Kinh tế 2022 có nhiều nguy cơ về lạm phát và nợ xấu
Nếu lạm phát tăng nhanh, chính sách tiền tệ phải thắt chặt, từ đó nợ xấu cũng theo xu hướng tăng bởi doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng yếu kém với các khoản nợ.
Thách thức đặt ra với kinh tế năm 2022
Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, kinh tế nước ta năm 2022 sẽ đối mặt với hai vấn đề lớn: lạm phát và nợ xấu.
Thứ nhất, vấn đề nguy cơ lạm phát kép. Hiện tại, tình hình lạm phát ở các quốc gia mà Việt Nam có khối lượng hàng hóa nhập khẩu lớn đều có sự gia tăng mạnh (như Hàn Quốc tăng trên 3%, Mỹ tăng 6,2% trong 10 tháng đầu năm).
Điều này có nguồn gốc từ nhiều vấn đề như đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu lao động sản xuất, giá cả hàng hóa nguyên liệu đầu vào gia tăng, trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng lên do việc thực hiện các gói kích thích kinh tế của các quốc gia…. Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực lạm phát bên ngoài do tăng giá hàng hóa và nguyên liệu đầu vào nhập khẩu là khó tránh khỏi.
Từ đó có thể thấy, nếu như việc điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ trong nước nếu gây ra lạm phát sẽ đẩy nền kinh tế vào tình huống chịu áp lực lạm phát kép từ cả bên trong và bên ngoài. Vì vậy, các gói kích thích kinh tế sắp tới cần phải được tính toán và thực hiện để tránh được vấn đề này.
Thứ hai, về nguy cơ nợ xấu, bên cạnh vấn đề lạm phát thì nợ xấu, bội chi ngân sách, nợ công cũng sẽ là những thách thức của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho rằng, nhiệm kỳ này của Chính phủ sẽ chỉ có thể tập trung nguồn lực giải quyết các vấn đề nhằm ổn định kinh tế-xã hội. Thông tư 03, 01 của NHNN vẫn sẽ cho doanh nghiệp cơ hội tiếp cận tín dụng một thời gian nữa.
Tuy nhiên, sang năm 2022 và năm 2023 rủi ro nợ xấu, bong bóng tài sản có thể trở thành vấn đề thực sự. Cho tới thời điểm hiện tại, giá bất động sản đã giá gia tăng ở mức cao ở một số địa phương cũng như giá của hầu hết cổ phiếu doanh nghiệp trong năm vừa qua đều tăng trưởng khá nóng.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp đều khá khó khăn như hiện nay. Nếu lạm phát thực tế và lạm phát kỳ vọng tăng nhanh thì chính sách tiền tệ sẽ phải thắt chặt. Lúc đó, các doanh nghiệp yếu kém với các khoản nợ dưới chuẩn lớn cùng các nhà đầu cơ chứng khoán và bất động sản sẽ khó thanh toán được các khoản vay nợ. Nợ xấu sẽ tăng mạnh có thể gây bất ổn cho hệ thống ngân hàng.
Giải pháp thông qua chuyển đổi số và kinh tế số
Để phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững theo hướng số hóa, PGS.TS Bùi Quang Tuấn đã chỉ rõ những lợi ích của phát triển kinh tế số đối với quốc gia là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển các ngành/lĩnh vực mới, tạo việc làm, thay đổi cơ cấu việc làm, nâng cao chất lượng lực lượng lao động, tăng chất lượng dịch vụ công.
Lợi ích đối với doanh nghiệp là tăng năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo cơ hội mở rộng thị trường và gia tăng thị phần, thay đổi linh hoạt hơn, kết nối với khách hàng, nhân viên, đối tác và nhà cung cấp nhanh hơn, đẩy nhanh quá trình ra quyết định. Kinh tế số cũng mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng như: Chất lượng sản phẩm/Tiện ích được cải thiện do ứng dụng công nghệ tiên tiến; mua hàng mọi lúc, mọi nơi chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nội mạng Internet; Giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn so với mua qua kênh truyền thống do chi phí sản xuất và phân phối được cắt giảm; thuận tiện trong thanh toán do không phải sử dụng tiền mặt…
Từ những vấn đề đã nêu, PGS.TS.Bùi Quang Tuấn cũng chỉ ra một số định hướng và giải pháp phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế từ góc độ của chuyển đổi số và kinh tế số.
