Kinh tế ASEAN đối mặt thách thức từ thảm họa thiên nhiên
Khi đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất ở Đông Nam Á dịu đi, thiên tai tiếp tục giáng mạnh vào một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong khu vực, khiến quá trình phục hồi kinh tế và cuộc sống con người sau thảm họa tại đây thêm khó khăn.
Khi siêu bão RAI (tên địa phương là Odette) tấn công Philippines vào giữa tháng 12, khiến ít nhất 375 người thiệt mạng, 600.000 người dân phải di tản. Đây là cơn bão nhiệt đới mạnh nhất đổ bộ vào quốc đảo này trong năm nay, để lại sự tàn phá nặng nề trên các đảo miền Trung và miền Nam.
Ở Malaysia, cơn bão tương tự đã gây ra trận lũ quét tồi tệ nhất ảnh hưởng đến 8 bang bao gồm Kuala Lumpur và Selangor, làm 47 người thiệt mạng và gần 70.000 người phải di dời.
Đầu tháng này ở Indonesia, vụ phun trào của núi lửa Semeru ở phía Đông đảo Java đã khiến nhiều người mất cảnh giác. Sau khi mưa lớn, ngọn núi lửa bị sạt lở gây phun trào dung nham, khiến ít nhất 51 người thiệt mạng và di dời hơn 9.000 người dân.
Các nhà chức trách bị chỉ trích vì đã không cảnh báo sớm cho người dân địa phương về khả năng vụ phun trào núi lửa xảy ra. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu núi lửa cho biết, vụ phun trào này rất khó dự đoán vì không có hoạt động địa chấn nào được phát hiện.
Một trận động đất cũng tại Indonesia mạnh 7,4 độ Richter ngày 14/12 đã xảy ra ngoài khơi tỉnh Đông Nusa Tenggara, gây ra cảnh báo sóng thần ngắn. Ít nhất 1 người chết và gần 60 người bị thương nặng, hơn 8.000 người đã được di dời.
Hàng loạt sự kiện này là một lời nhắc nhở rõ ràng về tính dễ bị tổn thương của Đông Nam Á trước các thảm họa thiên nhiên. Các mối đe dọa lâu đời như núi lửa phun trào và động đất luôn là yếu tố cố định ở các quốc gia như Indonesia, Philippines và Nhật Bản nằm trên "Vành đai lửa" ở Thái Bình Dương. Vành đai hoạt động địa chấn hình móng ngựa kéo dài hơn 25.000 dặm và trải dài các quốc gia từ Argentina đến New Zealand. Động đất, sóng thần và núi lửa phun trào là do sự va chạm và chuyển động của các mảng kiến tạo.
Điểm nóng thiên tai toàn cầu
Ở Đông Nam Á đã được mạng lưới nhân đạo của Đức Buendnis Entwicklung Hilft và Đại học Ruhr Bochum gọi là “điểm nóng thiên tai toàn cầu” - cùng với Châu Đại Dương, Trung Mỹ, Tây và Trung Phi - trong Báo cáo Rủi ro Thế giới năm 2021 của họ.
Theo cáo cáo cho biết Đông Nam Á là "nơi có mức độ nguy hiểm cao đồng nghĩa với dễ bị tổn thương cao", trong đó đề cập đến việc các nước trong khu vực không đủ khả năng đối phó và thích ứng với tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Bảng xếp hạng chỉ số rủi ro cũng cho thấy, ba quốc gia Đông Nam Á gồm Brunei, Campuchia và Philippines thuộc nhóm "rủi ro rất cao", trong khi Indonesia, Malaysia và Việt Nam thuộc nhóm "rủi ro cao". Các nước này cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro thiên tai hơn do biến đổi khí hậu.
Trong Báo cáo lần thứ 6 công bố vào tháng 8, Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc cho biết: "Tác động của biến đổi khí hậu, sụt lún đất và các hoạt động của con người sẽ dẫn đến mực nước lũ cao hơn và ngập lụt kéo dài ở Đồng bằng Sông Cửu Long (Việt Nam)".
