Kính tác chiến IVAS sẽ thay đổi ngoạn mục cục diện trận chiến?
Kính tác chiến IVAS được phát triển cho quân đội Mỹ cho phép binh sĩ có thể nhìn địa hình dưới dạng 3D, trong bóng tối, qua khói và thậm chí xung quanh các góc…
Qua ba thập kỷ, với nhiều nỗ lực phát triển kính chiến đấu cho binh sĩ nhưng quân đội Mỹ đã thất bại do những thách thức về mặt kỹ thuật. Nỗ lực lớn nhất của Lục quân Mỹ là có được một phần hệ thống Land Warrior vào những năm 90 của thế kỷ trước.
Hệ thống này trang bị màn hình gắn trên đầu nhưng bị các binh sĩ phản đối vì quá nặng, không hữu ích, tính năng hạn chế và khó sử dụng. Cuối cùng, toàn bộ dự án đã bị hủy bỏ và Công nghệ Head-up Display (HUD) - kính hiển thị thông tin, được thay thế bằng một chiếc máy tính bảng gắn trước ngực. Một số dự án khác cũng cố gắng phát triển HUD cho lực lượng lục quân nhưng cũng gặp phải những thách thức tương tự.
Kính tác chiến IVAS
Đến năm 2018, trong nỗ lực hiện đại hóa của Bộ Tư lệnh Lục quân Tương lai, dưới sự chỉ đạo của tướng David Hodne, Tham mưu trưởng Bộ binh, Hệ thống tăng cường thị giác tích hợp (Integrated Visual Augmentation System - IVAS) đã được phê duyệt tạo mẫu. Đến nay, đã có tới 2.550 mẫu và IVAS đã được thử nghiệm, cũng như hoàn thiện.
IVAS được thiết kế để nâng cao khả năng nắm bắt để sát thương kẻ địch, tăng khả năng sống sót của lực lượng chiến đấu tầm gần và khả năng cảnh báo cao. Đây là nền tảng cho phép người lính chiến đấu, diễn tập, huấn luyện và thực hiện các hoạt động phục vụ tác chiến, nhờ khả năng chia sẻ thông tin được nối mạng và công nghệ thực tế hỗn hợp.
Phần vật lý của hệ thống IVAS bao gồm kính bảo hộ được kết nối không dây với một máy tính nhỏ và một camera trên vũ khí chính. Các thiết bị đó sẽ liên lạc trong nội bộ tiểu đội chiến đấu bằng tần số vô tuyến hoặc Internet không dây. Trong một số trường hợp, chúng sẽ được liên kết với điện toán đám mây và trong một số trường hợp khác, có thể cả với mạng cục bộ, hoặc dữ liệu lưu trữ.
Một phiên bản siêu bền của hệ thống đã được lính thủy đánh bộ và các thành viên của lực lượng lính dù thử nghiệm vào cuối tháng 1/2020, nhằm thu thập phản hồi của người lính và tinh chỉnh hệ thống để sử dụng thực chiến.
Kể từ tháng 10/2020, hệ thống đang ở lần thử nghiệm thứ ba và đã đạt nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, hệ thống vẫn đang sử dụng tai nghe Microsoft HoloLens 2, chưa có khả năng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.
Hệ thống kính chiến đấu IVAS dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2021, với 40.219 bộ. Hiện chưa có đơn vị cụ thể nào xác định là đơn vị đầu tiên được trang bị, nhưng giới chỉ huy Lục quân cho biết, sẽ chuyển đến các đơn vị "điểm" trước khi cung cấp đại trà cho bộ binh.
Quân đội Mỹ đang đề nghị giải ngân hơn 906 triệu USD đầu tư IVAS trong năm tới, hơn 1 tỷ USD vào năm 2022, khoảng 320 triệu USD trong năm tài chính 2023 và 148 triệu USD vào năm tài chính 2025. Kinh phí đầu tư mua sắm và trang bị IVAS dự kiến khoảng 100.000 bộ.
Mới đây, SRI International đã ký hợp đồng hỗ trợ phát triển cảm biến hình ảnh CMOS mức ánh sáng yếu nhằm cải thiện tầm nhìn ban đêm tích hợp cho IVAS.
Quân đội Mỹ cũng đang tìm kiếm nhà cung cấp radio có thể cạnh tranh trong nỗ lực tích hợp liên quan đến IVAS. Được biết, lục quân nước này sẽ cần khoảng 100.000 máy bộ đàm, bắt đầu mua sắm từ quý I của năm tài chính 2022 và sẽ bắt đầu trang bị cho binh sĩ từ tháng 6/2022.
Những tính năng ngoạn mục
Có thể nói, kính tác chiến IVAS sở hữu những tính năng rất thú vị. Nó được gắn vào mũ sắt chiến đấu và cho phép người sử dụng biết chính xác vị trí của họ nhờ màn hình hiển thị, cung cấp cả la bàn và bản đồ khu vực.
Người ta có thể đặt các điểm khác nhau và sẽ nhìn thấy những mũi tên trước mặt hướng dẫn đi từ điểm A đến điểm B. Việc thử nghiệm hiện đang được tiến hành với nhiều tình huống để tăng tính hữu dụng của IVAS. Việc đặt camera xung quanh xe bọc thép giúp binh sĩ bên trong có thể có góc nhìn đầy đủ 360 độ về những gì đang xảy ra bên ngoài.
Kính chiến đấu IVAS tích hợp công nghệ hình ảnh nhiệt và nhìn đêm. Nó có thể nhìn qua khói và thậm chí xung quanh các góc…, là một bước tiến đáng kể so với những gì các binh sĩ đang sử dụng. Quân đội không còn cần bản đồ giấy để lập trước kế hoạch nhiệm vụ, thay vào đó binh sĩ sử dụng hình ảnh ba chiều và bản đồ địa hình 3D - tính năng thực sự giúp nâng cao nhận thức tình huống, lập kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ. Người chỉ huy có thể thấy toàn bộ binh sĩ của mình trên một bản đồ ba chiều, không phải giao tiếp qua radio nhiều.
Giới chức quân sự tin rằng, những cải tiến mà IVAS mang lại có thể tạo ra sự khác biệt giữa sự sống và cái chết. Các binh sĩ thủy quân lục chiến thử nghiệm kính tại Fort Pickett đã rất ấn tượng bởi lượng thông tin mà kính cung cấp. Họ nhận xét rằng, "IVAS rất ngoạn mục", nó dễ sử dụng như một chiếc điện thoại thông minh. Sau 12 năm trong quân ngũ, một chiến binh cho biết, anh nhận thấy “tiềm năng đáng kinh ngạc” của hệ thống và không gặp khó khăn gì khi học cách sử dụng nó.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ellen Lord đã ca ngợi IVAS là một điển hình của sự thành công, đã đưa ra chương trình cho việc mua sắm các thiết bị quân sự truyền thống ít rủi ro.
Tuy nhiên, một sĩ quan lính thủy đánh bộ đã nghỉ hưu, nhân viên CIA và cộng tác viên của ABC News cho biết: "Đồng ý là IVAS sẽ hỗ trợ binh sĩ, nhưng khuyến cáo hãy thận trọng vì nếu lạm dụng, các binh sĩ sẽ bị phụ thuộc vào các công nghệ tiên tiến, "vì kẻ thù chắc chắn sẽ cố gắng và tìm ra cách để vô hiệu hóa chúng".
(theo ABC News, Soldier Systems và Task And Purpose)