Kinh tế Anh bất ngờ có tín hiệu khởi sắc tích cực
Diễn biến kinh tế Anh tuần qua đã mang lại nhiều tín hiệu lạc quan.

Quảng trường Trafalgar, London. Ảnh: Adrien Fillon | Nurphoto | Getty Images
Dữ liệu vào ngày 23.5 gợi ý một tín hiệu tích cực bất ngờ của kinh tế Anh khi doanh số bán lẻ tăng 1,2% - tốt hơn nhiều so với dự kiến vào tháng 4 năm nay.
Theo CNBC, chỉ số niềm tin người tiêu dùng của công ty GfK đã cho thấy sự cải thiện về tâm lý của người mua.
Đồng bảng Anh tăng 0,6% so với đồng đô la Mỹ sau khi các số liệu được công bố vào ngày 23.5.
Sự kết hợp của hai số liệu tích cực vào ngày 23.5 đi ngược lại với dự báo trước đó của một số nhà kinh tế.
Hầu hết các nhà kinh tế đều dự báo diễn biến kinh tế trong tháng 4 có xu hướng giảm, một phần do ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
"Căng thẳng từ chính sách thuế quan của Mỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý thận trọng của người tiêu dùng", Rob Wood, nhà kinh tế trưởng của Vương quốc Anh tại Pantheon Macroeconomics cho biết.
Theo ông Wood, mức tăng trưởng doanh số vừa thông báo chính thức là sự thật, có thể một phần là do chi tiêu trong lễ Phục sinh muộn hơn trong năm nay.
Thời tiết cũng ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân, cụ thể là cả tháng 3 và tháng 4 đều ghi nhận nắng nóng.
Số liệu bán lẻ và dữ liệu về niềm tin của người tiêu dùng vào ngày 23.5 đã chỉ ra sự tăng trưởng kinh tế Anh trong quý hiện tại.
Cơ quan quản lý năng lượng của Anh - Ofgem mới đây cũng thông báo giá điện sẽ giảm 7% vào tháng 7 tới. Điều đó thúc đẩy chi tiêu trong các lĩnh vực khác nhau trong những tháng tới.
“Khi lòng tin được cải thiện thì người tiêu dùng sẽ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn”, ông Monks từ ngân hàng JP Morgan cho biết trong một lưu ý gửi đến khách hàng vào ngày 23.5.
Theo ông Monks, lạm phát cao và tăng trưởng tiền lương chậm hơn tạo ra những rào cản về sức mua của khách hàng. Tín hiệu tích cực vào tháng 5 sẽ giảm lo lắng ở người dân về nỗi lo thất nghiệp, cùng với kỳ vọng lạm phát thấp hơn vào thời gian tới.
Bức tranh kinh tế của Vương quốc Anh đã thay đổi trong năm qua. Quốc gia này “chật vật” với những trở ngại vì sự suy thoái kinh tế bất ngờ và mối lo ngại ngày càng tăng về các kế hoạch chi tiêu tài khóa.
Gần đây, Anh đã thúc đẩy các thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt với Mỹ, Ấn Độ và châu Âu - tín hiệu cho thấy bước chuyển dịch mới về kinh tế.
Đầu tuần này, số liệu chính thức ghi nhận nền kinh tế Anh tăng trưởng 0,7% trong quý đầu tiên vào năm 2025, mặc dù lạm phát trong nước tăng lên 3,5% vào tháng 4.
Tuần trước, dữ liệu khác cũng cho thấy thu nhập trung bình ở Vương quốc Anh đã tăng 5,9% trên cơ sở hàng năm.
Tín hiệu tích cực trong dữ liệu kinh tế có ý nghĩa quan trọng trong bức tranh kinh tế dài hạn của Vương quốc Anh.
Những rủi ro vẫn còn ở phía trước
Alex Kerr, nhà kinh tế Vương quốc Anh tại Capital Economics, đã cảnh báo rằng "mặt trời sẽ không chiếu sáng mãi mãi với ngành bán lẻ của Anh".
"Không tính vào thời điểm sau đại dịch Covid-19, lần đầu tiên kể từ năm 2015, doanh số bán lẻ đã tăng liên tiếp trong bốn tháng. Tuy nhiên, khả năng tín hiệu đó sẽ không kéo dài", ông cho biết trong một lưu ý được gửi ngay sau khi các số liệu được công bố.
Nhà kinh tế Kerr nhấn mạnh mặc dù niềm tin của người tiêu dùng đã tăng nhẹ vào tháng 5 nhưng nhiều khả năng tăng trưởng doanh số bán lẻ sẽ chậm lại trong những tháng tới.
Dù hầu hết các nhà kinh tế coi sự gia tăng nhỏ từ niềm tin của người tiêu dùng vào tháng 5 là tín hiệu tích cực cho tăng trưởng kinh tế của quý tiếp theo nhưng một số khác lại cho rằng khi tâm lý chung vẫn ở mức thấp hơn trước đại dịch thì mối liên hệ giữa chi tiêu và tâm lý "dễ bị phá vỡ."
“Người tiêu dùng Anh có thể đang chán nản và muốn tìm đến mua sắm để giải tỏa căng thẳng về những khó khăn kinh tế và tài chính”, Andrew Wishart, nhà kinh tế cấp cao của Anh tại Berenberg nói.
Thay vào đó, nhà kinh tế Wishart nhận định sự kết hợp của đại dịch, lạm phát và lãi suất tăng có thể khiến người tiêu dùng củng cố tài chính.
“Các hộ gia đình có thể tăng tỷ lệ tiết kiệm (tỷ lệ thu nhập hộ gia đình không chi tiêu) lên mức chưa từng thấy trước đây”, ông Wishart nói.
Theo nhà kinh tế, sau khi ổn định số dư ngân hàng và đảm bảo tăng lương, người tiêu dùng hiện đang chi tiêu với kỳ vọng về một môi trường lãi suất và giá cả ổn định hơn.
"Ngược lại với trực giác, mức độ chi tiêu thêm của người tiêu dùng sẽ khiến Ngân hàng Anh nhiều khả năng vẫn giữ nguyên lãi suất đến hết năm nay, thay vì cắt giảm", ông nói thêm.
Ông Allan Monks, chuyên gia kinh tế trưởng tại JPMorgan, người dự báo mức tăng trưởng hàng năm là 0,6% dự báo chuỗi các yếu tố tích cực này có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Vương quốc Anh trong quý thứ hai.
Theo Janet Mui, Giám đốc phân tích thị trường tại công ty quản lý tài sản RBC Brewin Dolphin, với mức tăng trưởng tiền lương vượt xa lạm phát, các hộ gia đình ở Anh đang chi tiêu hào phóng hơn.
"Chi phí vay cao hơn sẽ tạo thêm nhiều đợt tăng thuế và cắt giảm chi tiêu. Điều này đặt ra một số rủi ro tăng trưởng trung hạn cho Vương quốc Anh trong bối cảnh tình hình thương mại toàn cầu vẫn chưa chắc chắn", Giám đốc Janet Mui nói thêm.