Ở một báo cáo khác do một nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore và Đại học Glasgow của Anh vào tháng 10 cho biết, khu vực này sẽ "quan sát thấy thời tiết nóng hơn, các đợt gió mùa kéo dài hơn và hạn hán gia tăng" do nhiệt độ toàn cầu được dự đoán sẽ tăng 1,5 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp trong vòng 20 năm tới.
"Đến năm 2050, mực nước biển cũng được dự đoán sẽ tăng ít nhất 25 cm so với năm 2000. Các nhà khoa học cảnh báo rằng những tác động lớn nhất sẽ xảy ra ở ASEAN, do số lượng người sống ở các khu vực ven biển trũng thấp”, báo cáo chỉ ra.
Sẽ thường xuyên các thảm họa tấn công hơn
Gần đây, trận lũ quét của Malaysia được gây ra bởi trận mưa lớn kéo dài 40 giờ liên tục sau siêu bão RAI. Mặc dù lượng mưa lớn là điển hình ở các bang ven biển phía Đông Malaysia, nhưng trận lũ quét ở thành phố Selangor và thủ đô Kuala Lumpur là điều bất ngờ, khiến các nhà chức trách không kịp trở tay.
Bà Dwikorita Karnawati, người đứng đầu cơ quan khí hậu của Indonesia cho biết, trước đây nước này hiếm khi xảy ra lốc xoáy nhưng hiện đã xảy ra một hoặc 2 lần mỗi năm. Vào tháng 4, Indonesia đã phải hứng chịu cơn bão Seroja có sức tàn phá khủng khiếp nhất mà nước này từng ghi nhận, khiến ít nhất 182 người thiệt mạng. Bà Karnawati cảnh báo, các cơn bão nhiệt đới đổ bộ vào các hòn đảo của Indonesia sẽ trở nên thường xuyên hơn và mạnh hơn.
Philippines nằm giữa Thái Bình Dương và Biển Đông nên phải hứng chịu trung bình 20 cơn bão hàng năm. Theo ông Yeb Sano, Giám đốc điều hành của tổ chức môi trường Greenpeace: “Mặc dù cơn bão RAI làm ít người chết hơn các cơn bão Washi và Hayan (lần lượt khiến1.400 và 6.300 người thiệt mạng ở nước này vào năm 2011 và 2013, nhưng ước tính cường độ và thiệt hại mà nó gây ra là 'chưa từng có'.
Chúng tôi yêu cầu các tổ chức của chúng tôi coi đây là một lời cảnh tỉnh. Và lần này, họ phải xem xét nó một cách nghiêm túc. Những cơn bão này sẽ trở nên tồi tệ hơn, khó dự đoán hơn và tàn phá hơn nếu chúng chỉ đơn thuần là phản ứng với cuộc khủng hoảng khí hậu".
Ngân hàng Phát triển châu Á báo cáo tháng 7 cho biết, các khu vực đang phát triển của châu Á là "khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới", đặc biệt là Đông Nam Á đã phải đối mặt với số lượng thiên tai cao nhất từ năm 1960 đến năm 2020.
Báo cáo cho biết, việc mở rộng dân số và tăng trưởng kinh tế ở châu Á đang tăng lên, đã hấp dẫn "sự tập trung nhiều hơn về tài sản và con người ở các địa điểm có rủi ro cao, bao gồm các khu vực ven biển và các siêu đô thị đông dân", dẫn đến "nhiều người và tài sản tập trung hơn theo con đường tiềm năng thảm họa".
Chuẩn bị chính sách tài khóa ứng phó với thảm họa
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, các cơn bão nhiệt đới ở Philippines có thể cắt giảm hoạt động kinh tế hàng năm trung bình 1,7% và cao nhất là 23% trong những trường hợp nghiêm trọng nhất. Theo ADB, từ năm 1990 đến năm 2020, tổng tác động từ các cơn bão ở Philippines lên tới ít nhất 20 tỷ USD.
Theo Bộ Tài chính Indonesia, thiệt hại do thiên tai gây ra ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á lên tới khoảng 20 nghìn tỷ Rupiah (1,4 tỷ USD) hàng năm trong 15 năm qua, nhưng nhà nước chỉ có thể chi trả dưới một nửa số chi phí đó.