Về ngắn hạn, PGS.TS.Bùi Quang Tuấn đề nghị cần rà soát, hoàn thiện pháp luật theo hướng thuận lợi hóa mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh và đầu tư cho các doanh nghiệp, chú ý đến doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, để phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng số; Thúc đẩy kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu số hóa trong nước, phát huy vai trò của nguồn tài nguyên số phục vụ cho kinh tế số, thúc đẩy kết nối và chia sẻ thông tin của các cơ quan quản lý, bộ ngành, trung ương, địa phương; Đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng số, nền tảng số, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai, phát huy vai trò của các quỹ tài chính hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khuyến khích thương mại hóa và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích và hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất và kinh doanh; Đẩy nhanh quá trình thử nghiệm và khẩn trương ứng dụng đại trà các công cụ thanh toán điện tử, tiền số và các hình thức kinh doanh và dịch vụ kinh tế số không dùng tiền mặt; khuyến khích phát triển các định chế tài chính mới như Fintech. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong quản lý tài chính, thuế, an sinh xã hội, y tế, giáo dục.
Về dài hạn, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho rằng cần phải có cách tiếp cận tổng thể, hệ thống hơn. Cần phải chú ý tới các yếu tố của một hệ sinh thái đầy đủ của chuyển đổi số. Đồng thời cần phải chú ý tới xu hướng phục hồi xanh đang trở thành một xu hướng nổi trội trên thế giới. PGS.TS. Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh, tận dụng phục hồi nền kinh tế để tái cấu trúc theo hướng xanh hóa nền kinh tế là một thời cơ lớn.
Chiến lược tăng trưởng xanh cũng xác định 4 nội dung quan trọng là giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng, và xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. Do đó, các giải pháp để thực hiện chuyển đổi số và phát triển kinh tế số cần phải được lồng ghép tốt với thực hiện các giải pháp của chiến lược tăng trưởng xanh đã được đưa ra ở Quyết định 1685 của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/10/2021.
Bàn về các giải pháp can thiệp nền kinh tế, PGS.TS.Bùi Quang Tuấn kiến nghị: Thứ nhất, cần ưu tiên nguồn lực củng cố hệ thống y tế trên toàn quốc. Cụ thể, gói củng cố hệ thống y tế cần khoảng 76.000 tỷ đồng. Thứ hai, cần tiếp tục củng cố hệ thống an sinh xã hội. Cụ thể, gói củng cố hệ thống an sinh xã hội cần khoảng 58.000 tỷ đồng. Thứ ba, cần hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn, trong đó gói hỗ trợ doanh nghiệp cần khoảng 244.000 tỷ đồng cùng với việc hạ mặt bằng lãi suất là rất cấp thiết.,Thứ tư, tiếp tục cải cách thể chế, giải quyết những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Gói đầu tư công mà PGS.TS. Bùi Quang Tuấn đề xuất có quy mô là 288.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2 năm 2022-2023. Như vậy, tổng gói cứu trợ nền kinh tế dựa trên 4 lĩnh vực ưu tiên dự kiến có giá trị khoảng 666.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% tổng giá trị GDP nền kinh tế năm 2020.
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh, để đảm bảo các biện pháp trên thực hiện thành công, cần đảm bảo sự phối hợp để thiết kế và thực hiện các chính sách giữa các bộ ngành thuộc Chính phủ và Quốc hội. Các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan tham mưu cần phối hợp chặt chẽ trong việc tính toán nhằm đảm bảo dòng tiền hỗ trợ thực sự được đưa vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và hộ gia đình thay vì chuyển qua kênh đầu cơ các tài sản tài chính rủi ro, vốn không đóng góp cho phục hồi tăng trưởng.