển toàn diện cho học sinh, song lại dễ bị cắt giảm trong điều kiện ngân sách còn hạn chế. Vì vậy, dù được đánh giá là cần thiết, nhưng các trường có quy mô nhỏ chưa thể triển khai đồng bộ hoặc duy trì lâu dài do thiếu kinh phí ổn định.

Không chỉ vậy, đội ngũ giáo viên của nhiều trường vẫn chưa đủ để đảm nhận giảng dạy các tiết học về kỹ năng sống một cách hiệu quả, hấp dẫn. Việc phối hợp cùng những chuyên gia, đơn vị có chuyên môn trong lĩnh vực này sẽ giúp chất lượng chương trình được nâng cao hơn.

Tuy nhiên, khi các trường muốn hợp tác với các đơn vị bên ngoài để tổ chức lớp học kỹ năng sống, hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện, lại gặp khó khăn do vướng mắc về thủ tục tài chính và thiếu hành lang pháp lý rõ ràng. Việc chưa có danh sách hoặc hệ thống các đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục kỹ năng sống uy tín được ngành Giáo dục công nhận, giới thiệu cũng khiến các trường khó lựa chọn đối tác phù hợp, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình triển khai.

 Học sinh Trường Trung học cơ sở Đặng Thị Hai (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) trong một buổi hội thi thể dục thể thao. Ảnh: NTCC.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Đặng Thị Hai (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) trong một buổi hội thi thể dục thể thao. Ảnh: NTCC.

Về nguồn kinh phí, thầy Sanh cho rằng Nhà nước cần có sự đầu tư phù hợp để đảm bảo tính đồng bộ và công bằng giữa các trường, đặc biệt tại các khu vực ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Việc đầu tư ngân sách cho giáo dục không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất, chi trả cho đội ngũ giáo viên mà còn tạo điều kiện để triển khai các hoạt động giáo dục chất lượng, lâu dài.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, việc huy động nguồn lực xã hội hóa từ cha mẹ học sinh và cộng đồng là giải pháp cần được tính đến một cách linh hoạt và minh bạch. Nếu không có sự chung tay của xã hội, việc triển khai dạy 2 buổi/ngày sẽ khó đảm bảo hiệu quả, thậm chí có nguy cơ tạo ra khoảng cách giữa các trường có điều kiện và các trường vùng khó khăn.

Thầy Chuyển thông tin thêm, kinh phí chi trả cho các hoạt động như ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12, ôn tập cho nhóm học sinh “mũi nhọn” và phụ đạo cho học sinh yếu tại trường là khoảng 80.000 đồng/tiết học. Tuy nhiên, do điều kiện tài chính còn nhiều khó khăn, nhà trường gần như không có nguồn ngân sách ổn định cho hoạt động này. Việc tổ chức dạy học chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện của giáo viên cùng sự hỗ trợ từ công đoàn nhà trường.

Để có thể triển khai dạy 2 buổi/ngày, nhà trường dự kiến đề xuất đưa khoản chi cho hoạt động này vào kế hoạch tài chính ngân sách ngay từ đầu năm học. Khi xây dựng dự toán, trường sẽ chủ động đề xuất với cấp trên để được cấp kinh phí phù hợp. Việc này nhằm đảm bảo hoạt động dạy 2 buổi/ngày được duy trì ổn định, không bị gián đoạn và mang lại hiệu quả bền vững.

 Học sinh Trường Trung học phổ thông Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) trong một buổi hoạt động thể thao. Ảnh: NTCC.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) trong một buổi hoạt động thể thao. Ảnh: NTCC.

Về kinh phí, cô Nhàn cho biết, hiện còn nhiều vướng mắc trong việc xác định nguồn chi phù hợp. Hoạt động của nhà trường chủ yếu dựa vào ngân sách do Nhà nước cấp và sự đóng góp của phụ huynh. Những trường có quy mô nhỏ, việc sử dụng ngân sách nội bộ để chi cho buổi học thứ hai trong ngày sẽ gặp khó khăn do phải phân bổ cho nhiều hạng mục khác, dẫn tới nguồn lực bị hạn chế.

Bên cạnh đó, hoạt động xã hội hóa cũng chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng khiến các trường gặp nhiều lúng túng trong quá trình triển khai. Vì vậy, cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về cách thu, chi, quy trình thực hiện để nhà trường thuận lợi hơn trong việc triển khai và nhận được sự đồng thuận từ phía phụ huynh. Đây cũng là điều kiện để các đơn vị giáo dục mạnh dạn hơn trong việc tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm phát triển kỹ năng sống cho học sinh.

Theo cô Nhàn, để triển khai hiệu quả mô hình dạy 2 buổi/ngày, cần đảm bảo đồng bộ bốn yếu tố quan trọng: cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nội dung giảng dạy và nguồn kinh phí.

Về cơ sở vật chất, hiện nhiều trường học còn gặp khó khăn khi số lượng phòng học chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Việc tổ chức thêm các lớp buổi chiều là bất khả thi nếu không có thêm không gian học tập phù hợp.

Về đội ngũ giáo viên cũng là một thách thức đối với nhiều trường, đặc biệt là những nơi đang thiếu giáo viên hoặc có giáo viên nhưng chưa đáp ứng đủ chuẩn, chưa đảm bảo đủ giờ giảng dạy theo quy định. Để tăng cường đội ngũ, các trường buộc phải chi thêm kinh phí cho việc tuyển dụng, hợp đồng giảng dạy hoặc bồi dưỡng chuyên môn. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng về nguồn kinh phí này, khiến nhiều trường lúng túng trong quá trình triển khai.

Về nội dung giảng dạy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản hướng dẫn chung, chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để các trường dễ dàng triển khai. Do đó, cần sớm có hướng dẫn chi tiết hơn, làm căn cứ để các trường xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả trong giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Về kinh phí, cần sớm có văn bản hướng dẫn thống nhất về cơ chế chi, đặc biệt là đối với việc chi trả cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày và giáo viên hợp đồng giảng dạy các môn kỹ năng sống. Bên cạnh đó, cũng cần quy định rõ mức thu khi thực hiện xã hội hóa, nhằm bảo đảm minh bạch và tránh gây băn khoăn trong phụ huynh.

Khánh Hòa

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/kinh-phi-thieu-on-dinh-nhieu-truong-gap-kho-khi-to-chuc-day-2-buoingay-post250486.gd