Tuy nằm trong khu vực nguy hiểm như vậy, công tác quản lý thiên tai ở hầu hết các nước Đông Nam Á trong những năm qua vẫn không được cải thiện nhiều như mong đợi khiến khu vực này thiếu chuẩn bị trước những thảm họa thiên nhiên khó lường hơn trong tương lai.
Hơn 90% các thiệt hại do thảm họa ở châu Á đang phát triển kể từ năm 1980 đã không được trừ bảo hiểm. Các chính sách hỗ trợ thị trường và cơ chế bảo hiểm phi thị trường sẽ cắt giảm đáng kể tổn thất cho các hộ gia đình, ADB cho hay.
Ngân hàng này cũng nhấn mạnh rằng, Chính phủ các nước ASEAN nên chi tiêu nhiều hơn cho công tác phòng ngừa và chuẩn bị thiên tai hơn là ứng phó, cũng như lập kế hoạch và đầu tư vào cơ sở hạ tầng chống chịu với khí hậu và thiên tai. Khoản ngân sách 1,7 nghìn tỷ USD là số tiền mà khu vực này cần hàng năm từ năm 2016-2030 để thu hẹp khoảng cách cơ sở hạ tầng.
Cựu lãnh đạo Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai (BNPB) của Indonesia Doni Monardo cũng cho rằng, cần phải làm nhiều hơn nữa trong công tác giáo dục và phòng ngừa. Ông cho biết, trong khi quỹ khẩn cấp của Indonesia, bao gồm cả ngân sách dành cho ứng phó với thiên tai, đã tăng lên đáng kể trong vài năm qua, số tiền dành cho giáo dục cộng đồng và phòng ngừa đã bị cắt giảm.
Kể từ trận sóng thần ở Ấn Độ Dương làm thiệt hại gần 170.000 người ở tỉnh Aceh của Indonesia vào năm 2004, có tổng cộng 22 phao chống sóng thần được lắp quanh hòn đảo hiện đã bị hư hại. Trong khi đó, các cuộc diễn tập về ứng phó với thảm họa vẫn ít khi được tổ chức cho người dân.
Monardo phát biểu trước Quốc hội trong phiên thảo luận tại Jakarta hồi tháng 3: "Điều này cho thấy rằng chúng ta cần có tư duy nhạy bén trong việc kiểm soát và phòng ngừa nguy cơ của thiên tai, không chỉ là đối phó với thảm họa khi nó xảy ra".
Ông nhấn mạnh: "Thiên tai đang có xu hướng gia tăng, vì vậy các biện pháp giảm thiểu và phòng ngừa là cần thiết”.
Bộ Tài chính Indonesia đã khởi động Quỹ các thảm họa với mục tiêu "tăng cường khả năng phục hồi tài khóa", "thu hẹp khoảng cách tài chính", giảm thiểu tác động của thiên tai trước khi chúng xảy ra và cho các nỗ lực phục hồi. Với 7,3 nghìn tỷ Rupiah (521 triệu USD) ban đầu hiện đang được quản lý, kế hoạch này tìm cách kêu gọi nguồn tiền chính quyền trung ương và địa phương, cũng như viện trợ nhân đạo từ các cộng đồng địa phương, quốc tế và khu vực tư nhân.
Ngân hàng Thế giới (WB), cơ quan hỗ trợ việc thành lập quỹ cho biết, theo thời gian, quỹ này sẽ "tận dụng thị trường vốn và bảo hiểm trong nước và quốc tế để tăng năng lực tài chính của mình".
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đang làm xói mòn thêm năng lực tài chính vốn đã hạn chế của các Chính phủ, làm phức tạp các biện pháp cải thiện khả năng chống chịu với thảm họa.
"Chúng tôi đang cố gắng huy động tiền cứu trợ. Nhưng bạn biết đấy, ngân sách của chúng tôi đã cạn kiệt vô cùng vì Covid-19”, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu sau thảm họa bão RAI.