Kinh tế 2025: Năm của 'tăng tốc, bứt phá'

Năm 2025 đã tới, là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030.

Với ý nghĩa này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu để phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số trong năm 2025. Đây là mục tiêu cao, vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao, đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh mẽ trong bối cảnh cả nước đồng thời thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Cảng Tân Vũ. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Cảng Tân Vũ. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Nền tảng tạo đà

Tạo đà cho kinh tế năm 2025 là những thành quả, nền tảng quan trọng đạt được của năm 2024. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của siêu bão Yagi và kinh tế thế giới nhiều bất ổn, kinh tế Việt Nam đã nỗ lực vượt khó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta năm 2024 dự kiến vượt 7%, thuộc nhóm ít quốc gia tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Các tổ chức quốc tế đánh giá cao và liên tục điều chỉnh dự báo tăng trưởng nước ta theo hướng ngày càng tích cực hơn. Standard Chartered đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 lên 6,8%; VinaCapital dự báo tăng trưởng GDP năm 2024, 2025 lên 6,5%; HSBC nâng dự báo tăng trưởng lên 7%; IMF nâng lên 6,8%. Doanh nghiệp khôi phục niềm tin vào triển vọng kinh tế… Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao. Lạm phát được kiểm soát dưới 4%, là tốc độ tăng rất tích cực trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ ngày 01/7/2024 và điều chỉnh giá một số mặt hàng, dịch vụ…

Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục gần 800 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao.

“Đáng nói, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đưa ra nhận định.

Cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4%; trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10%, tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô.

Hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả; khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) trong thời gian đàm phán ngắn kỷ lục (16 tháng), góp phần mở rộng thêm xa lộ hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam.

Trong bối cảnh chịu nhiều tác động, điều hành chính sách tài chính, chính sách tiền tệ đã có những đóng góp tích cực đến phát triển kinh tế. Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được ban hành, thực hiện trong năm 2024 và năm 2025, với quy mô hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã phát huy hiệu quả tích cực, hỗ trợ kịp thời các hoạt động sản xuất – kinh doanh; tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Theo Bộ Tài chính, cùng với việc tổ chức thực hiện tốt các Luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, năm 2024, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền tiếp tục ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, với quy mô hỗ trợ khoảng 191 nghìn tỷ đồng.

Thu ngân sách cả năm 2024 ước đạt 2.025,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,1% so với dự toán và tăng 15,5% so thực hiện năm 2023, thêm nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương, xử lý các vấn đề quan trọng, cấp bách đột xuất phát sinh, tăng chi đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội.

“Trong 4 năm trở lại đây, thu ngân sách nhà nước luôn ở mức năm sau vượt so với năm trước, khoảng trên 1.000.000 tỷ đồng. Đây là một nỗ lực rất lớn và là một thành công trong điều hành chính sách tài khóa. Nhờ đó, chúng ta có nguồn lực để đầu tư vào sân bay, bến cảng; xây dựng các công trình hạ tầng như đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam và thực hiện các chính sách về an sinh xã hội…”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 cũng đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.

Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023.

Ưu tiên cao nhất cho thúc đẩy tăng trưởng

Các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, bất động sản và công nghệ cao là điểm đến ưu tiên của các nhà đầu tư. Ảnh minh họa: Đồng Thúy/TTXVN

Các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, bất động sản và công nghệ cao là điểm đến ưu tiên của các nhà đầu tư. Ảnh minh họa: Đồng Thúy/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025 là năm vừa phải “tăng tốc, bứt phá”, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025 vừa phải thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, các nhiệm vụ vẫn phải thúc đẩy, triển khai, hoàn thành và sau khi hoàn thành phải bắt tay ngay vào công việc.

Việc thu gọn bộ máy giúp giảm biên chế, giảm chi thường xuyên hiện đang chiếm khoảng 68% tổng chi ngân sách và tránh chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan bộ ngành.

Thủ tướng chỉ đạo ưu tiên cao nhất thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 ở mức hai con số; tiếp tục làm mới, đẩy mạnh hơn nữa các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới…

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhiệm vụ cho năm 2025 là tập trung nguồn lực cho các cực tăng trưởng, vùng động lực và hành lang kinh tế, tạo sức bật và lan tỏa ra các vùng, địa phương khác trên cả nước đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tham mưu phát triển các mô hình kinh tế mới, các ngành, lĩnh vực mới, tạo động lực tăng trưởng mới… Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, ngành tập trung cho nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm tiến độ hoàn thành các chương trình, dự án, nhiệm vụ, đề án lớn trong năm 2025 để tập trung nguồn lực, thời gian cho các dự án, nhiệm vụ ưu tiên mới trong giai đoạn 2026-2030…

“Ngành tài chính quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế, phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 ở mức cao nhất theo chỉ đạo của Chính phủ để có thêm nguồn dành cho thực hiện chính sách cải cách tiền lương, tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Ngoài ra, ngành tài chính cũng điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2025 chặt chẽ, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, phấn đấu tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên năm 2025 so năm 2024...

Về nhiệm vụ, định hướng thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Cụ thể, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Mặt khác, tiếp tục theo dõi và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong một năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, việc thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp là hết sức cần thiết để có thể đạt được kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, tạo nền tảng cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nguyễn Huyền (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/kinh-te-2025-nam-cua-tang-toc-but-pha-20250101101638255.htm