Kinh tế 2 tháng đầu năm: Thích ứng với trạng thái 'bình thường mới'

Báo cáo tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tăng hoặc giảm không đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy việc ứng phó với dịch Covid-19 kỳ này đã tốt hơn, có kinh nghiệm hơn, chuyển dần sang trạng thái 'bình thường mới'

 Sản xuất thiết bị gia dụng tại Công ty Sunhouse. Ảnh: Thanh Hải

Sản xuất thiết bị gia dụng tại Công ty Sunhouse. Ảnh: Thanh Hải

Sản xuất công nghiệp, vốn đầu tư tăng nhưng còn khiêm tốn
Tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm nay đã tăng với tốc độ khá, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành công nghiệp (tăng 10,4% so với 7,4%). Tuy nhiên nếu tính riêng IIP tháng 1/2021 giảm 3,2% so với tháng 12/2020, tháng 2/2021 giảm 21,1% so với tháng 1/2021, hay giảm 23,6% so với tháng 12/2020. Điều đó chứng tỏ đà cao lên trong quý IV/2020 đã không được duy trì trong đầu năm 2021 nếu không có những giải pháp quyết liệu và kịp thời ngay trong thời gian tới. Trong khi đó, ngành khai khoáng vẫn giảm tương đối sâu (11%), hai ngành còn lại tăng thấp (ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,3%, ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 4,8%). Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu giảm tương đối sâu (như dầu thô giảm 10,8%, khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 19,9%, than giảm 8,8%, xăng dầu giảm 55%, thủy hải sản chế biến giảm 1,2%, giày dép da giảm 0,5%...).
Một yếu tố đầu vào quan trọng là vốn đầu tư. Vốn từ NSNN tiếp nối kết quả tích cực của năm trước là tăng khá cao (10,6%). Tăng trưởng đạt được ở cả phần T.Ư (13,6%), ở cả phần địa phương (10,1%). Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện của một số bộ, ngành, địa phương còn thấp, như: Công Thương, TT&TT, GTVT, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hải Phòng… FDI thực hiện trong 2 tháng đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2,5%. Tuy nhiên, số vốn FDI đăng ký mới giảm sâu (33,9%), góp vốn, mua cổ phần giảm 34,4%.
Xuất khẩu tăng, tiêu thụ nội địa giảm
Một đầu ra của kinh tế là tiêu thụ trong nước. Một số ngành hoạt động bị giảm, thậm chí giảm khá sâu (như dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 4,3%; du lịch lữ hành giảm 62,1%). Du lịch lữ hành giảm sâu có một phần do khách du lịch trong nước giảm, có phần lớn do lượng khách quốc tế giảm rất sâu 99,1%. Sự sụt giảm khách quốc tế đến Việt Nam diễn ra ở tất cả các châu lục, các quốc gia và vùng lãnh thổ. Nguyên nhân chủ yếu do tác động của dịch Covid-19 chưa thể mở cửa cho du khách nước ngoài.
Xuất khẩu hàng hóa đầu năm tăng khá cao, trong đó có nhiều mặt hàng có mức kim ngạch tăng lớn (trên 200 triệu USD). Có 18 mặt hàng đạt trên 500 triệu USD, trong đó có 9 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD. Ngoài ra có 26 thị trường đạt trên 500 triệu USD, trong đó có 10 thị trường đạt trên 1 tỷ USD (lớn nhất là Mỹ, tiếp đến là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Hà Lan, Đức, Ấn Độ, Anh, Thái Lan). Mới qua 2 tháng ước có 19 địa phương đạt trên 500 triệu USD, trong đó có 13 địa phương đạt trên 1 tỷ USD (lớn nhất là Bắc Ninh, tiếp đến là TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương). Đạt được kết quả như trên là một cố gắng lớn và là tín hiệu khả quan cho cả năm 2021. Do quy mô của nhập khẩu thấp hơn của xuất khẩu, nên trong 2 tháng qua, Việt Nam ở vị thế xuất siêu khá cả về mức xuất siêu (1,287 tỷ USD), cả về tỷ lệ xuất siêu (2,7%).
Lạm phát còn tiềm ẩn
Lạm phát là một đỉnh quan trọng của “ngũ giác mục tiêu” (tăng trưởng nhanh; lạm phát thấp; cán cân thanh toán có số dư; thất nghiệp ít; môi trường được bảo vệ, cải thiện). Sau 2 tháng, CPI tăng 1,58%, thuộc loại cao so với cùng kỳ trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, tháng 1 giảm 0,97%, tháng 2 tăng 0,7%, bình quân 2 tháng năm nay giảm 0,14% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm có thể tăng thấp hơn mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, thậm chí có thể còn thấp hơn cả tốc độ tăng bình quân cả năm từ 2016 đến nay (2016 tăng 2,66%, 2017 tăng 3,53%, 2018 tăng 3,54%, 2019 tăng 2,79%, 2020 tăng 3,23%).
Lạm phát cơ bản chỉ tăng 0,64%, thấp xa so với tốc độ tăng 3,1% của cùng kỳ năm trước. Tuy bình 2 tháng đầu năm tăng thấp, nhưng chưa thể chủ quan thỏa mãn, bởi tình hình nới lỏng tiền tệ trên thế giới rất lớn, có thể làm cho lạm phát trên thế giới tăng cao, giá nhập khẩu sẽ tăng, làm cho giá đầu vào của sản xuất, kinh doanh, của tiêu dùng sẽ tăng cao.
Về hoạt động DN, nếu bù trừ số ra khỏi thị trường với số gia nhập thị trường, thì trong 2 tháng đầu năm số ra khỏi thị trường nhiều hơn số gia nhập thị trường là 4.449 DN, hay số DN đang hoạt động cuối tháng 2/2021 so với cuối tháng 12/2020 giảm 4.449 DN.
Tình hình đó do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 lần thứ 3 bùng phát trở lại. Từ số DN đang hoạt động tính đến cuối tháng 12/2020 (khoảng 783,1 nghìn DN) thì đến cuối tháng 2/2021 chỉ còn 787,7 nghìn DN - vẫn còn cách xa so với mục tiêu 1 triệu DN đang hoạt động đến năm 2020 và sẽ không đạt được các mục tiêu cao hơn đến 2025, 2030 nếu không ngăn chặn được dịch Covid-19 và có giải pháp đẩy mạnh khởi nghiệp, hỗ trợ DN trụ vững.

Đức Minh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/kinh-te-2-thang-dau-nam-thich-ung-voi-trang-thai-binh-thuong-moi-412371.html