Kinh tế Anh sắp rơi vào suy thoái

Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR), Cơ quan Giám sát tài chính công tại Anh vừa đưa ra cảnh báo là quốc gia này sẽ rơi vào giai đoạn suy thoái toàn diện kéo dài hàng năm kể từ quý IV/2019.

Văn phòng trên cho biết nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới có dấu hiệu ngừng tăng trưởng hoặc suy giảm trong quý II/2019. Thực tế các khảo sát tăng trưởng gần đây đều cho kết quả đặc biệt yếu trong tháng 6, báo hiệu tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức yếu.

Trong quý II vừa qua đã chứng kiến sự chững lại trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng. Cụ thể, chỉ số PMI trong lĩnh vực chế biến chế tạo có xu hướng sụt giảm mạnh qua các tháng trong quý II, giảm từ mức lớn hơn 55 điểm vào đầu năm xuống còn dưới mức 52 điểm trong tháng 6. Bên cạnh đó, tiêu dùng cũng có chung xu hướng giảm từ mức 6,7% vào thời điểm cuối quý I xuống còn đạt mức tăng hơn 2% trong những tháng gần đây.

Anh sẽ rơi vào giai đoạn suy thoái toàn diện kéo dài hàng năm?

Anh sẽ rơi vào giai đoạn suy thoái toàn diện kéo dài hàng năm?

Diễn biến này chỉ ra nguy cơ nền kinh tế Anh có thể đang bước vào giai đoạn suy thoái toàn diện. Dẫn các dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), OBR khẳng định Brexit không thỏa thuận sẽ làm suy giảm lòng tin và cản trở đầu tư, mở đường cho các rào cản thương mại ở cấp độ cao hơn với Liên minh châu Âu (EU), làm suy giảm giá trị của đồng bảng Anh và khiến nền kinh tế xứ sở sương mù suy giảm 2% vào cuối năm 2020.

Ngoài ra, OBR cũng cảnh báo mức thâm hụt ngân sách của Anh sẽ tăng gấp đôi vào năm tới nếu rời EU mà không có thỏa thuận vào cuối tháng 10 này. Theo OBR, việc thực hiện Brexit không thỏa thuận có thể buộc Chính phủ Anh phải vay thêm 30 tỷ bảng Anh (37,4 tỷ USD) mỗi năm tính từ năm 2020 vì nguồn thu thuế sẽ giảm do Anh sẽ phải áp dụng các mức thuế thương mại theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Không những thế, do không còn bị ràng buộc bởi các quy tắc của EU nên Anh sẽ phải đối mặt với các hàng rào thuế quan của khối này, khiến nhiều loại hàng hóa nhập khẩu từ EU sẽ tăng giá, trong khi đó một số sản phẩm do Anh sản xuất có thể bị EU từ chối do những yêu cầu về giấy phép và chứng nhận mới. Kết quả là Anh có thể sẽ đối mặt với tình trạng khan hiếm hàng hóa trong khi lạm phát trong nước có thể gia tăng.

Một nguy cơ khác đến từ tiến trình hậu Brexit đó là sự di chuyển của các cơ sở sản xuất. Theo đó, các nhà sản xuất lớn đang đặt các cơ sở sản xuất tại Anh có thể chuyển hoạt động sang EU để tránh sự chậm trễ trong các vấn đề qua biên giới. Đơn cử, hãng Airbus hiện có hơn 14 nghìn nhân công tại Anh với khoảng hơn 110 nghìn công việc liên quan tới các chuỗi cung ứng, đã lên tiếng cảnh báo, Brexit không thỏa thuận sẽ có thể buộc công ty phải đưa ra những quyết định mới về hoạt động của công ty này tại Anh.

Trong lĩnh vực tài chính, trang CNN Business dẫn một báo cáo do công ty tư vấn và kiểm toán EY công bố cho biết, các ngân hàng và công ty tài chính hiện đã chuyển lượng tài sản trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD, từ Anh sang EU vì Brexit.

Trước những diễn biến kém tích cực như vậy, không chỉ OBR, cả Ngân hàng Trung ương Anh và IMF trước đó đều cảnh báo tình trạng suy thoái sâu rộng và những hậu quả có thể xảy ra nếu Anh thực hiện Brexit không có thỏa thuận.

Đã hơn 3 năm kể từ ngày người dân Anh bỏ phiếu lựa chọn rời EU nhưng Brexit vẫn chưa diễn ra. Việc không thể đưa ra các điều khoản thương mại của Anh với EU đang khiến tình hình kinh tế chính trị tại Anh rơi vào tình trạng khó khăn, buộc các công ty khó đưa ra các kế hoạch cho tương lai dẫn tới hoạt động đầu tư bị đình đốn.

Việc Chính phủ Anh thất bại trong cả 3 lần nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ tại Quốc hội dành cho thỏa thuận Brexit đã ký kết với EU hồi cuối năm 2018 và phải gia hạn Brexit tới 2 lần đã buộc Thủ tướng Anh Theresa May cuối cùng phải tuyên bố từ chức để mở đường cho đảng Bảo thủ cầm quyền tìm kiếm một lãnh đạo mới với hy vọng tháo gỡ bế tắc Brexit, để tiến trình này được thực hiện êm xuôi vào cuối tháng 10 tới.

Cuộc đua lựa chọn người kế nhiệm bà May trong đảng Bảo thủ giờ chỉ còn hai ứng viên. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào tuần tới, vỏn vẹn hơn 3 tháng trước hạn chót cho Brexit.

Tuy nhiên, tại thời điểm này cả hai ứng viên cho chức Thủ tướng Anh là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson và Ngoại trưởng Jeremy Hunt đều tuyên bố sẵn sàng thực hiện Brexit không thỏa thuận nếu cần thiết, do đó OBR đánh giá những cam kết cắt giảm chi tiêu công và cắt giảm thuế mà cả hai ứng viên này đưa ra để đương đầu với những khó khăn từ Brexit không thỏa thuận sẽ đều khiến tình hình ngân sách Anh thêm căng thẳng cũng như có thể đẩy Anh trượt sâu hơn vào một cuộc suy thoái mới.

Minh Đức

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/kinh-te-anh-sap-roi-vao-suy-thoai-90278.html